J-16 TQ: "Chiến sỹ toàn năng" hay "bảo sao không tiếc" của Su-30 Nga?

19/02/2014 10:20
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo cho rằng, J-16 Trung Quốc có ưu thế phát triển đi sau, trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động, trang bị nhiều bom và tên lửa, động cơ nội.
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc xuất hiện gần đây, do dân mạng tuyên truyền
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc xuất hiện gần đây, do dân mạng tuyên truyền

Tờ "Tiền Giang vãn báo" Trung Quốc ngày 18 tháng 2 có bài viết cho rằng, máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle Mỹ bỗng nhiên nổi tiếng trong chiến tranh vùng Vịnh đã thúc đẩy trào lưu máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng vừa trang bị hạng nặng, lắp vũ khí dẫn đường chính xác tấn công mục tiêu mặt đất, trên biển; vừa trang bị gọn nhẹ, gia nhập hàng ngũ tranh đoạt quyền kiểm soát trên không. Sau đó, máy bay chiến đấu dòng Su-30 của Nga cũng tung hoành trên thế giới, bán chạy trên thị trường vũ khí quốc tế.

Theo bài báo, gần đây, trên các trang mạng Trung Quốc cũng đã xuất hiện một loại được bài báo tung hô là "chiến sĩ toàn năng" như vậy, đó là máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc.

Theo đài truyền hình vệ tinh Thâm Quyến, máy bay chiến đấu J-16 lần đầu tiên xuất hiện ở tư thế bay, có số hiệu là 1601, đã phản ánh thân phận của máy bay nguyên mẫu J-16. Loại máy bay này trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động tiên tiến nhất, động cơ WS-10 Thái Hành, nên theo bài báo là nó rất đáng để “trông đợi”.

Truyền thông quốc tế xem J-16 Trung Quốc là phiên bản sao chép của Su-30 Nga, nhưng bài báo cho rằng, theo các chuyên gia, dựa vào "ưu thế phát triển đi sau" về công nghệ, sức chiến đấu của J-16 gần tương đương với F-15 phiên bản tiên tiến nhất - máy bay F-15SG của Không quân Singapore, hứa hẹn cùng với Su-35 trở thành nhân vật lợi hại nhất trong dòng Su-27 Flanker (?).

Máy bay chiến đấu J-16 ném bom (dân mạng vẽ, nguồn: báo Hoàn Cầu, TQ)
Máy bay chiến đấu J-16 ném bom (dân mạng vẽ, nguồn: báo Hoàn Cầu, TQ)

Theo bài báo, máy bay J-16 trông rất giống máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi J-11BS, hầu như chỉ có bánh đáp phía trước là khác (2 bánh), còn J-11BS dùng 1 bánh đáp. Điều này phản ánh trọng lượng của J-16 tăng lên.

Trương Minh, chuyên gia quốc phòng Trung Quốc cho rằng: "Dòng J-11 có 10 giá treo, khả năng treo bên ngoài lớn nhất khoảng 6 tấn. Những chỉ tiêu này đã đủ đối với máy bay chiến đấu chuyên dụng không chiến, nhưng đối với máy bay chiến đấu đa năng lấy tấn công tầm xa làm chính, điều này thoạt nhìn là chưa đủ". Ông Minh cho rằng, F-15E có 11 giá treo, khả năng mang theo bên ngoài lớn nhất đạt 11 tấn, còn giá treo của Su-30MKK là 12, khả năng treo bên ngoài lớn nhất gần 10 tấn.

Những người hiểu rõ dòng Flanker đều biết, dưới bụng của máy bay này có 2 giá treo, dưới cửa nạp hai bên lần lượt có 1 giá treo, phân bố kiểu hình thoi. Nhưng, do tên lửa cỡ lớn quá dài, dưới "bụng" của nó thực tế chỉ có thể treo 1 quả, trong khi đó cửa nạp do cường độ kết cấu không đủ, hơn nữa quá thấp, không thể mang trên 1 tấn vũ khí. Còn giá treo cánh máy bay cũng không đủ chắc chắn, nên J-11 chỉ có thể mang theo 1 quả tên lửa 1,5 tấn.

Trong khi đó, J-16 rất có thể giống như Su-30, sau khi đã tăng cường kết cấu máy bay, ở "gốc" cánh hai bên lần lượt tăng thêm 1 giá treo nặng, như vậy tên lửa 1,5 tấn tăng lên 3 quả, nếu chuyển sang lắp vũ khí lớp 1 tấn không quá dài thì có thể tăng lên 6 quả.

Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc (tưởng tượng)
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc (tưởng tượng)

Đã có giá treo như vậy, nếu học tập Strike Eagle, mỗi giá treo nặng giống như "chùm nho" treo 6 quả bom đường kính nhỏ trên 100 kg, thì một máy bay J-16 có thể mang theo 42 quả bom, trở thành "xe tải bom" thực sự.

Lý Tiểu Kiện, chủ biên của một trang mạng quân sự Trung Quốc cho rằng: "F-15E và J-16 có ưu điểm riêng về khả năng mang theo vũ khí", "Thùng nhiên liệu ở hai bên thây máy bay F-15E, mỗi cái có 3 giá treo nặng, có thể mang theo rất nhiều bom, nhưng do dưới mỗi cánh chỉ có 1 giá treo nặng, tên lửa cỡ lớn lại treo không được nhiều; trong khi đó, dưới cánh J-16 có nhiều giá treo, dưới thân máy bay không gian chiều dọc đầy đủ, rất có khả năng mang theo tên lửa".

Radar AESA

Việc mang theo nhiều bom và tên lửa đương nhiên tạo ra được mối đe dọa, nhưng máy bay chiến đấu hiện đại còn quan trọng ở các thiết bị như điện tử hàng không radar, động cơ, hệ thống tác chiến điện tử.

Công nghệ radar là "thế mạnh" của công nghiệp quân sự Trung Quốc. "Cha đẻ máy bay cảnh báo sớm Trung Quốc" Vương Tiểu Mô từng cho biết, trên lưng của máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 được lắp radar mảng pha quét điện tử chủ động - đây là radar tiên tiến nhất lắp cho máy bay trên thế giới hiện nay.

Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc (tưởng tượng bằng Photoshop)
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc (tưởng tượng bằng Photoshop)

Bài báo cho biết, các loại máy bay chiến đấu mới Trung Quốc đã sản xuất hàng loạt như J-15, J-10B đều đã trang bị loại radar này. Như vậy J-16, loại máy bay đảm đương nhiệm vụ quan trọng "đối không, đối đất" được lắp radar mảng pha quét điện tử chủ động theo tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như F-22, J-20 là điều tất yếu.

Trong khi đó radar điều khiển hỏa lực AN/APG-70 trên máy bay F-15E hiện có của Quân đội Mỹ vẫn áp dụng thể chế mạch xung Doppler.

Theo Lý Tiểu Kiện: “Dưới sự hỗ trợ của radar và thiết bị điện tử tiên tiến, J-16 có thể sử dụng vũ khí đạn dược tiên tiến nội địa thế hệ mới”. Lý Tiểu Kiện lấy ví dụ cho rằng, kích cỡ giá treo đầu cánh J-16 tương đối nhỏ, rất có thể mang theo tên lửa đánh giáp lá cà mới nhất do Trung Quốc tự sản xuất - đó là tên lửa PL-10.

Động cơ Thái Hành

Bài báo cho biết, máy bay chiến đấu J-16 đã trang bị động cơ phản lực có lực đẩy lớn mang tên Thái Hành do Trung Quốc tự sản xuất.

Bài báo thừa nhận, từ lâu, động cơ luôn là điểm yếu hàng đầu của công nghiệp quân sự Trung Quốc, động cơ Thái Hành là hình ảnh thu nhỏ của "bệnh tim" này.

Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc (tưởng tượng)
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc (tưởng tượng)

Động cơ Thái Hành do Công ty Lê Minh của Tập đoàn máy bay Thẩm Dương nghiên cứu phát triển, được dùng để thay thế cho động cơ AL-31F của Nga. Ngay từ năm 2004, máy bay chiến đấu J-11B phiên bản sản xuất hàng loạt trang bị động cơ Thái Hành đã bay thử lần đầu tiên.

Nhưng, sau đó trong hoạt động bay thử và sử dụng đã phát hiện độ tin cậy của động cơ này có vấn đề nghiêm trọng, làm cho Quân đội Trung Quốc không hài lòng. Trung Quốc buộc phải tiếp tục nhập khẩu động cơ AL-31F của Nga. Do phải nhập khẩu "trái tim", nên sản lượng dòng J-11 bị hạn chế lớn.

Nhưng, theo bài báo, các dấu hiệu cho thấy, lượng lớn máy bay chiến đấu J-11BS mới đã trang bị động cơ Thái Hành, những hình ảnh xuất hiện vào cuối năm 2013 cho thấy, động cơ Thái Hành đã sử dụng vòi phun thiết kế hoàn toàn mới.

Lý Tiểu Kiện cho rằng: “So với AL-31F, tỷ lệ đường rẽ của động cơ Thái Hành lớn hơn, vì vậy lực bật không đủ, nhưng tiết kiệm nhiên liệu hơn, có lợi cho nâng cao bán kính tác chiến”. Thái Hành một khi được giải quyết vấn đề độ tin cậy, đặc tính này trái lại rất thích hợp với J-16, loại máy bay dùng để tập kích đường dài.

Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc (tưởng tượng)
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc (tưởng tượng)
Đông Bình