Khi cần thiết Mỹ-NATO sẽ đánh đòn phủ đầu hạt nhân đối với Trung Quốc

05/04/2013 09:10
Việt Dũng
(GDVN) - Đây là nhận định của cựu Tổng Tham mưu trưởng các  lực lượng vũ trang Nga, bởi vì Mỹ muốn bảo đảm an toàn cho họ.
Mỹ phóng tên lửa đánh chặn
Mỹ phóng tên lửa đánh chặn

Trang mạng tin tức RIDUS và hãng RIA Novosti Nga ngày 2/4 cho biết, tướng Yuri Baluyevsky, cựu Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga cho rằng, Mỹ và NATO vẫn chưa từ bỏ khả năng “đánh đòn phủ đầu”, tiến hành tấn công hạt nhân đối với Nga và Trung Quốc.

Baluyevsky nói: “Trong chiến lược của Mỹ và NATO tồn tại nhân tố tấn công trước, trong đó có sử dụng vũ khí hạt nhân. Không nghi ngờ gì là một điều đáng buồn, nhưng các đồng nghiệp của tôi trước đây và hiện nay, trong đó có người trong Bộ Tư lệnh Mỹ cho biết, không loại trừ Mỹ đi đầu tiến hành phương án tấn công hạt nhân đối với Nga và Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc ngày càng trở thành ‘vấn đề hàng đầu’ của Mỹ”.

Baluyevsky cho rằng, Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở các khu vực, chính là để bảo đảm an toàn cho họ sau khi họ sử dụng vũ khí hạt nhân “đánh đòn phủ đầu”.

Đồng thời, Thượng tướng Victor Esin, cố vấn Bộ Tư lệnh tên lửa chiến lược Nga cho biết, hiện nay Mỹ triển khai tổng cộng 30 quả tên lửa đánh chặn. Ông nói: “26 quả ở bang Alaska, 4 quả ở bang California”.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M của Nga
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M của Nga

Nhưng, ông nhấn mạnh, hiện nay, hiệu suất của tên lửa đánh chặn Mỹ rất hạn chế, “Mỹ cần sử dụng 5-7 quả tên lửa đánh chặn (GBI) mới có thể đánh chặn một quả tên lửa đạn đạo Topol-M của Nga”.

Victor Esin còn cho rằng, các cuộc đàm phán giữa Nga-Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ không giành được thành quả hữu hiệu, vì vậy hai bên sẽ còn tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ

Theo số liệu mới được Đài tiếng nói nước Nga trích dẫn công bố, tính đến ngày 1 tháng Ba năm 2013, Hoa Kỳ triển khai tổng cộng 792 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBMs) và máy bay ném bom hạng nặng (TB). Số lượng vũ khí tương tự ở Nga là 492 đơn vị.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố số liệu này sau cuộc trao đổi thông tin giữa Mỹ và Nga về khối lượng vũ khí tấn công chiến lược thể theo hiệp ước START mới.

Như vậy, ở thời điểm ngày 1 tháng Ba, Hoa Kỳ có 1.654 đầu đạn hạt nhân trên các ICBM, SLBMs và TB được triển khai. Nga sở hữu 1.480 đầu đạn hạt nhân trên các phương tiện tải tương tự.

Trao đổi dữ liệu trong khuôn khổ hiệp ước START mới được thực hiện hai lần một năm. Hiệp ước START mới đã ký tại Prague ngày 8 tháng Tư năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 5 tháng Hai năm 2011.

Theo thỏa thuận, nghĩa vụ của các bên là giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống 1.500-1.675 đơn vị và số phương tiện mang đầu đạn hạt nhân xuống 500-1.100 đơn vị.

Việt Dũng