Kỳ vọng ở phiên tòa làm trong sạch giáo dục ở Hà Giang

13/09/2019 06:57
Trần Phương
(GDVN) - Kỳ vọng của dư luận trong phiên tòa sắp tới sẽ xử lý dứt điểm gian lận điểm thi năm 2018 với tâm lý “đau nhưng vẫn phải làm cho ra nhẽ”.

Theo dự kiến, xét xử công khai vào sáng 18/9 Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang.

Trong phiên tòa lịch sử này, dư luận kỳ vọng sự công minh của pháp luật sẽ được thực thi.

Sở dĩ nói có nhiều kỳ vọng bởi sự quyết tâm từ trung ương đến địa phương đều khẳng định sẽ làm nghiêm, làm đến cùng không có vùng cấm.

Trong Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, ngày 4/7/2019,  Chính phủ đã khẳng định kiên quyết xử nghiêm sai phạm trọng kỳ thi thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018. 

Còn đối với Hà Giang, với tinh thần như ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã tuyên bố:

“Tỉnh ủy kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử năm 2018. Tinh thần là xử lý đến cùng, không có vùng cấm”.

Dư luận hy vọng mọi góc khuất, mọi vùng cấm sẽ được đưa ra ánh sáng như những quyết tâm của các cấp, tỉnh đã nêu.

Những kẻ gian lận ở Hà Giang sẽ bị xử đúng người, đúng tội trong phiên tòa sắp tới? (Đồ họa: Tùng Dương)
Những kẻ gian lận ở Hà Giang sẽ bị xử đúng người, đúng tội trong phiên tòa sắp tới? (Đồ họa: Tùng Dương)

Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong suốt 1 năm qua, kể từ ngày xảy ra vụ việc tiêu cực, tại Hà Giang số lượng bị can bị khởi tố không nhiều, chỉ có 5 người trong đó có 4 nhà giáo và 1 cán bộ an ninh nhưng mức độ, quy mô về tiêu cực trong giáo dục lại ngang bằng, thậm chí nghiêm trọng hơn cả 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La.

Trong 4 nhà giáo ấy thì đã có tới 2 Phó Giám đốc Sở và Trưởng, Phó phòng Khảo thí.

Liệu rằng chỉ có 5 người này mà đã đủ khuynh đảo cả ngành giáo dục tỉnh Hà Giang, qua mặt cả Đảng ủy, chính quyền và hàng vạn cán bộ và nhân dân tỉnh này?

Đặc biệt, ông Triệu Tài Vinh, lúc đó là đương kim Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang vướng không biết bao nhiêu phiền toái khi “ái nữ” của mình bỗng dưng bị nâng điểm.

Liệu có làm rõ được hành vi của Vũ Trọng Lương, người trực tiếp sửa hàng trăm bài thi mà như thời gian đã công bố trong buổi họp báo năm tháng 7/2018, trung bình chỉ mất có 6 giây.

Một con số quá sức tưởng tượng.

Theo tài liệu đã bị trả lại của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, Cơ quan an ninh điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh được có yếu tố vụ lợi trong vụ án.

Đã đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm, ngoài ra lời khai của bị can Hoài, Lương không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.

Vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang sẽ được xét xử trong tháng 9
Vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang sẽ được xét xử trong tháng 9

Điều phi lý này liệu có được làm sáng tỏ trong phiên tòa sắp diễn ra?

Các bị can có thực sự đánh đổi cả sự nghiệp của mình vì “nghĩa” với bạn bè người thân một cách đơn thuần?

Nghi vấn này như một chiếc gai nhức nhối giương lên trước mắt ngành Giáo dục của cả nước.

Cùng với đó, việc kỷ luật và tiến hành giải trình của các phụ huynh có con bị nâng điểm thế nào?

Đặc biệt là trong đó có ông Triệu Tài Vinh, một phụ huynh có con “bị” nâng điểm.

Hành vi tự ý nâng điểm cho con ông Vinh ai là kẻ chủ mưu, vì sao tự ý nâng mà ông Vinh không hề biết?

Liệu rằng câu chuyện “nén bạc đâm toạc tờ giấy” có trở thành hiện thực trong xã hội hiện đại ngày nay?

Nếu không phải tiền bạc thì quyền lợi hay lợi ích gì đã khiến các bị can trong các vụ việc gian lận điểm thi bất chấp cả danh dự, nhân phẩm và khát vọng trong nghề giáo để đánh đổi?

Việc chứng minh và có câu trả lời về sự phi lí trong điểm thi năm 2018 tại Hà Giang sẽ như một hành động nhổ cái gai nhức nhối đang găm vào lòng tin của nhân dân với giáo dục nước nhà.

Bên cạnh đó, nghi vấn gian lận điểm thi tại Hà Giang có từ năm 2017 vẫn chưa được cơ quan chức năng làm sáng tỏ.

Trước đó nhiều người dân sinh sống tại thành phố Hà Giang đã bày tỏ nghi ngờ việc nâng điểm đã diễn ra từ năm 2017.

Thậm chí, đã có đơn gửi các cơ quan chức năng của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

Việc này có được làm sáng tỏ ngay tại phiên tòa?

Ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang có vai trò gì trong vụ việc gian lận điểm thi, ông có thực sự bị cấp dưới của mình “bịt mắt” dễ dàng đến thế hay không?

Liệu có “Chuyến tàu vét” trước hoàng hôn nhiệm kỳ của ông Vũ Văn Sử.

Là người đứng đầu ngành giáo dục ông Vũ Văn Sử có thật sự "trong sạch" khi để gian lận điểm thi xảy ra? (Ảnh: LC)
Là người đứng đầu ngành giáo dục ông Vũ Văn Sử có thật sự "trong sạch" khi để gian lận điểm thi xảy ra? (Ảnh: LC)

Việc xử lý nghiêm vụ việc điểm thi tại Hà Giang được coi như một trận đánh khốc liệt với “giặc nội xâm”, do vậy, tính quyết định của trận đánh này sẽ góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân Hà Giang nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong việc quyết tâm xử lý tiêu cực.

Sẽ thành tiền lệ xấu trong thi cử, tuyển dụng nếu không được xử lý nghiêm minh
Sẽ thành tiền lệ xấu trong thi cử, tuyển dụng nếu không được xử lý nghiêm minh

Những kẻ gây ra tiêu cực điểm thi năm 2018 tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có thể coi là loại giặc "nội xâm" vô cùng nguy hiểm khi chúng ở những vị trí cao, có sự trọng vọng của xã hội nhưng đang đang tâm phá hoại niềm tin của nhân dân.

Đánh giá về việc này, ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương đã đánh giá đây: “… bước đi thận trọng sẽ đảm bảo thắng lợi trong cuộc chiến chống nội xâm.

Bởi cuộc chiến nội xâm chiến tuyến nó không rõ ràng. Về mặt chiến tuyến quan điểm thì rõ ràng nhưng chiến tuyến về ranh giới ta địch không rõ ràng.

Kỳ vọng của dư luận trong phiên tòa sắp tới sẽ xử lý dứt điểm gian lận điểm thi năm 2018 với tâm lý “đau nhưng vẫn phải làm cho ra nhẽ”.

Trần Phương