Hàng triệu người bị rao bán thông tin cá nhân

06/01/2012 06:04
Số điện thoại, địa chỉ nhà, email, thuê bao di động… của giám đốc, thành viên Club Gofl, quản lý cấp cao ngành ngân hàng, bảo hiểm, du lịch… bị mang bán. 
Ngày 5-1, Cục An ninh Thông tin Truyền thông (A87) thuộc Tổng cục An ninh II, Bộ Công an cho biết đã triệt xóa một số trang web sử dụng thông tin riêng của hàng triệu cá nhân, tổ chức để mua bán trên mạng.

Lĩnh vực nào cũng có

Tháng 1-2011, Cục A87 phát hiện một số trang mạng có hoạt động mua bán thông tin cá nhân trên trang web www.danhsachkhachhang.com và www.duonghongle.com.

Khi vào trang web danhsachkhachhang.com, người có nhu cầu sẽ có ngay các thông tin cá nhân như số điện thoại, email, địa chỉ nhà riêng, căn hộ đã mua bán, thuê bao di động… Cụ thể, người có nhu cầu có thể mua danh bạ 9.700 giám đốc công ty tại TP.HCM, danh bạ 400 thành viên Club Gofl Hà Nội, danh bạ 1.200 chủ tịch HĐQT tại TP.HCM, danh bạ 6.100 quản lý cấp cao tại TP.HCM... Đặc biệt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, du lịch… được rất nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm đặt mua.

Công an xác định chủ của hai website trên là Dương Hồng L. nên đã mời người này lên làm việc. Tại công an, L. thừa nhận đã lập hai website trên vào khoảng tháng 10-2010 để kinh doanh. Tất cả thông tin, danh sách khách hàng L. đã mua từ hai người tên Tr. và tên T. với giá khoảng 20 triệu đồng. Sau khi có thông tin, L. đã phân loại danh sách khách hàng theo địa phương, thời gian, lĩnh vực, ngành nghề… để bán. Có trang lên đến 3.000 danh sách với khoảng 5.000-7.000 khách hàng/danh sách.

Từ thông tin của L., công an tiếp tục làm việc với Lê Minh Tr. (chủ trang web www.timkhachhang.com) và Hứa Văn T. (chủ trang web www.datavip24h.com). T. khai nhận là làm cho một công ty chứng khoán nên thu thập được thông tin của khoảng 600 khách hàng gửi mua bất động sản (số điện thoại, mã căn hộ, giá bán…). Năm 2010, qua rao vặt trên mạng, T. đã trao đổi, thu thập thêm danh sách các giám đốc tại Bình Dương, danh sách 30.000 thuê bao Mobiphone, 65.000 thuê bao Viettel trả sau tại Hà Nội. Các danh sách này bán trên trang web www.dataviph24.com và www.datavip24h.net.

Hàng triệu người bị rao bán thông tin cá nhân ảnh 1

Dương Hồng L. đang mua bán thông tin cá nhân qua mạng. (Ảnh do Cục A87 cung cấp)

Hàng triệu người bị rao bán thông tin cá nhân ảnh 2

Những thông tin cá nhân của hàng loạt người bị rao bán công khai trên mạng Internet.

Đề nghị xử lý hành chính

Còn Lê Minh Tr. thì khai: Đầu năm 2010, Tr. mua bán một số danh sách khách hàng trên mạng www.timkhachhang.com nhằm mục đích mời khách hàng tham quan du lịch. Thấy có nhiều người muốn mua, Tr. đã thu thập, phân loại và đăng tải các danh sách khách hàng lên trang web www.timkhachhang.com. Để làm phong phú danh sách của mình, Tr. còn mua danh sách khách hàng từ bốn trang web khác và đăng tải 120.000 doanh nghiệp trên toàn quốc trên mạng, phân chia danh sách doanh nghiệp theo các tỉnh, thành để bán cho những người có nhu cầu…

Các chủ trang web thừa nhận là đã sử dụng trái phép thông tin cá nhân, tổ chức vào mục đích kinh doanh từ khoảng đầu năm 2010 đến nay, thu lợi bất chính khoảng 250 triệu đồng. Cả ba người đều cho rằng không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật và đã dỡ bỏ những trang web đang điều hành.

Với các thông tin cá nhân bị mang bán như trên, Cục A87 cho rằng các chủ trang web đã vi phạm bí mật đời tư tại Điều 38 Bộ luật Dân sự và khoản 2 Điều 39 Nghị định 83/NĐ-CP/2011. Hiện công an đã chuyển hồ sơ của L. sang Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM để xử lý hành chính. Đồng thời, đang xem xét để chuyển hồ sơ sang Sở để xử lý T. và Tr (các chủ trang web có thể bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng).

Hiện công an cũng đang xử lý hơn năm trang web khác có dấu hiệu mua bán thông tin cá nhân…

Theo Cục A87, năm 2011 Trung Quốc đã xử lý 26 người kinh doanh thông tin của cá nhân, tổ chức, trong đó ba người bị xử lý hình sự. Cục A87 cho biết các thông tin cá nhân rất dễ bị tội phạm sử dụng để lừa đảo. Trong năm qua, tại Việt Nam cũng phát hiện nhiều nhóm người nước ngoài sử dụng thông tin cá nhân rồi giả danh nhân viên công quyền, gọi điện thoại cho người nước ngoài đang sinh sống tại TP.HCM, Bình Dương, Phú Yên… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thông tin cá nhân của mỗi người là bí mật đời tư của họ được pháp luật bảo vệ: “Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý”. Người có hành vi thu thập và rao bán thông tin về đời tư của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 226 Bộ luật Hình sự hoặc bị xử phạt hành chính.

Với những người có thông tin bị rao bán trên mạng có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm ngừng ngay hành vi vi phạm, cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần…

ThSNGUYỄN XUÂN QUANG, giảng viên ĐH Luật TP.HCM

ÁI NHÂN - TRUNG DUNG/Pháp luật TPHCM