Hà Nội sẽ kiểm tra an toàn vệ sinh lao động 50 đơn vị, doanh nghiệp

09/12/2014 11:00
Nguyễn Hoàng
(GDVN) - Đợt kiểm tra trên sẽ được thực hiện khi thành phố tổ chức Tuần lễ Quốc gia An toàn, vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 17.

Số người tử vong vì cháy nổ năm 2014 tăng so với năm 2013

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia An toàn, vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ, trong tháng 3/2015, thành phố Hà Nội sẽ thành lập 2 đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại 50 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo kế hoạch, Tuần lễ quốc gia An toàn, vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 17 năm 2015 diễn ra từ ngày 15/3/2015 - 21/3/2015, với chủ đề: “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”.

Hà Nội sẽ tiếp tục siết chặt an toàn vệ sinh lao động.
Hà Nội sẽ tiếp tục siết chặt an toàn vệ sinh lao động.

UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, trước thời gian diễn ra Tuần lễ quốc gia An toàn, vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ, các cấp, các ngành cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện; đưa tin phản ánh thực tế điều kiện làm việc của người lao động, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ. Đồng thời kịp thời tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân chấp hành, thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ; phê phán những tập thể, cá nhân chưa thực hiện tốt công tác này…

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra các vụ cháy nổ gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và người lao động thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ là việc làm rất quan trọng.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, tính đến hết tháng 9 năm 2014 toàn địa bàn Hà Nội xảy ra 124 vụ cháy nổ, làm 18 người chết, 14 người bị thương, tổng thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.

Đại tá Sơn đánh giá: "So với cùng kỳ 2013, số vụ cháy nổ không tăng nhưng số người chết tăng. Địa bàn xảy ra cháy nội thành Hà Nội chiếm tỷ lệ 57%; ngoại thành chiếm 43%; thành phần xảy ra cháy tập trung vào 2 đối tượng lớn là nhà dân (44%); xưởng sản xuất, nhà kho (24%)... Nguyên nhân các vụ cháy do điện, liên quan đến điện chiếm 43%; do bất cẩn sử dụng lửa chiếm 16%".

Có thể kể đến hai vụ cháy lớnVụ thứ nhất, cháy kho của Công ty TNHH Việt Hà tại KCN Quang Minh xảy ra vào khoảng 18h45 phút ngày 18/10. Nhà kho bị cháy có tổng diện tích 13.000m2, có kết cấu khung thép mái tôn tường gạch, được chia ra làm 2 phần. Trên diện tích trên 8000m2 được Công ty Nippon Express thuê làm kho chung chuyển hàng hoá; Phần còn lại là kho gỗ bán thành phẩm của công ty Việt Hà.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 6 tại khu vực cầu Thăng Long đã được điều động đến ngay hiện trường. Lúc này, lửa đã bốc lên quá lớn và lan rộng nên Sở đã điều động tổng cộng 16 xe, vừa chữa cháy vừa cứu thương; có sự hỗ trợ thêm 4 xe của Bộ Tư lệnh Thủ đô và 30 xe chở nước của Công ty Môi trường đô thị cùng tham gia. Tuy nhiên, phải tới 24 tiếng đồng hồ thì lực lượng chức năng mới khống chế hoàn toàn được đám cháy.

Trước những băn khoăn của người dân về công tác chữa cháy diễn ra trong thời gian quá dài, Đại tá Sơn cho biết, sau 3 tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng đã sơ tán toàn bộ số hàng trong KCN ra ngoài; phun nước làm mát, bao vây xung quanh khu vực cháy, ngăn chặn bức xạ nhiệt, chống cháy lan sang các nhà xưởng bên cạnh cũng đều là những kho chứa gỗ lớn. Tuy nhiên, công tác chữa cháy gặp khó khăn do nguồn nước quá ít, bể nước tại KCN chỉ có 100 khối; trụ nước chữa cháy công suất không đáp ứng được yêu cầu, khu vực cháy lại có quá nhiều vật liệu dễ bắt lửa, do đó tới rạng sáng ngày 19/10 thì ngọn lửa mới cơ bản được khống chế.

Theo Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội thì cơ quan chức năng đã tới khám nghiệm hiện trường, nhưng chưa xác định được nguyên nhân vụ hoả hoạn.

Về thiệt hại của vụ hoả hoạn, Đại tá Sơn cho biết: "Vụ cháy không gây thiệt hại về người, không có ai bị thương. Về vật chất thì chưa có thống kê cụ thể, sơ bộ ban đầu thì thiệt hại vào khoảng 130 tỷ đồng. Trong đó, xưởng gỗ và gỗ của Công ty Việt Hà thiệt hại khoảng 30 tỷ, Công ty Nippon thiệt hại khoảng 100 tỷ".

Lý giải về nguyên nhân chữa cháy lâu, sau khi ngọn lửa được dập tắt thì hàng nghìn m2 kho chứa hàng tại đây đã bị thiêu rụi thành tro, Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết, kho hàng này chứa nhiều vật liệu dễ cháy, đặc biệt là gỗ.

Vụ cháy ở Khu Công nghiệp Quang Minh khiến các doanh nghiệp thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.
Vụ cháy ở Khu Công nghiệp Quang Minh khiến các doanh nghiệp thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.

Vụ cháy thứ hai xảy ra tại lô E5 phố Dương Đình Nghệ (sau tòa nhà Keangnam) vào khoảng 21h tối 18/10 trên diện tích khoảng 1000m2, có kết cấu khung thép, mái tôn.

Diện tích cháy thuộc 5 đơn vị, trong đó có một công ty nội thất, một xưởng gỗ, 2 ki-ốt ăn uống. Một số tài sản lớn bị đốt cháy và bị hư hỏng trong đó có 2 ô tô, 2 xe máy... sau 5 giờ đồng hồ đám cháy mới được khống chế hoàn toàn. Thiệt hại về tài sản sơ bộ khoảng 3,5 tỷ đồng.

Đại tá Sơn nói: "Một trong những khó khăn lớn trong tổ chức chữa cháy 2 vụ hỏa hoạn lớn trên là do nguồn nước tại chỗ không có. Sở Cảnh sát PCCC đã tham mưu thành phố tiếp tục xây dựng các trụ nước; các đơn vị cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố phải có trách nhiệm lắp đặt đường nước phòng cháy chữa cháy".

Mức xử phạt còn quá nhẹ

Câu chuyện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là vấn đề phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã được đề cập thường xuyên trong thời gian gần đây, tuy nhiên do ý thức tự giác của doanh nghiệp chưa cao, nhiều chủ doanh nghiệp thậm chí chỉ đối phó với các đoàn kiểm tra, do vậy khi xảy ra sự cố thiệt hại thường lên đến nhiều tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc các chủ doanh nghiệp không coi trọng công tác đảm bảo an toàn lao động còn dẫn đến những tai nạn đáng tiếc cho người lao động.

Theo Nghị định 52 của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt ở nhiều mức khác nhau nếu không đảm bảo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ. Cụ thể:

Điều 5 quy định: Hành vi vi phạm trong việc ban hành, phổ biến và tổ chức thực hiện quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Chấp hành không đầy đủ nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy; Làm mất tác dụng hoặc để nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy cũ mờ, không nhìn rõ chữ, ký hiệu chỉ dẫn; Trang bị nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy không đúng quy cách theo quy định.

Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không bố trí, niêm yết tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định; Không chấp hành nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy; Không phổ biến nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy cho những người trong phạm vi quản lý của mình; Ban hành các nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy không đầy đủ nội dung hoặc không phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở.

Do ý thức chủ quan của doanh nghiệp, hàng năm trên địa bàn Thủ đô vẫn xảy ra nhiều vụ cháy lớn.
Do ý thức chủ quan của doanh nghiệp, hàng năm trên địa bàn Thủ đô vẫn xảy ra nhiều vụ cháy lớn.

Nghị định cũng quy định, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí, niêm yết nội quy về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành hoặc ban hành quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền; Không thực hiện các kiến nghị về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản; Gây cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy của cơ quan chức năng.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi  sau khi cơ sở được thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa cơ sở vào hoạt động người đứng đầu cơ sở không có văn bản thông báo và ký cam kết cơ sở đã đáp ứng đủ các yêu cầu và duy trì các điều kiện về đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nhà, công trình và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không lắp đặt các thiết bị phát hiện và xử lý rò rỉ của các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ ra môi trường xung quanh theo quy định; Không có phương án hoặc thiết bị xử lý sự cố bục, vỡ bể chứa, thiết bị, đường ống chứa, đựng, dẫn dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ và các chất lỏng dễ cháy khác; San, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ sang các thiết bị chứa không đúng chủng loại, không phù hợp với chất, hàng nguy hiểm cháy nổ.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép theo quy định; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi  sản xuất, kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ thuộc danh mục cấm kinh doanh.

Bên cạnh đó còn có hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ và buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho rằng, cần có nghiên cứu theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các doanh nghiệp không chấp hành quy định an toàn phòng chống cháy nổ, nhằm ngăn chặn tối đa những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, đặc biệt là với tính mạng con người.

Nguyễn Hoàng