GS Trần Hồng Quân: Đào tạo dàn trải, xa rời sứ mệnh thì không thể tạo uy tín

23/09/2021 06:49
Phạm Minh (Thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Trần Hồng Quân nhận định, trường đại học cần thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học để giải quyết đồng thời bài toán nguồn thu và chất lượng.

Việc công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là yêu cầu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học từ năm 2018. Số liệu này là một trong những căn cứ quan trọng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đồng thời cũng liên quan đến vấn đề kiểm định chất lượng của các trường đại học.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, muốn đào tạo phù hợp với nhu cầu lao động xã hội thì việc tuyển sinh, cơ cấu ngành nghề trong các trường phải được xác định bằng cách khảo sát, điều tra từ nhu cầu thực tế.

Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Ngọc Quang)

Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Ngọc Quang)

PV: Nhiều trường đại học đã công bố tỷ lệ cử nhân có việc làm trong 1 năm từ khi tốt nghiệp với con số rất đẹp, từ 80-100%. Làm sao để biết số liệu công bố là chính xác hay không và việc kiểm soát phải được thực hiện như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Rất khó để nói về độ xác thực của những con số đó. Song, ngoài nhiệm vụ công khai chính xác số liệu nói trên thì việc khảo sát phải được thực hiện cụ thể hơn, chuyên nghiệp hơn.

Chúng ta đề cập đến số lượng sinh viên ra trường có việc làm, nhưng đó là công việc gì, có đúng với ngành nghề đào tạo hay không, và có tương xứng, phù hợp với trình độ anh đã được đào tạo?

Ví dụ tốt nghiệp kỹ sư nhưng ra trường đi làm công nhân, làm văn phòng hay công việc bảo vệ thì chúng ta thống kê như thế nào, liệu có xếp vào nhóm sinh viên tốt nghiệp có việc làm hay không?

Rõ ràng, chỉ có con số việc làm thôi là chưa đủ, phải khảo sát theo từng ngành, xác định rõ sinh viên tốt nghiệp có làm công việc đúng ngành và tương xứng với trình độ đào tạo. Đây mới là minh chứng cụ thể để biết mức độ phù hợp của hoạt động đào tạo so với nhu cầu thực tế của xã hội.

Để kiểm soát vấn đề này cũng là một bài toán khó nhưng không có nghĩa không thực hiện được. Tôi cho rằng, chúng ta phải kiểm soát bằng những biện pháp, cách thức khác nhau, đừng chỉ trông chờ vào số liệu mà các trường báo cáo.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công khai các số liệu của trường đại học là nhiệm vụ cần làm của cơ quan quản lý. Nhưng ngoài số lượng, chúng ta cũng cần quan tâm đến chất lượng nguồn lao động đã được đào tạo như thế nào.

Phải đến trực tiếp những đơn vị đang sử dụng lao động của các trường để đánh giá chất lượng nhân lực, có thể sẽ không có con số định lượng cụ thể nhưng ít ra sẽ có đánh giá tổng quát chất lượng đào tạo, có phù hợp hay không, đạt hay không đạt.

Một điều cần lưu ý là chúng ta không nên đánh giá một cách cứng nhắc về chất lượng đào tạo của trường qua hoạt động khảo sát lao động. Ví dụ, khi doanh nghiệp cho rằng họ phải bồi dưỡng cho nguồn lao động này mới đáp ứng được công việc thì đó không phải là cơ sở để đánh giá. Bởi lẽ, rất ít cử nhân vừa tốt nghiệp, đảm nhận 1 vị trí công việc mà làm tốt ngay được.

Nhà trường cung cấp năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng cơ bản, nếu trong thời gian ngắn, cử nhân có thể học việc, hoàn thành nhiệm vụ công việc thì như vậy là đã đạt yêu cầu rồi. Nghĩa là chúng ta phải đánh giá một cách khách quan, linh động, thực tế về chất lượng nhân lực lao động, chất lượng đào của các trường.

Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý phải làm, khảo sát từ thực tế để nắm bắt được xu thế chung, để có cơ sở mà so sánh, đánh giá đào tạo của các trường đại học có sát thực tế hay không.

PV: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh cũng như vấn đề kiểm định chất lượng của các trường đại học. Thưa Giáo sư, vì liên quan trực tiếp tới quyền lợi nên dư luận có lý khi đặt ra nghi ngại là sẽ có trường làm đẹp kết quả công bố?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Muốn đào tạo phù hợp với nhu cầu lao động xã hội thì việc tuyển sinh, cơ cấu ngành nghề trong các trường phải được xác định bằng cách khảo sát, điều tra từ nhu cầu thực tế của từng ngành nghề.

Nếu không có sự cân bằng, phù hợp đó thì dù trường có đào tạo chất lượng đi chăng nữa, sinh viên ra trường cũng không có việc làm.

Ngoài ra, chương trình, nội dung đào tạo cũng phải cập nhật được những yêu cầu về sự phát triển của khoa học công nghệ. Nếu anh học đúng ngành nghề, phù hợp với nhu cầu lao động xã hội nhưng nội dung và chương trình đào tạo không đảm bảo chất lượng thì khi ra trường, anh không thể đáp ứng được yêu cầu công việc, không thể làm việc hiệu quả.

Đối với kiểm định chất lượng giáo dục đại học, có hệ thống tiêu chí rõ ràng và nó liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Số liệu về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá chương trình, đánh giá chất lượng của trường.

Ngoài ra, điều kiện đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nội dung chương trình,... đó cũng là những tiêu chí để đánh giá chất lượng. Và câu chuyện về số lượng sinh viên ra trường có việc làm chính là cơ sở để đánh giá chất lượng đầu ra.

Như tôi đã nói rất khó để xác thực số liệu, cần khảo sát, đánh giá bằng những cách khác nhau để có kết quả khách quan nhất; cần có biện pháp chấn chỉnh nếu phát hiện những số liệu ấy không đúng.

PV: Mấy năm qua đã có không ít ý kiến về việc nhiều trường đại học công lập mở ngành tràn lan, không đúng thế mạnh, sứ mệnh thành lập. Theo Giáo sư, liệu đây có phải là một vấn đề đáng lo ngại?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Thực tế, đây là vấn đề của xã hội chứ không phải là vấn đề của riêng các cơ sở giáo dục. Một số ngành nghề không nhiều triển vọng, lương thấp, công việc vất vả nên không thu hút được người học và đó là sự lựa chọn của người học.

Bên cạnh đó, có một thực tế là, nếu một lĩnh vực kinh tế không phát triển, không bắt kịp xu hướng hiện đại hóa và còn lạc hậu thì những ngành nghề liên quan sẽ rất khó để tuyển sinh.

Như ngành lâm nghiệp ở nước ta hiện khó để tuyển sinh nhưng ở một số nước châu Âu thì đây là một ngành cực kỳ hấp dẫn, đơn giản vì lâm nghiệp của họ rất phát triển, họ đầu tư, ứng dụng công nghệ trong lai tạo giống cây, trồng rừng và bảo vệ rừng rất khoa học.

Không riêng ngành lâm nghiệp mà ngành nông nghiệp ở nước ta cũng chưa đủ sức hấp dẫn với người học, vì chúng ta không ứng dụng và phát triển công nghệ cao, chưa đầu tư mạnh cho nền kinh tế nông nghiệp.

Chúng ta chưa hiện đại hóa nền nông nghiệp, không đưa công nghệ mới vào canh tác, chăn nuôi, không nâng cao năng suất trên lao động và diện tích, như vậy thì những kỹ sư nông nghiệp khó có môi trường làm việc tốt. Đó là lý do nhiều người né tránh những ngành này, họ theo nhu cầu nhân sự của thị trường lao động và học những ngành học khác.

Đây là vấn đề tác động qua lại giữa nhà trường và xã hội chứ không hoàn toàn do nhà trường, cũng không thể phản đối việc sinh viên các trường đào tạo nông nghiệp học kế toán hay những ngành nghề khác.

Tất nhiên, dù chịu sự chi phối của kinh tế - xã hội nhưng bản thân các trường mở các ngành đào tạo thì phải tạo được sự hấp dẫn. Sự hấp dẫn không phải chỉ để thu hút người học mà phải có được từ sự phát triển, chất lượng đào tạo của ngành nghề đó ở trường. Phải dùng chất lượng đào tạo, uy tín đào tạo để thu hút người học. Mỗi trường khi thành lập đều có tầm nhìn sứ mệnh riêng, nếu cứ đào tạo dàn trải, không tập trung vào thế mạnh thì không thể tạo uy tín được.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, trường đại học công lập tuyển sinh và đào tạo dàn trải thì không phát huy được sứ mệnh, đồng thời cũng gây ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh của các trường đại học tư thục. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Giữa trường công và trường tư là hai mô hình khác nhau nên nếu trường công lập mở nhiều ngành, tăng chỉ tiêu tuyển sinh thì các trường tư thục cũng sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, bản thân các trường tư cũng phải tự mình vươn lên, khẳng định chất lượng đào, xây dựng uy tín của mình, như vậy sẽ không còn lo lắng về vấn đề tuyển sinh.

Không phân biệt là trường công hay trường tư, các cơ sở giáo dục đều phải đảm bảo được chất lượng đào tạo của mình.

Khó khăn hiện nay là các trường còn quá phụ thuộc vào số lượng tuyển sinh, vì nguồn thu từ học phí là chính. Vì sự hạn chế này nên họ phải tìm cách tuyển nhiều sinh viên, càng có nhiều sinh viên thì mới có nguồn thu cho trường.

Tuy nhiên, các trường đại học cũng phải tìm phương án, đừng xem học phí là nguồn thu duy nhất, đừng đặt chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo và làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Ngoài học phí, các trường còn cần phải tăng cường nghiên cứu khoa học, thực hiện chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để tăng nguồn thu cho trường.

Song song với hoạt động giảng dạy, cần thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trường đại học mà không nghiên cứu khoa học thì không thể phát triển, không thể đảm bảo về chất lượng.

Nếu lệ thuộc vào học phí thì trường chỉ chú trọng vào xu thế để tuyển sinh. Nhưng nếu thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ này, các trường sẽ giải quyết được đồng thời bài toán về chất lượng và nguồn thu.

Chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, các trường muốn phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, họ cần phải có thời gian, điều kiện, đặc biệt phải có đội ngũ các nhà nghiên cứu giỏi, có sự đầu tư dài hạn.

Hoạt động nghiên cứu cần sự tham gia của cả giảng viên và sinh viên. Làm được điều này, các trường đại học mới thực sự phát huy đúng vai trò của mình, là cái nôi của nghiên cứu khoa học và đưa xã hội phát triển đi lên.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Phạm Minh (Thực hiện)