Trong thi cử, tuyển dụng thì tiêu chí trung thực, khách quan và công tâm là những điều không thể thiếu. Nếu người thi không trung thực, người chấm, người tuyển dụng không khách quan, công tâm thì kỳ thi, kỳ tuyển dụng đó không thể nào thành công.
Điều quan trọng là dẫn đến sự hoài nghi của dư luận, sự chán nản cho những người ứng thí. Tuy nhiên, thời gian gần đây thì chúng ta chứng kiến một số chuyện chưa đẹp. Chỉ tiếc, những người làm sai lại là những cán bộ, trong đó có những người đứng đầu sở, ngành...
107 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang là do giúp đỡ tình cảm với nhau (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet) |
Gửi người thân khi tuyển dụng giáo viên nhưng lại “không vi phạm pháp luật”.
Sự việc tuyển dụng giáo viên năm 2017-2018 ở Quảng Ngãi đã được báo chí phản ánh khá nhiều trong thời gian qua bởi nó được chấm đi, chấm lại nhiều lần và có nhiều kết quả khác nhau.
Điều đáng chú ý là ở các huyện như: Trà Bồng, Đức Phổ, Bình Sơn, Nghĩa Hành…đã để xảy ra tình trạng một số thí sinh thi rớt, bị điểm liệt nhưng sau phúc khảo lại thì tăng điểm cao đột biến, có người từ trượt thành thủ khoa.
Chính vì thế, Sở Nội vụ Quảng Ngãi đã vào cuộc và chấm thẩm định lần 3 và đã phát hiện nhiều bài thi bị nâng điểm, bị sửa điểm nên có người rớt thành đậu.
Sự việc bị đẩy lên khi ông Trần Minh Điệp (nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng) bị cách chức và ông Điệp đã tố cáo ông Đoàn Dụng- Giám đốc Sở Nội vụ đã nhờ giúp đỡ 1 thí sinh nhưng không được giúp nên trù dập ông.
Ông Điệp cho biết vào năm 2018, huyện Trà Bồng tổ chức kỳ thi tuyển giáo viên và lúc này, ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi đã lên tiếng nhờ ông Điệp “giúp đỡ” cho một thí sinh nhưng ông Điệp đã từ chối.
Khi trả lời báo chí, ông Đoàn Dụng cũng đã thừa nhận là có nhờ ông Trần Minh Điệp giúp đỡ 1 thí sinh thi vào khối Tiểu học.
Ông Dụng nói: "Tôi nhờ anh em giúp đỡ 1 trường hợp nhưng không được và cháu này rớt. Mình nhờ mà không giúp được thì thôi chứ không có chuyện trả đũa ở đây".
Giám đốc Sở gửi gắm thí sinh thi tuyển giáo viên nhưng tỉnh nói không phạm luật |
Ngày 16/8/2019, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ra Thông báo 179/TB-UBND về kết quả xác minh việc ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh này bị tố là trù dập ông Trần Minh Điệp vì ông Điệp từ chối giúp thí sinh mà ông Dụng gửi gắm trong kỳ thi tuyển viên chức giáo viên huyện Trà Bồng năm 2017-2018.
Đáng chú ý, trong Thông báo này đã nói rõ: “Việc gửi gắm thí sinh của ông Dụng không vi phạm pháp luật nhưng đã gây dư luận không tốt, hoài nghi tính khách quan trong kỳ thi tuyển viên chức giáo viên”.
107 thí sinh ở Hà Giang đều được giúp vì quan hệ quen biết, người thân, bạn bè…
Vụ án tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang đáng lẽ đã được đem ra xét xử trong tháng 7 vừa qua nhưng sau đó được hoãn lại để điều tra bổ sung.
Ngày 22/8/2019 vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang ra cáo trạng tiếp tục truy tố 5 bị can và xác định có 107 thí sinh được sửa bài thi nâng điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.
Trong cáo trạng bổ sung lần này, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh vẫn xác định các bị can đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 để thực hiện hành vi sửa bài thi nâng điểm cho 107 thí sinh.
Điều đáng lưu ý nhất là trong cáo trạng cũng xác định không có gia đình thí sinh nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm.
Các bị can Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đều khai chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân...
Nếu cứ quen biết rồi gửi gắm như thế còn đâu là kỷ cương, phép nước?
Chuyện “gửi gắm, nhờ vả” trong tuyển dụng và thi cử không phải là bây giờ mới có mà nó đã âm thầm có từ lâu đối với một số cá nhân có địa vị đang công tác trong các ban ngành ở một số địa phương.
Vì thế, nếu như cơ quan chức năng mà xác định trường hợp ông Đoàn Dụng- Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi “không vi phạm pháp luật” khi nhờ giúp đỡ cho người thân của mình e rằng không thuyết phục được dư luận. Là người đứng đầu Sở Nội vụ mà làm cái việc như vậy thì e rằng sẽ tạo nên một tấm gương xấu trong thi tuyển sau này.
Đối với trường hợp 210 phụ huynh ở Hà Giang cũng vậy, nếu không có yếu tố “tiền bạc” hoặc một tác động trực tiếp từ một ai đó thì không bao giờ ông Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương lại phải vất vả đi sửa và nâng điểm cho hơn 300 bài thi của 107 thí sinh.
Họ là những cán bộ Sở đều trên 40 tuổi đời chứ không phải là những người còn bồng bột, trẻ dại dễ nghe lời ai đó mà không tính toán kĩ lưỡng. Khi làm cái việc động trời này thì họ đương nhiên phải nghĩ đến hậu quả (nếu xảy ra).
Hơn nữa, trong số 210 phụ huynh được xác định có con được nâng điểm thì họ làm việc, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, làm sao mà ông Hoài, ông Lương biết hết cả 210 phụ huynh nếu không có những “cầu nối” cần thiết.
Một khi mà giúp những người nhưng bản thân không biết mà đó lại là làm điều sai trái, vi phạm pháp luật mà họ không có lợi thì chẳng ai dại gì lại lao vào chỗ chết cả.
Xem chừng vẫn còn nhiều góc khuất, nhiều điều bí mật chưa được làm sáng tỏ trong 2 ví dụ mà chúng tôi đã phản ánh ở trên.
Thôi thì, cứ cho là họ làm việc này vì “tình cảm” với nhau nhưng nếu ai cũng cứ quen biết rồi nhờ vả “tình cảm” như vậy thì còn đâu kỷ cương phép nước nữa?
Tài liệu tham khảo:
//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giam-doc-so-gui-gam-thi-sinh-thi-tuyen-giao-vien-nhung-tinh-noi-khong-pham-luat-post201586.gd
//tuoitre.vn/can-lam-ro-tien-quyen-nao-tac-dong-nang-diem-20190823123130523.htm