Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Khi dân phòng cũng... đòi giữ xe

14/01/2013 12:13
Theo Nguoiduatin.vn
Ngoài cảnh sát giao thông, hiện nay nhiều lực lượng khác cũng được tham gia hỗ trợ xử lý vi phạm giao thông. Điều đáng nói là có không ít trường hợp lực lượng hỗ trợ lại làm những việc không thuộc thẩm quyền của mình khiến người dân bức xúc.
Dân phòng cũng... đòi giữ xe?

Để trở thành cảnh sát giao thông, người chiến sỹ công an phải được đào tạo chính quy, phải thông hiểu luật cũng như các quy định về giao thông. Thế nhưng trên thực tế, hiện nay có rất nhiều lực lượng "chẳng cần" rèn luyện, thậm chí không nắm chắc các quy định, luật lệ giao thông… mà vẫn được phép tham gia xử lý vi phạm giao thông.

Trên các cung đường của Hà Nội như phố Huế, Khâm Thiên…, thi thoảng chúng tôi vẫn bắt gặp cảnh dân phòng, cảnh sát trật tự… lập chốt chặn ở các ngã ba, ngã tư để xử lý vi phạm giao thông. Chia ra đứng hai bên đường, họ phóng tầm mắt về phía những người đi đường xem có ai không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi ngược chiều…, để tuýt còi, dừng xe. Chẳng ngần ngại dòng xe đang chạy trên đường, nhìn thấy người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông, họ lăm le chiếc gậy trên tay, lao xuống lòng đường chặn xe. Sau đó, họ yêu cầu chủ xe và phương tiện lên vỉa hè và bắt xuất trình giấy tờ.

Khi dân phòng cũng... đòi giữ xe ảnh 1

Cảnh sát 113 tham gia xử lý vi phạm giao thông

Anh Nguyễn Văn Minh (phố Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Giờ ra đường, chỉ cần thiếu gương, quên mũ…, cảnh sát giao thông chưa kịp hỏi, mấy chú dân phòng hay cảnh sát trật tự đã hỏi giấy tờ thay. Họ cũng không cần thực hiện nguyên tắc chào hỏi mà "lao" đến "giật" chìa khoá xe rồi bắt xuất trình giấy tờ. Tuy chỉ là dân phòng, trật tự viên, được điều động kết hợp với cảnh sát giao thông, vậy mà họ có vẻ còn "oai" hơn cảnh sát giao thông được đào tạo qua trường lớp…".

Theo quy định của pháp luật, dân phòng không có quyền dừng xe, đòi kiểm tra giấy tờ. Họ được thành lập, quản lý và chỉ đạo của chủ tịch UBND cấp phường, xã. Nhiệm vụ chính của họ là tham gia hỗ trợ cùng các lực luợng công an trong việc chặn bắt người tham gia giao thông, dẹp vỉa hè, đuổi bắt người bán hàng rong… Hoặc khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, dân phòng có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho công an kiểm tra…

Không riêng lực lượng dân phòng, cảnh sát trật tự, cảnh sát 113 cũng làm thêm nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông. Ra đón bạn ở bến xe Mỹ Đình, anh Nguyễn Văn Trường (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi bị lực lượng cảnh sát 113 xử phạt vi phạm giao thông do đi ngược chiều. Khi bị phạt, tôi mới biết là lực lượng này cũng được phép xử lý vi phạm giao thông. Nhiều lần lưu thông trên đường, tôi  thấy lực lượng này ghi chép, lập biên bản xử phạt người vi phạm giao thông…".

Thích làm nhiệm vụ "phụ" hơn?

Hiện nay, cảnh sát 113 được giao thêm 2 nhiệm vụ "phụ": Lập biên bản xử phạt hành chính các hành vi vi phạm trật tự an giao thông: Tụ tập đua xe, nẹt pô, đánh võng, lạng lách, dàn hàng ngang và tập trung gây mất an ninh trật tự... Trên thực tế, lực lượng này thường xuyên có mặt ở các bến xe, trên các tuyến đường chính… để làm nhiệm vụ "phụ". Theo phản ánh của nhiều người dân "dường như lực lượng này chỉ thích xử lý vi phạm giao thông hơn là nhiệm vụ chính kia".
Dân phòng đứng bắt người xử lý vi phạm giao thông

Dân phòng đứng bắt người xử lý vi phạm giao thông

Theo quy định của bộ Công an, cảnh sát 113 có 3 nhiệm vụ chính: Tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ để tiếp nhận những thông tin liên quan đến an toàn trật tự và yêu cầu chính đáng của nhân dân. Điều động lực lượng phản ứng nhanh đến nơi xảy ra vụ việc tiến hành các biện pháp ban đầu cần thiết, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; Bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang, cấp cứu người bị thương, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản Nhà nước, tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản của công dân Việt Nam và nước ngoài, ổn định trật tự nơi xảy ra vụ việc, nắm tình hình có liên quan và bàn giao cho các đơn vị nghiệp vụ và công an các cấp giải quyết theo quy định; Trực tiếp tuần tra kiểm soát giữ gìn trật tự xã hội ở địa bàn phức tạp và trọng điểm, phát hiện giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Anh Nguyễn Văn Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Dường như một số lực lượng cảnh sát thích làm nhiệm vụ "phụ" hơn. Hôm đó, khi đang gửi xe ở khu vực gần chợ Đồng Xuân, tôi đã chứng kiến cảnh một cô gái trẻ đang vật lộn với tên cướp để giữ lại chiếc dây chuyền trên cổ. Thấy thế, tên cướp rút dao từ trong túi ra để dọa cô gái. Quá sợ hãi, cô gái liền buông tay và tên cướp chạy mất. Thấy lạ, tôi hỏi mấy người ở đấy sao không ra giúp cô gái, họ liền bảo, chuyện ấy ở đây xảy ra như cơm bữa. Từ điện thoại đến dây chuyền, hàng hoá, bọn trộm cướp ngang nhiên ra tay, cảnh sát trật tự hay dân phòng thấy chúng cầm dao hay kim tiêm máu me là họ lảng. Họ còn nói "mấy thằng này toàn là bọn nghiện ngập, hút chích, dính máu chúng vào, sida chết à". Công an còn thế nữa là người thường, ai không biết giữ của thì mất". Anh Đức còn cho biết gặp những chuyện như vậy, dân ở khu vực này đều tránh. Có lần, một anh xe ôm mới lên hành nghề, thấy chuyện bất bình nhảy vào can thiệp khiến tên cướp không "làm ăn được". Hôm sau, anh này bị ba đối tượng khác ra "dằn mặt". Từ đó, để yên ổn làm ăn, dù tận mắt chứng khiến nhiều chuyện bất bình, anh này đành phải nhắm mắt làm ngơ".

Hiện nay ngoài cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông ra, còn có thêm rất nhiều lực lượng khác tham gia như cảnh sát 113, 114, cảnh sát trật tự, dân phòng… Một cảnh sát hình sự của một quận trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết: "Trong tháng An toàn giao thông, một số anh em thuộc phòng cảnh sát điều tra ở chỗ tôi cũng ra hỗ trợ thêm cho cảnh sát giao thông". Những nhiệm vụ này được quy định cụ thể tại Nghị định 34 và 71 của Chính phủ.

Theo Nghị định 34 năm 2010 và Nghị định 71 năm 2012 quy định một số lực lượng được quyền xử phạt một số vi phạm giao thông đường bộ. Cụ thể, ngoài cảnh sát giao thông thì cảnh sát trật tự, cảnh sát 113, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng công an cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm về giao thông: Đỗ xe sai quy định; bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư; đi vào đường cấm, đi ngược chiều; không đội mũ bảo hiểm…

Tuy nhiên, lực lượng này không được xử phạt các vi phạm như: Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định...

Người vi phạm giao thông sẽ nộp phạt qua tài khoản

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2012 ngày 3/1/2013, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chủ đề của năm ATGT 2013 là nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông, mục tiêu đặt ra là giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT; tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM. Chính phủ cũng giao các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy.

Theo đó, bộ Công an hoàn thiện quy định xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Bộ Công an phối hợp bộ Tài chính sớm đưa ra hình thức xử phạt thông qua tài khoản ngân hàng. Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành liên quan hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó lưu ý phần trích lại nhằm cải thiện đời sống cho chính lực lượng chức năng trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm...

Theo Nguoiduatin.vn