Gặp người phụ nữ 30 năm vẽ tranh Bác Hồ từ những con tem

19/05/2013 06:59
N.Huệ
(GDVN) - Khơi nguồn sáng tạo những bức tranh về Bác Hồ từ những con tem, gần 30 năm nay, người phụ nữ ấy vẫn miệt mài ghép từng tiểu tiết nhỏ từ những con tem thành những bức hình lớn xoay quanh chủ đề về Người cha già của dân tộc Việt Nam.

Chân dung người “họa sĩ” vẽ tranh Bác bằng tem

Bà không bao giờ nhận mình là họa sĩ nhưng mỗi bức tranh của bà đều thể hiện sự tinh tế và cái tầm của một người sống hết mình vì nghệ thuật. Bà là Phạm Thị Uyển, hiện đang sống tại khu tập thể Mai Động, Hà Nội. Bà Uyển tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Từ năm 1962 bà về công tác tại Tổng Cục Bưu điện (nay là Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông).

Những ngày này, bà dành nhiều thời gian hơn cho công việc gia đình: từ nội trợ cho tới việc chăm sóc các cháu… nhưng chỉ cần có thời gian rỗi, bà lại mang những con tem đã sưu tầm trước đó ra và ghép. Phần để không quên nghề, phần để khuây khỏa tuổi già.

Bà Phạm Thị Uyển đang lần giở lại những con tem mình đã sưu tầm để chuẩn bị cho những bức ghép tranh Bác Hồ.
Bà Phạm Thị Uyển đang lần giở lại những con tem mình đã sưu tầm để chuẩn bị cho những bức ghép tranh Bác Hồ.

Khoảng thời gian tĩnh lặng nhất để bà sáng tạo và tạo nên những nét vẽ “có hồn” là vào những lúc đêm tối, khi tất cả mọi người đã đi ngủ, chỉ còn lại bà và khoảng không yên ắng. Chính vì thế, hiện nay trong nhà bà vẫn còn hai bức tranh về Bác và hàng chục bức tranh đang dần hoàn thành.

“Vẽ tranh về Bác Hồ đã khó nhưng để tạo nên những bức tranh về Bác bằng tem càng khó hơn. Mà cái khó nhất là khi thể hiện khuôn mặt và đôi mắt Bác Hồ, phải làm sao thật hài hòa và có hồn. Nhưng tôi là người thích chinh phục những đỉnh cao, vì thế càng khó tôi càng muốn thực hiện. Hơn nữa, với tôi, Bác Hồ luôn sống trong tim”, tay vẫn lật giở những trang tem mình sưu tầm, bà Uyển cười bảo.

Bà Uyển bắt đầu vẽ tranh Bác Hồ bằng tem từ năm 1986, chủ yếu để phục vụ cho ngành và chỉ trong địa phận Hà Nội. Tranh của bà hiện nay đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước và trở thành một dòng tranh lạ. Chính sự độc đáo ấy mà nhiều người sau khi xem qua, đã dành cho những bức tranh ấy rất nhiều lời ca ngợi và đơn đặt hàng cũng chuyển tới tay bà rất nhiều.

Những bức tranh về Bác bà Uyển đang ghép dở.
Những bức tranh về Bác bà Uyển đang ghép dở.

Tất cả những bức tranh về Bác đều khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và đam mê trong bà nhưng có lẽ bức tranh bà quý hơn cả chính là bức ghép hình bác đang ngồi làm việc trong vườn vì ở đó gương mặt Bác nhìn có “hồn” hơn cả và mọi sắc mầu đều được phối hợp hài hòa.

Tỉ mẩn trong từng hình ghép

Lần giở lại những trang kí ức, bà Uyển không quên được bức tranh đầu tiên được bà “thổi hồn” từ những con tem với gam mầu rất đơn giản. Từ con tem đầu tiên với tên gọi: “Năm mặt trời mọc” nhân ngày Khoa học thế giới kỉ niệm ngày mặt trời tĩnh năm 1962, tới những con tem về đề tài chính trị, khoa học, thiên nhiên, con người… tất cả đều được người con quê gốc Quảng Bình ấy làm sống dậy hài hòa và nhịp nhàng đi vào hơn 400 bức tranh về Bác, trong đó có khoảng 6 – 7 mẫu tranh.

Bức tranh Bác đang ngồi làm việc trong vườn được bà quý hơn cả vì ở đó gương mặt Bác nhìn có hồn và màu sắc được phối hợp hài hòa.
Bức  tranh Bác đang ngồi làm việc trong vườn được bà quý hơn cả vì ở đó gương mặt Bác nhìn có hồn và màu sắc được phối hợp hài hòa.

Để có được sự thuần thục trong từng thao tác như ngày hôm nay, bà Uyển cũng đã trải qua không ít lần phải gỡ ra ghép lại chỉ vì… gương mặt Bác nhìn chưa giống thật, rồi lúng túng không biết sắp xếp như thế nào cho hợp lý và cân đối màu sắc, để gương mặt Bác thực sự có hồn. Thậm chí, những ngày đầu làm quen với công việc này, mắt bà như hoa lên vì hàng nghìn mảng tem vụn được bày la liệt trước mặt. Nhưng với niềm đam mê và nghĩ tới ngày “đứa con tinh thần” của mình hoàn thành, được đông đảo mọi người đón nhận và chiêm ngưỡng, bà lại tỉ mỉ chọn từng con tem, cố gắng chủ động được sắc độ để gìm những cái không cần, làm nổi bật những yếu tố cần.

“Công việc ghép tranh bằng tem nếu không có được hai yếu tố sự kiên trì và tính tỉ mỉ thì sẽ rất dễ bỏ cuộc”, bà Uyển chia sẻ.

Vẽ tranh Bác Hồ bằng tem còn tạo ra cho bà cái thú vui sưu tầm tem. Nhiều người bạn, nhiều người từ khắp mọi miền Tổ quốc biết được công việc độc đáo bà đang theo đuổi đã gửi về cho bà không ít mẫu tem quý. Bởi lẽ, có những bức tranh khi hoàn chỉnh, bà phải sử dụng tới 3.000 con tem, bức cần ít nhất cũng phải tới 500 con tem. Chính điều ấy, càng tạo động lực giúp bà sáng tạo nên những bức tranh thực sự có hồn.

Có những bức tranh bà phải dùng tới 3.000 con tem, bức thấp nhất cũng cần tới 500 con tem.
Có những bức tranh bà phải dùng tới 3.000 con tem, bức thấp nhất cũng cần tới 500 con tem.

Trong đời vẽ tranh Bác Hồ bằng tem bà không bao giờ quên được kỉ niệm lần bà làm bức tranh về Bác Hồ - Bác Tôn cách đây gần 10 năm. Một bức tranh có kích thước lớn nhất từ trước tới nay bà từng làm mà do ngành đặt để mang đi tặng. Nhận trọng trách lớn lao ấy, bà vừa mừng vừa lo, vừa thấy trách nhiệm đặt lên vai mình. Bà Uyển làm ngày làm đêm, có lúc say mê bà quên cả ăn uống, mặc dù con cháu giục rất nhiều lần. Khổ bức tranh quá lớn so với diện tích phòng làm việc nên bà phải mang ra cầu thang, rồi một mình cẩn thận ghép từng con tem cho tới khi hoàn thành. Lúc này, nhìn lại tác phẩm của mình, bà mỉm cười và thở phào nhẹ nhõm, đặc biệt là khi mọi người ai cũng dành cho bức tranh ấy những lời trầm trồ khen ngợi.

“Khi ghép những con tem thành một bức tranh hoàn chỉnh cũng phải có tranh mẫu tranh hoặc do mọi người gửi tới hoặc do mình sưu tầm”, bà Uyển cho biết.

Nhưng cũng có rất nhiều bức tranh, ngoài tính nguyên bản, bà còn thêm vào đó rất nhiều tiểu tiết để làm tăng tính cổ động cho bức tranh. Như bức “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, có thêm biểu tượng chim bồ câu và cờ tổ quốc thể hiện Bác vừa là danh nhân văn hóa, vừa là chiến sĩ hòa bình; hay bức “Chân dung Bác Hồ” với hình sao vàng 5 cánh, cờ đỏ búa liềm, chim bồ câu, thể hiện tinh thần Bác Hồ luôn gắn với Đảng, đất nước, hòa bình…

Không chỉ là những bức tranh ghép dựa trên nguyên mẫu, bà Uyển còn thổi "hồn", sáng tạo thêm nhiều tiểu tiết để tăng thêm tính độc đáo và truyền tải thêm nhiều thông điệp trong bức tranh ấy.
Không chỉ là những bức tranh ghép dựa trên nguyên mẫu, bà Uyển còn thổi "hồn", sáng tạo thêm nhiều tiểu tiết để tăng thêm tính độc đáo và truyền tải thêm nhiều thông điệp trong bức tranh ấy.

Và bà vẫn nuôi trong mình ước mơ có thể mở được một cuộc triển lãm tranh Bác Hồ bằng tem để những nét vẽ có “hồn” về Bác bằng một nghệ thuật rất tinh tế và sáng tạo ấy tới được với nhiều người, để vị Cha già của dân tộc sống lâu hơn trong trái tim mỗi người con Việt Nam.

N.Huệ