Mỗi năm 200 nghìn cử nhân thất nghiệp, có nguyên nhân mở trường tràn lan

13/06/2018 07:23
Ngọc Quang
(GDVN) - Nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng đề nghị phải xem lại mạng lưới quy hoạch các trường đại học, cao đẳng, nhằm giải quyết tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ".

Quy hoạch lại mạng lưới đào tạo, tránh thừa thầy thiếu thợ

Tại phiên thảo luận về Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) chiều 12/6, Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nêu thực tế thời gian vừa qua xảy ra tình trạng tăng nhanh các trường đại học về số lượng không theo quy hoạch, trái với quyết định của Chính phủ ban hành năm 2013 về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020.

Theo quy định đến năm 2020 cả nước có 460 trường đại học, cao đẳng, trong đó gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng, nhưng Vụ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm học vừa qua cả nước hiện có 235 trường đại học và học viện, chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh.

Như vậy, đến năm 2020 mặc dù hiện nay không thành lập thêm trường đại học thì vẫn vượt chỉ tiêu đề ra là 9 trường đại học so với quy định. 

Về quy mô đào tạo của các trường đại học, cao đẳng được xác định trên cơ sở bảo đảm các điều kiện, yếu tố ảnh hưởng chất lượng như số lượng, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, phòng học, phòng thí nghiệm... theo mục tiêu ban đầu đến năm 2020 đạt 2,2 triệu sinh viên.

Tuy nhiên, trên thực tế đến năm học 2015 - 2016 chỉ riêng quy mô đào tạo sinh viên đại học đã đạt 1.753.174 sinh viên, chưa kể quy mô đào tạo hệ cao đẳng thuộc tổng cục dạy nghề.

Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến. ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến. ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội.

Cùng chung quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng cần quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học sao cho hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất để các trường có thể phát huy cao nhất lợi thế so sánh.

Tránh trường hợp mở ra quá nhiều trường đại học trong một khu vực hoặc cùng đào tạo một ngành nghề dẫn đến đào tạo dư thừa, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Trong luật cũng cần quy định rõ các điều kiện tối thiểu để một trường đại học có thể thành lập mới tại một địa phương, tại một vùng địa lý kinh tế cụ thể.

Trước khi Chính phủ quyết định thành lập một trường đại học mới cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố, điều kiện, vị trí địa lý, tính đặc thù, sự khác biệt về ngành nghề đào tạo, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo sẽ phát triển tốt và không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các trường đã có từ trước.

Đại biểu Trần Văn Mão: Trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay có trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, một số trường do một số bộ chủ quản khác quản lý, rất bất cập.

Ví dụ hệ thống trường đại học sư phạm kỹ thuật trên toàn quốc có 5 trường, nhưng có 2 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, có 3 trường thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý.

Quy định này phải xem xét lại, tránh trường hợp mỗi cơ quan chủ quản lại có chính sách riêng, vì chính sách riêng nên ảnh hưởng đến quyền lợi và phát triển hệ thống của nhà trường.

 Đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) cũng nhận định, nếu làm tốt quy hoạch mạng lưới ngành đào tạo sẽ tránh được thừa thầy, thiếu thợ và tránh được việc hàng năm có hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp như hiện nay.

"Như chúng ta đã biết, qua các thời kỳ thi đại học vừa qua có rất nhiều trường tuyển sinh với điểm đầu vào rất cao, 27 điểm, lựa chọn được rất nhiều sinh viên ưu tú, sản phẩm đầu ra đạt chất lượng, nhưng ngược lại có những trường điểm đầu vào thấp, thậm chí chỉ xét tuyển học bạ.

Hệ lụy là hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, kể cả trình độ đại học và trình độ thạc sĩ", ông Mão dẫn chứng. 

Vị Đại biểu đoàn Nghệ An cũng thẳng thắn chỉ ra, hiện nay nói cơ chế thị trường giao quyền tự chủ cho các trường đại học là đúng, nhưng không thể giao theo cách trường nào cũng mở mã ngành và mở bao nhiêu mã ngành cũng được.

Thực tế cho thấy rất nhiều trường mở nhưng không có cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ giáo viên cơ hữu.

Mặt khác, có sự chênh lệch về năng lực giữa trường đào tạo đa ngành với trường đào tạo chuyên ngành. Mặc dù cạnh tranh mở mã ngành tuyển học sinh không sai, nhưng mở ra chất lượng đào tạo kém, không đủ sinh viên học gây lãng phí lớn về chất lượng đào tạo thấp.

"Theo tôi trong luật cần phải cân nhắc về quy định được mở mã ngành và cần phải cân đối về nhu cầu của thị trường lao động tập trung đầu tư cho cơ sở vật chất vào một chỗ, tránh dàn trải sẽ không có chất lượng cao", ông Mão nói. 

Đẩy mạnh tự chủ đại học, sự công bằng giữa trường công và trường tư

Đại biểu Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cần thiết phải đẩy mạnh tự chủ đại học, đây là một trọng điểm, trọng tâm then chốt phải cần được giải quyết triệt để và khả thi ở lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này.  

Giáo dục đại học là một lĩnh vực lao động trí tuệ với hàm lượng chất xám cao, vì thế đòi hỏi rất cao về tư duy khai phóng, sáng tạo của cả thầy và trò. Ở đây cần hiểu tự chủ học thuật là quyền tự do để theo đuổi chân lý khoa học mà giáo chức đại học trong dạy và học cũng như nghiên cứu để tạo ra tri thức mới đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. 

Bản chất của quyền này là việc thực hiện dân chủ hóa giáo dục, điều này đã được quy định trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội năm 2011 - 2020. Tự chủ đại học về học thuật cũng như tự do học thuật cũng là chìa khóa của sự thành công và là bí quyết phát triển giáo dục của các nước tiên tiến.

Đại biểu Hùng lưu ý, việc thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học trong thực tiễn hiện nay còn bị hạn chế bởi rất nhiều những luật khác, như luật về viên chức, về ngân sách, về đất đai, về đầu tư công. 

Bởi vậy, bài toán về tự chủ giáo dục đại học thì không thể chỉ giải quyết ở trong một đạo luật này mà còn được điều chỉnh bởi cả một hệ thống pháp luật liên quan đến giáo dục đại học nên rất mong Quốc hội ủng hộ để có một hệ thống pháp luật đồng bộ để tự chủ đại học được thực chất và đi và cuộc sống.

Cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để phát triển bình đẳng giữa giáo dục đại học công lập và tư thục, cần tăng số lượng và nâng cao chất lượng các trường tư thục, đồng thời với việc giảm thiểu số lượng các trường công lập. Nhà nước chỉ giữ lại và đầu tư đủ mạnh vào các trường công lập thực sự cần thiết.

Mỗi năm 200 nghìn cử nhân thất nghiệp, có nguyên nhân mở trường tràn lan ảnh 2

Ngành nào có số cử nhân thất nghiệp nhiều nhất?

Đẩy mạnh xã hội hóa và phát triển quan hệ đối tác công tư đối với phần nhiều những trường công lập hiện nay. Sáp nhập hoặc giải thể đối với một số trường công lập đã quá yếu kém hoặc thực sự không cần thiết.

Quy hoạch lại mạng lưới giáo dục đại học tại Điều 11 cần quán xuyến hơn trong hệ thống, bao gồm cả trường công và trường tư thục, không phải chỉ quy hoạch đối với trường công lập. 

Với số lượng để giảm thiểu nhà nước cần và hoàn toàn có thể thực hiện được trách nhiệm về tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đồng thời có thể chăm lo và phát triển mạnh cho giáo dục tư thục để đảm bảo sự bình đẳng giữa công lập và tư thục đúng theo tinh thần Nghị quyết 29 và Nghị quyết 19 của Đảng.

Dự thảo luật cần chú ý làm rõ các quy định về các cơ sở giáo dục đại học tư thục và các cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận. 

Cần tiếp tục quy định rõ và cụ thể hơn để thực sự khuyến khích sự phát triển của các cơ sở tư thục không vì lợi nhuận. Nhưng trước hết cần chú ý không thể đồng nhất giữa nhà trường với doanh nghiệp, vì nghị quyết của Trung ương đã xác định rõ không thương mại hóa giáo dục.

Đại biểu Triệu Thế Hùng đoàn Lâm Đồng. ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Triệu Thế Hùng đoàn Lâm Đồng. ảnh: quochoi.vn

Cũng cho ý kiến về vấn đề Hội đồng trường, Đại biểu  Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) đánh giá, so với luật hiện hành thì dự thảo luật lần này đã có nhiều điểm đổi mới, đặc biệt vấn đề tự chủ đại học thành lập Hội đồng trường và giao quyền nhiều hơn cho hiệu trưởng các trường đại học.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa thấy thể hiện rõ việc giao quyền tự chủ, tự quyết cho Hội đồng trường khi đề cập cụ thể về Hội đồng trường như chức năng, cơ cấu vẫn có nhiều nội dung chưa được làm rõ trong luật. 

Cụ thể, tại Điều 20 điểm a khoản 1 quy định: Hiệu trưởng các cơ sở công lập do Hội đồng trường quyết định nhưng sau đó lại quy định hiệu trưởng cơ sở giáo dục công lập do Hội đồng trường quyết định.

Tại ý sau đó lại quy định "được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận", như thế là vừa mâu thuẫn, vừa bị rằng buộc bởi cơ quan chủ quản đối với các trường.

Do vậy, để thật sự xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo và giao quyền cho Hội đồng trường thì cần có cơ chế để Hội đồng trường hoạt động đúng với vai trò, chức năng, đồng thời có cơ chế kiểm soát quyền lực của Hội đồng trường, tránh hình thành các nhóm lợi ích.

"Giao quyền tự chủ phải gắn với đổi mới quản trị đại học, tăng cường kiểm định chất lượng, công khai chất lượng kiểm định và các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học", Đại biểu Mão nói.

Ngọc Quang