THỜI BÁO HOÀN CẦU TRUNG QUỐC:

Khả năng xảy ra chiến tranh ở biển Đông thấp hơn biên giới Trung-Ấn?

13/07/2012 06:53
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Báo Ấn Độ cho rằng, khả năng xảy ra chiến tranh ở biển Đông thấp hơn ở biên giới Trung-Ấn, vì Mỹ và phương Tây sẽ can thiệp.
Biển đánh dấu của Lục quân Ấn Độ: "Chúng ta sớm muộn sẽ tiến đến Lhasa và Bắc Kinh (Trung Quốc)"
Biển đánh dấu của Lục quân Ấn Độ: "Chúng ta sớm muộn sẽ tiến đến Lhasa và Bắc Kinh (Trung Quốc)"

Ngày 10/7, trang mạng “Thời báo Ấn Độ” cho biết, gần đây Lục quân Ấn Độ đã đưa ra kế hoạch 5 năm lần thứ 12, kinh phí cần có lên tới 10.000 tỷ rupee, kế hoạch này đã đề ra một loạt biện pháp nhằm vào Trung Quốc và Pakistan, khiến cho nó tương tự một kế hoạch chống lại Trung Quốc và Pakistan.

Còn trang mạng “Ấn Độ ngày nay” thì cho rằng, càng thổi phồng, khả năng hai người khổng lồ châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra chiến tranh càng cao hơn so với xung đột biển Đông.

Xây dựng kế hoạch đáp trả Trung Quốc và Pakistan

Với tít bài “Lục quân tìm nguồn tài chính khổng lồ đáp trả lại Trung Quốc và Pakistan”, trang mạng “Thời báo Ấn Độ” cho biết, kế hoạch 5 năm lần thứ 20 của Lục quân Ấn Độ (2012-2017) đã phác thảo ra một kế hoạch đầy tham vọng “cải thiện sức chiến đấu nhằm vào Trung Quốc và Pakistan”.

Căn cứ vào kế hoạch này, Ấn Độ sẽ nâng cấp các công trình quân sự ở biên giới phía bắc, bảo đảm chắc chắn cho khả năng chiến đấu ban đêm thế hệ thứ ba (vũ khí trang bị) và trang bị máy bay trực thăng tấn công.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCH là máy bay trực thăng tấn công đầu tiên do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo. Không quân Ấn Độ có kế hoạch mua 65 chiếc. Công tác bàn giao dự kiến bắt đầu từ năm 2013-2014. Máy bay LCH có trọng lượng cất cánh tối đa 5,8 tấn, do hãng HAL sản xuất, phát triển trên nền tảng máy bay trực thăng hạng nhẹ tiên tiến Dhruv. Công ty Turbomeca của Pháp hỗ trợ cho HAL khai thác động cơ Shakti của LCH. Trong hình là chiếc máy bay trực thăng tấn công hạng nhẹ LCH TD-2 thứ hai.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCH là máy bay trực thăng tấn công đầu tiên do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo. Không quân Ấn Độ có kế hoạch mua 65 chiếc. Công tác bàn giao dự kiến bắt đầu từ năm 2013-2014. Máy bay LCH có trọng lượng cất cánh tối đa 5,8 tấn, do hãng HAL sản xuất, phát triển trên nền tảng máy bay trực thăng hạng nhẹ tiên tiến Dhruv. Công ty Turbomeca của Pháp hỗ trợ cho HAL khai thác động cơ Shakti của LCH. Trong hình là chiếc máy bay trực thăng tấn công hạng nhẹ LCH TD-2 thứ hai.

Bài báo cho rằng, kế hoạch này còn đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề còn tồn tại trong kế hoạch “5 năm lần thứ 11”, chẳng hạn khắc phục vấn đề thiếu thốn vũ khí trang bị và đạn dược, vấn đề này đã từng gây khó cho sự phát triển của đội quân hơn 1,13 triệu người của Ấn Độ.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11, Lục quân Ấn Độ từng vạch ra một kế hoạch to lớn, nhằm khắc phục những điểm yếu trên các phương diện như pháo binh, lực lượng hàng không của lục quân, phòng không, chiến đấu ban đêm, tên lửa chống tăng, xe tăng chuyên dụng và đạn dược.

Tất cả những vấn đề này chắc chắn phải bỏ ra nguồn kinh phí rất lớn. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12, Lục quân Ấn Độ có nhu cầu cần hơn 10.000 tỷ rupee (khoảng 180 tỷ USD). Nhưng, trên thực tế, Bộ Tài chính Ấn Độ hầu như chỉ có thể thông qua 60% số tiền này.

Đối chiếu sẽ thấy, ngân sách của Lục quân Ấn Độ trong năm tài khóa này cơ bản là 965,64 tỷ rupee, trong đó số tiền dành để mua sắm vũ khí mới chiếm khoảng 24%. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony đồng ý cố gắng nâng chi tiêu quân sự lên 1.930 tỷ rupee, với bối cảnh là “tình hình trên bộ mới” và “quan hệ quân sự Trung Quốc-Pakistan được tăng cường”.

Ấn Độ muốn bao vây Trung Quốc?

Mặc dù kế hoạch này được cho là nhằm vào Trung Quốc và Pakistan, nhưng báo chí Ấn Độ lại chỉ đề cập tới các biện pháp nhằm vào Trung Quốc. Một chương trình quan trọng trong kế hoạch 5 năm lần thứ 20 là xây dựng quân đoàn tấn công miền núi mới và 2 sư đoàn đặc nhiệm ở khu vực vùng cao, kinh phí cần hơn 600 tỷ rupee.

Xe tăng Arjun do Ấn Độ tự chế tạo.
Xe tăng Arjun do Ấn Độ tự chế tạo.
Xe tăng T-71 của Ấn Độ đã triển khai ở biên giới Trung-Ấn.
Xe tăng T-71 của Ấn Độ đã triển khai ở biên giới Trung-Ấn.

Theo bài báo, đến năm 2020-2021, việc xây dựng hạ tầng cơ sở ở biên giới phía bắc hướng vào Trung Quốc sẽ hoàn thành, cần có số tiền khác là 261,55 tỷ rupee. Việc xây dựng hạ tầng cơ sở đang được Bộ Tư lệnh Miền Đông Ấn Độ tiến hành cần khoảng 92,43 tỷ rupee, có kế hoạch hoàn thành vào năm 2016-2017.

Lục quân Ấn Độ còn có kế hoạch chi hơn 400 tỷ rupee để xây dựng khả năng chiến đấu ban đêm cho lực lượng cơ giới, gồm trang bị hoặc nâng cấp thiết bị nhìn đêm cho hơn 3.000 xe tăng, 1.900 chiến xa bộ binh và rất nhiều lực lượng bộ binh.

Trong khi đó, kế hoạch lâu dài xây dựng lực lượng hàng không của Lục quân Ấn Độ gồm: 13 tập đoàn quân đều được trang bị một phi đội (trung đội) máy bay trực thăng tấn công/vũ trang, 1 phi đội máy bay trực thăng trinh sát/quan sát và 1 phi đội máy bay trực thăng chi viện chiến trường chiến thuật.

Ngoài ra, 4 bộ tư lệnh vùng hoặc bộ tư lệnh tác chiến ít nhất được 5 máy bay cánh cố định dùng để vận chuyển binh lính và trang bị.

Đối với một loạt biện pháp này của Quân đội Ấn Độ, tờ “Thời báo Hồng Kông” ngày 12/7 đã dẫn lời của Daniel Thorp, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, Đại học Brunel, London, phân tích cho rằng, trong chính giới Ấn Độ và lĩnh vực phân tích chiến lược, “Thuyết mối đe dọa Trung Quốc” không ngừng lan tràn trong 10 năm qua.

Không ít người Ấn Độ lo ngại, Trung Quốc cuối cùng sẽ giới hạn sức ảnh hưởng của Ấn Độ ở cấp độ tiểu lục địa. Vì vậy, New Delhi luôn tăng cường hiện đại hóa trang bị trên nhiều lĩnh vực hải, lục, không quân, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước Đông Á và Đông Nam Á, chống lại sự bành trướng và hung hãn của Trung Quốc.

Máy bay trực thăng tấn công Mi-35 của Lực lượng hàng không - Lục quân Ấn Độ.
Máy bay trực thăng tấn công Mi-35 của Lực lượng hàng không - Lục quân Ấn Độ.
Máy bay trực thăng hạng nhẹ tiên tiến ALH của Lục quân Ấn Độ.
Máy bay trực thăng hạng nhẹ tiên tiến ALH của Lục quân Ấn Độ.

Trong hợp tác đối ngoại, năm 2010, Ấn Độ và Mông Cổ đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng, thiết lập ở Mông Cổ radar theo dõi hoạt động thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc.

Để đối phó với việc Trung Quốc ủng hộ lâu dài cho Pakistan, Ấn Độ đã tăng cường quan hệ ngoại giao với Afghanistan và Tajikistan, hy vọng có được vai trò ảnh hưởng ở khu vực Nam Á để kiềm chế Trung Quốc.

Tờ “Thời báo châu Á” dẫn quan điểm của Thorp cho rằng, bước tiếp theo Ấn Độ phải tăng cường hợp tác với Đông Nam Á. Cùng với sự phát triển của tình hình biển Đông, đối thoại giữa Ấn Độ và Đông Nam Á chắc chắn sẽ càng thuận lợi hơn.

Ngoài ra, quan hệ Nhật Bản-Ấn Độ được cho là có sự thay đổi mới trong thập niên thứ hai của thế kỷ này, nhưng tất cả những điều này đều là để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc - Thời báo Hoàn Cầu tuyên truyền.

Bầu không khí chiến tranh Trung-Ấn cao hơn biển Đông

Ngoài việc Lục quân có kế hoạch chi hơn 100 tỷ USD “chống lại Trung Quốc và Pakistan”, trang mạng “Ấn Độ ngày nay” cũng có bài viết nhan đề “Trước thềm tròn 50 năm xung đột Trung-Ấn năm 1962, nguy cơ xung đột Trung-Ấn tăng lên”. Bài viết cho rằng, “người láng giềng này (Trung Quốc) hiện nay có thể mong muốn một cuộc chiến tranh thực sự”.

Bài báo cho rằng, nguy cơ Ấn Độ xảy ra xung đột quy mô nhỏ, tiến tới đẩy hai người khổng lồ châu Á này tới bờ vực chiến tranh đã đến rất gần, “điều thần bí hơn là, lời cảnh báo về mây đen chiến tranh lại được đưa ra đúng vào đêm trước tròn 50 năm xảy ra xung đột Trung-Ấn tháng 10/1962”.

Theo bài báo, tuần trước, một tài liệu bí mật của cơ quan tình báo Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ gây ra bất ổn hoặc xung đột quy mô nhỏ ở khu vực xung quanh tuyến kiểm soát. “Trung Quốc đang tính toán đến hành động này nhằm chuyển sự chú ý của các bên đối với vấn đề trong nước”.

Tên lửa hành trình siêu âm Brahmos phiên bản Lục quân do Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển.
Tên lửa hành trình siêu âm Brahmos phiên bản Lục quân do Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển.

Cơ quan tình báo này cho rằng, hành động dọc theo tuyến kiểm soát của Trung Quốc tăng lên rất nhiều, lần đầu tiên Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu ở sân bay Gonggar (Cống Ca) ở khu tự trị Tây Tạng trong cả mùa đông, Trung Quốc còn kích hoạt radar tìm kiếm và theo dõi kiểu mới của Quân khu Lan Châu và ở chỗ giáp giới với Ấn Độ nhằm theo dõi hoạt động của Ấn Độ.

Ngoài ra, tháng 6/2012, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành diễn tập quy mô lớn nhằm vào Ấn Độ tại khu tự trị Tây Tạng và tỉnh Thanh Hải.

Ấn Độ cho rằng, mặc dù ở biển Đông, Trung Quốc và rất nhiều nước có tranh chấp, nhưng Trung Quốc không có nhiều khả năng gây chiến tranh ở biển Đông, bởi vì điều này sẽ khiến cho Mỹ và các nước phương Tây khác can thiệp.

Trong khi đó, khả năng xảy ra một cuộc xung đột nhỏ ở biên giới Trung-Ấn lại rất lớn.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)