Hải quân Mỹ, Nga, Ấn, Trung đua nhau phát triển lực lượng hàng không

02/05/2013 09:22
Việt Dũng
(GDVN) - Lực lượng hàng không hải quân ngày càng được coi trọng phát triển trên thế giới, đáng chú ý là các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ…
Máy bay tuần tra săn ngầm IL-38 của Hải quân Nga
Máy bay tuần tra săn ngầm IL-38 của Hải quân Nga

Trang mạng tin tức tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 30/4 cho biết, các nước trên thế giới đều đang tiếp tục ra sức phát triển lực lượng hàng không của hải quân, thiếu sự hỗ trợ của lực lượng hàng không thì Hải quân khó mà thực hiện được sứ mệnh của mình một cách thực sự có hiệu quả cao.

Hiện nay, lực lượng hàng không Hải quân Mỹ vẫn mạnh nhất thế giới, Hải quân Trung Quốc đã sở hữu 400 máy bay và trực thăng, tình hình của Nga lại không hề lạc quan.

Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Hải quân Nga có lực lượng hàng không tương đối mạnh, sở hữu 2 sư đoàn hàng không, 23 trung đoàn hàng không độc lập, 8 đại đội hàng không độc lập, 1 liên đội máy bay trang bị cho tàu sân bay, trang bị 145 máy bay ném bom Tu-22M2/M3, 67 máy bay tuần tra săn ngầm Tu-124 và 45 máy bay tuần tra săn ngầm IL-38, 223 máy bay trực thăng Ka-27, Ka-25 và Mi-14, cùng 41 máy bay trực thăng Ka-29.

Không tính đến máy bay vận tải, máy bay trinh sát, máy bay cứu viện và máy bay tác chiến điện tử, chỉ riêng máy bay tác chiến và máy bay trực thăng đã có hơn 500 chiếc.

Hiện nay đã suy yếu nghiêm trọng, tính đến năm 2012, lực lượng hàng không Hải quân Nga chỉ còn lại 7 căn cứ hàng không và 1 trung đoàn hàng không độc lập số 279, chỉ còn lại khoảng 300 máy bay và trực thăng, trong đó có:

24 máy bay trinh sát Su-24M/MR, 21 máy bay chiến đấu hải quân Su-33 (phù hợp để bay không quá 12 chiếc), 16 máy bay săn ngầm Tu-142 (phù hợp để bay không quá 10 chiếc), 4 máy bay huấn luyện trên tàu sân bay Su-25UTG (thuộc trung đoàn hàng không 279), 16 máy bay săn ngầm IL-38 (phù hợp để bay không quá 10 chiếc), 7 thủy phi cơ Be-12 (chủ yếu trang bị cho Hạm đội biển Đen, sẽ nghỉ hưu trong thời gian tới),

Máy bay tuần tra săn ngầm Tu-142 Hải quân Nga
Máy bay tuần tra săn ngầm Tu-142 Hải quân Nga

95 máy bay trực thăng săn ngầm Ka-27 (số lượng hoàn hảo không vượt quá 70 chiếc), 10 máy bay trực thăng vận tải trên biển Ka-29 (thuộc Lính thủy đánh bộ), 16 máy bay trực thăng Mi-18, 11 máy bay vận tải An-12 (có vài chiếc cải tạo thành máy bay trinh sát và máy bay tác chiến điện tử), 47 máy bay vận tải An-24, An-26 và 8 máy bay vận tải An-72, 5 máy bay Tu-134 và 2 máy bay Tu-154, 2 máy bay IL-18, 1 máy bay IL-22 và 1 máy bay trinh sát IL-20, 4 máy bay Tu-134UBL.

Nhìn vào tỷ lệ hoàn hảo trang bị công nghệ, số lượng máy bay và trực thăng có thể hoàn toàn phù hợp yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tác chiến không vượt quá 50%, thời gian bay bình quân mỗi năm của phi công Nga nhiều nhất là 30 giờ.

Về con số trên có thể thấy, số lượng máy bay tác chiến và máy bay trực thăng của Nga giảm 2/3 so với đầu thập niên 1990, tổng số máy bay giảm 70%, máy bay trực thăng giảm 74%, trong đó máy bay săn ngầm giảm 73%, trung đoàn hàng không Tu-22M và lực lượng hàng không cường kích của Hải quân hoàn toàn bị xóa sổ.

Hiện nay, lực lượng hàng không Hải quân Nga vẫn đang sử dụng 2 loại máy bay tuần tra săn ngầm cũ là IL-38 và Tu-142M3/MK, chủ yếu phục vụ cho Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương, nhiệm vụ chủ yếu là tìm kiếm, thăm dò, theo dõi, tiêu diệt tàu ngầm địch. Trọng điểm thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu trong thời bình là tìm kiếm và theo dõi tàu ngầm địch ẩn hiện ở vùng biển quốc tế, trước hết là tàu ngầm Mỹ.

Nhiệm vụ mang tính tấn công là theo dõi khu vực tuần tra của tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược của đối thủ tiềm tàng; nhiệm vụ mang tính phòng ngự là yểm hộ cho khu vực tuần tra của tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược của mình, theo dõi tình hình hoạt động của tàu ngầm đối phương có thể đe dọa đến an ninh của mình.
Máy bay trinh sát mới Tu-214R, Hải quân Nga
Máy bay trinh sát mới Tu-214R, Hải quân Nga

Trong đó, máy bay tuần tra săn ngầm Tu-142 là phiên bản tuần tra biển xa được nghiên cứu chế tạo trên nền tảng máy bay ném bom chiến lược Tu-95, bán kính tác chiến 4.500 km, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1972. Phiên bản Tu-142MK và Tu-142M3 hiện có bắt đầu đi vào hoạt động từ thập niên 1980, với 2 đại đội lần lượt thuộc Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương.

Tuy tuổi thọ của thân máy bay Tu-142 không dài lắm, nhưng Hải quân Nga không có ý định tiến hành cải tạo hiện đại hóa đối với nó, mà chuẩn bị từng bước cho nghỉ hưu, lô Tu-142 cuối cùng có thể sẽ nghỉ hưu trước năm 2020.

Nguyên nhân chính là vào ngày 6/11/2009, một chiếc Tu-142M3 của trung đoàn hàng không hỗn hợp độc lập số 568 của Hạm đội Thái Bình Dương bị rơi vỡ, khiến cho 11 người chết, sau đó loại máy bay này từng bị ngừng bay trong thời gian dài.

Máy bay tuần tra săn ngầm tầm trung IL-38 bắt đầu hoạt động từ năm 1968, được biên chế 1 đại đội trong Hạm đội Phương Bắc, 2 đại đội trong Hạm đội Thái Bình Dương. Một số máy bay có tuổi thọ còn rất dài, chuẩn bị tiến hành nâng cấp, nâng cao tính năng. Nhưng, trình độ sức chiến đấu tổng thể của loại máy bay này không cao lắm.

Ngoài ra, triển vọng phát triển máy bay trinh sát trên biển cũng không rõ ràng, máy bay trinh sát IL-20 được nghiên cứu chế tạo vào thập niên 1970 đã lão hóa nghiêm trọng, nhưng số lượng sản xuất máy bay trinh sát mới Tu-214R thay thế vẫn rất hạn chế.

Quân đội Nga cho rằng, máy bay Tu-214R không thích hợp lắm, không bảo đảm bay ổn định tốc độ thấp khi tuần tra, thời gian ở lại trên không tương đối ngắn, thậm chí còn không bằng IL-20.

Máy bay chiến đấu hải quân MiG-29K Nga
Máy bay chiến đấu hải quân MiG-29K Nga

Mặc dù lực lượng hàng không Hải quân Nga trong thời gian tới có thể trang bị máy bay chiến đấu hải quân MiG-29K thay thế cho Su-33, đồng thời nâng cấp một bộ phận máy bay săn ngầm IL-38, nhưng triển vọng phát triển tổng thể rất không lạc quan.

Trong khi đó, thực lực của lực lượng hàng không Hải quân Mỹ tương đối mạnh, tính cả lực lượng dự trữ, hiện có khoảng 2.000 máy bay, trực thăng và máy bay không người lái (UAV), hầu như tương đương với tổng số máy bay tác chiến của Không quân Nga.

Hải quân Mỹ chỉ riêng máy bay tuần tra săn ngầm P-3 đã có hơn 150 chiếc, ngoài ra còn đang trang bị máy bay săn ngầm mới P-8, được nghiên cứu chế tạo trên nền tảng máy bay Boeing-737, đồng thời tích cực phát triển máy bay không người lái trên biển, chuẩn bị ký kết hợp đồng cỡ lớn nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái hải quân với các công ty như Boeing, General Electric, Lockheed Martin và Northrop Grumman.

Máy bay chiến đấu không người lái hải quân X-47B Mỹ
Máy bay chiến đấu không người lái hải quân X-47B Mỹ

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang ra sức tăng cường xây dựng lực lượng hàng không hải quân. Không tính máy bay vận tải và máy bay hỗ trợ, lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc sở hữu trên 400 máy bay và trực thăng, hơn nữa còn đang tiếp tục đổi mới và cải tiến các sản phẩm cũ.

Máy bay có sức chiến đấu mạnh có 24 máy bay tiêm kích Su-30MK2 do Nga xuất khẩu và hỗ trợ Trung Quốc sản xuất, cùng với máy bay tiêm kích do Trung Quốc tự sản xuất, gồm 24 máy bay chiến đấu J-10A, 54 máy bay chiến đấu ném bom JH-7A (dùng để tấn công các mục tiêu trên biển). Trung Quốc còn đang tích cực nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu dùng để trang bị cho tàu sân bay, chủ yếu là J-15.

Máy bay ném bom chủ lực của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc là phiên bản H-6D của máy bay ném bom Tu-16 Liên Xô, nó có thể trang bị tên lửa không đối hạm C-601 và C-611, tầm phóng có thể đạt 200 km. Ngoài ra, lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc còn có náy bay tiếp dầu trên không H-6D.

Hải quân Ấn Độ cũng rất coi trọng phát triển lực lượng hàng không, máy bay chính hiện có là do Liên Xô-Nga sản xuất, gồm máy bay tuần tra săn ngầm Tu-142 và IL-38. Cách đây không lâu, Ấn Độ và Nga ký kết hợp đồng, nâng cấp toàn diện Tu-142 và IL-38, trang bị hệ thống tìm kiếm, ngắm chuẩn Sea Snake.

Ấn Độ còn ký hợp đồng lớn, nhập khẩu máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon của Mỹ (phát triển trên nền tảng P-8A), có kế hoạch mua tổng cộng 24 chiếc, lô đầu tiên 12 chiếc sẽ trang bị trong năm 2013. Ngoài ra, Ấn Độ còn mua sắm rất nhiều máy bay chiến đấu hải quân MiG-29K của Nga để trang bị cho tàu sân bay nhập khẩu và nội địa.

Ấn Độ sẽ sở hữu 8 máy bay tuần tra săn ngầm tầm xa P-8I Poseidon, mua của Mỹ
Ấn Độ sẽ sở hữu 8 máy bay tuần tra săn ngầm tầm xa P-8I Poseidon, mua của Mỹ
Việt Dũng