Indonesia: Không có chỗ thỏa hiệp với liên danh nhà thầu Trung Quốc

05/02/2016 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - "Tất cả các yêu cầu này nhà thầu phải đáp ứng nếu họ muốn tiếp tục dự án. Không có chỗ cho đàm phán".

The Jakarta Post ngày 4/2 đưa tin, Cục trưởng Cục Vận tải đường sắt Indonesia, ông Hermanto Dwiatmoko tuyên bố trong cuộc họp báo hôm Thứ Tư 3/2, liên danh nhà thầu Trung Quốc - Indonesia KCIC phải đáp ứng đủ 9 yêu cầu trong thỏa thuận với chính phủ thì mới được cấp giấy phép xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Jakarta với Bandung.

Jakarta quyết không nhượng bộ

Nổi bật trong số 9 yêu cầu này, Indonesia buộc nhà thầu phải chấp nhận thời hạn bàn giao là 50 năm bất di bất dịch kể từ khi ký thỏa thuận. Trong đó nhà thầu không được yêu cầu hỗ trợ ngân sách từ chính phủ Indonesia khi bàn giao tuyến đường sắt cao tốc này.

Mặt khác, khi bàn giao cơ sở hạ tầng phải minh bạch, rõ ràng và không được là tài sản thế chấp của bất kỳ bên thứ 3 nào, trong khi hệ thống đường sắt cao tốc vẫn được vận hành an toàn, trơn tru.

Cục trưởng Cục Vận tải đường sắt Indonesia, ông Hermanto Dwiatmoko. Ảnh: beritatrans.com.
Cục trưởng Cục Vận tải đường sắt Indonesia, ông Hermanto Dwiatmoko. Ảnh: beritatrans.com.

Tuyến đường sắt cao tốc dài 142 km được khởi công ngày 22/1 với sự tham dự của Tổng thống Joko Widodo, nhưng sau đó không lâu Bộ Giao thông vận tải Indonesia đã tuýt còi yêu cầu dừng dự án vì chưa được cấp phép.

Nikkei Asian Review ngày 4/2 dẫn lời ông Cục trưởng Vận tải đường sắt Indonesia nói rằng, nước này yêu cầu liên danh nhà thầu KCIC phải sửa thiết kế đảm bảo tuổi thọ cho tuyến đường sắt này được 100 năm chứ không phải 60 năm như phương án thiết kế hiện nay.

Bởi lẽ sau 50 năm khai thác, KCIC sẽ bàn giao tuyến đường sắt này cho chính phủ Indonesia, nếu chỉ còn tuổi thọ 10 năm nữa để khai thác thì Indonesia "lỗ vốn".

Ngoài ra, bản thiết kế hiện nay của nhà thầu Trung Quốc có khoảng cách giữa 2 thanh ray là 4,6 mét với vận tốc thiết kế 350 km/giờ. Nhưng theo giới chuyên gia Indonesia, khoảng cách 2 thanh ray phải đạt 5 mét mới đạt được tốc độ tối đa như thế. Thiết kế này không đảm bảo an toàn.

Ông Dwiatmoko cũng yêu cầu nhà thầu cần có khảo sát địa chấn ở một số khu vực nền đất yếu do ảnh hưởng của động đất nơi tuyến đường sắt cao tốc chạy qua.

"Tất cả các yêu cầu này nhà thầu phải đáp ứng nếu họ muốn tiếp tục dự án. Không có chỗ cho đàm phán", Cục trưởng Cục Vận tải đường sắt Indonesia tuyên bố với báo giới.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải Indonesia cũng bác yêu cầu của nhà thầu Trung Quốc rằng, không cho phép xây dựng một tuyến đường sắt thứ 2 nào chạy song song với tuyến đường sắt cao tốc Bandung - Jakarta. Nếu có tuyến thứ 2, bộ này chỉ yêu cầu phải giữ khoảng cách giữa 2 tuyến đường sắt chạy song song ít nhất là 10 km.

"Nếu chúng tôi chấp nhận yêu cầu của họ, chính phủ hoặc các nhà đầu tư khác sẽ không thể xây dựng tuyến đường nối Jakarta với Surabaya", ông Dwiatmoko nói.

Mô hình đường sắt cao tốc nhà thầu Trung Quốc trưng bày trong ngày động thổ khởi công dự án đường sắt Bandung - Jakarta, ảnh: Nikkei Asian Review.
Mô hình đường sắt cao tốc nhà thầu Trung Quốc trưng bày trong ngày động thổ khởi công dự án đường sắt Bandung - Jakarta, ảnh: Nikkei Asian Review.

Để các nhà đầu tư yên tâm, ông cho biết trong thỏa thuận sẽ ghi rõ cam kết của Jakarta, mọi thay đổi về nhân sự lãnh đạo quốc gia này không ảnh hưởng đến giá trị của bản thỏa thuận.

Hy vọng vay tiền và thực tế tiêu tiền Trung Quốc

Lupita Wijaya, Thạc sĩ, giảng viên Đại học Nusantara Media ngày 4/2 phân tích trên The Malaysia Insider về tương lai sắp tới của những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà tác giả gọi là "made in China" tại Indoesia.

Trong đó theo tác giả, dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bandung - Jakarta sẽ làm tăng đáng kể số tiền đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia. Tuy nhiên với những gì đang diễn ra, tiêu nó không phải chuyện dễ - PV.

Mặc dù Indonesia là nước châu Á đầu tiên công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng mối quan hệ giữa 2 nước này không phải lúc nào cũng êm đềm. Quan hệ ngoại giao giữa Jakarta và Bắc Kinh đã bị đình trệ suốt 23 năm kể từ năm 1967. Tuy nhiên sau khi cải cách năm 1998, Indonesia đã chuyển hướng phát triển quan hệ tốt với Trung Quốc.

Quan hệ ngoại giao được cải thiện, Trung Quốc bắt đầu rót vốn đầu tư vào Indonesia thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Ngân hàng này đã cho vay 899 triệu USD cho dự án xây dựng 3 nhà máy điện ở Meulaboh, Pacitan và Pelabuhan Ratu được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc, tập đoàn nhà nước Huadian.

Indonesia: Không có chỗ thỏa hiệp với liên danh nhà thầu Trung Quốc ảnh 3

Thời báo Hoàn Cầu vu cáo Bộ trưởng Đinh La Thăng

(GDVN) - Thời báo Hoàn Cầu đã bịa đặt trắng trợn và chụp mũ vu cáo ông Đinh La Thăng "nhóm lại ngọn lửa chống Trung Quốc ở Việt Nam".

Ngoài ra, Huadian xây dựng một nhà máy nhiệt điện chạy than ở Tây Java năm 2004, một năm sau nó tiếp tục xây một nhà máy điện đốt than ở Nam Sumatra. Riêng Huadian đã có 6 dự án xây dựng nhiệt điện ở Indonesia, trong đó đến nay 4 nhà máy vẫn đang xây dựng, 1 cái đã hoàn thành và 1 nhà máy khác còn đang tham gia đấu thầu.

Hợp tác kinh tế, đầu tư Trung Quốc - Indonesia tăng đột biến sau cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình - Joko Widodo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Phi tháng 4 năm ngoái. 

Khi lên nắm quyền, Tổng thống Indonesia Joko Widodo xác định trọng tâm phân bổ ngân sách nhà nước vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản như bệnh viện, trường học. Ông chọn Trung Quốc làm nước đầu tiên sang thăm.

Các dự án cần kíp về cảng biển, cầu cống, đường xá, sân bay của Indonesia thiếu vốn trầm trọng. Trong khi trọng tâm cho vay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á lại là các dự án xóa đói giảm nghèo, cải thiện y tế, giáo dục và nghiên cứu.

Để có tiền phát triển cơ sở hạ tầng, giống như 21 quốc gia châu Á khác, Indonesia đã tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á AIIB do Trung Quốc khởi xướng.

Indonesia: Không có chỗ thỏa hiệp với liên danh nhà thầu Trung Quốc ảnh 4

Lý do Indonesia đột ngột bắt nhà thầu Trung Quốc dừng thi công đường sắt cao tốc

(GDVN) - "Chúng tôi phải bảo đảm chắc chắn, nếu công trình xảy ra vấn đề gì chính phủ không thể gánh nổi trách nhiệm trước dân".

Với những lợi ích kinh tế và chính trị có thể có được, Indonesia buộc phải "thận trọng hơn" trong vấn đề Biển Đông, sắp xếp các phương án hòa giải để tối đa hóa đầu tư từ nước ngoài (Trung Quốc) cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước.

Nhưng ngay cả khi vay được tiền hay có tiền đầu tư từ Trung Quốc, cũng không phải mọi thứ đầu xuôi đuôi lọt. 2 vấn đề nổi bật nhất từ các dự án có vốn Trung Quốc đầu tư là nhà thầu Trung Quốc sử dụng công nghệ lạc hậu, đưa lao động tay chân từ Trung Quốc sang thực hiện dự án - PV.

Như trong trường hợp nhà máy nhiệt điện đốt than ở Buleleng, các nhà lập pháp Indonesia đã phát hiện nhiều thiết bị hạng nặng từ Trung Quốc không đảm bảo an toàn. Nhà thầu Trung Quốc Huadian đưa 90% số lao động thực hiện dự án từ Trung Quốc sang, theo The Jakarta Post ngày 4/2.

Hồng Thủy