Lá bài Đài Loan giúp Mỹ gây sức ép với Trung Quốc

05/05/2019 06:33
Thanh Bình
(GDVN) - Mỹ ngày càng sử dụng một cách có hệ thống lá bài Đài Loan, xuất phát từ những tính toán chiến lược và chiến thuật trong cạnh tranh Mỹ-Trung.

Đài Loan vốn là "điểm nóng" gây căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung khi Bắc Kinh tìm cách khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo này.

Sau khi bà Thái Anh Văn trở thành người đứng đầu Đài Loan vào năm 2016, việc duy trì sự ổn định ở eo biển Đài Loan của Trung Quốc được dự báo trở nên rất khó khăn.

Không giống như người tiền nhiệm Mã Anh Cửu, bà Thái Anh Văn, với sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng, kiên quyết theo đuổi đường lối độc lập với Trung Hoa đại lục (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa).

Thực tế, bà Thái Anh Văn đã từ chối chấp nhận Đồng thuận 1992 và điều này khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.

Chính quyền của bà Thái Anh Văn kiên quyết theo đuổi đường lối Đài Loan độc lập với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Chính quyền của bà Thái Anh Văn kiên quyết theo đuổi đường lối Đài Loan độc lập với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Ngày 16/3/2018, Tổng thống Donald Trump đã ký Đạo luật đi lại Đài Loan (Taiwan Travel Act). Đạo luật này được xem như một vỏ bọc chính trị cho Tổng thống nhằm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Đài Loan theo cách sẽ khiến Trung Quốc đứng ngồi không yên.

Bằng việc ký Đạo luật này, các quan chức Mỹ ở mọi cấp được phép đến Đài Loan để gặp những người đồng cấp, bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao đến Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đã kịch liệt phản đối Đạo luật đi lại Đài Loan, cảnh báo rằng các điều khoản có liên quan đến Đạo luật là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Trung Quốc qua tuyên bố này đã hối thúc Mỹ phải ngừng theo đuổi bất kỳ mối quan hệ chính thức nào với Đài Loan hay cải thiện quan hệ với Đài Loan dưới bất kỳ hình thức thực chất nào.

Do chính quyền Mỹ hiện nay dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump rất khó đoán định và bất ổn nên Trung Quốc, đang tìm cách hạ nhiệt xung đột thương mại với Mỹ, phải tính đến khả năng rằng ông Donald Trump có thể xem xét tới việc tiến hành các cuộc trao đổi chính thức cấp cao với Đài Loan.

Điều này sẽ càng có nhiều khả năng khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton kêu gọi dùng chính sách Đài Loan nhằm ép buộc Bắc Kinh rút khỏi Biển Đông và tháo dỡ các căn cứ quân sự của nước này ở đó.

Đe dọa của ông Tập Cận Bình làm tăng tỉ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn

Chính sách quốc phòng của Mỹ đối với Đài Loan đã chuyển đổi theo hướng tăng cường vai trò đồng minh.

Trong thời gian thăm Đài Loan, ông Han Huang, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã đề xuất ý tưởng kết nạp Đài Loan vào chiến lược này.

Đồng thời, Mỹ cũng dần thay đổi cơ bản định vị chính sách đối với Đài Loan, bao gồm bán cho Đài Loan các vũ khí tấn công, vũ khí chiến lược và phát triển vũ khí năng lượng như súng điện từ.

Mỹ đang nâng cấp lá bài Đài Loan lên tầm cuộc chiến chính trị trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Mỹ thường xuyên có ý đồ phối hợp một cách rõ ràng với cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung.

Trước khi đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của Mỹ đến thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để tham gia cuộc đàm phán thương mại bắt đầu vào ngày 30/4/2019, ngày 28/4/2019, hai tàu chiến của Hải quân Mỹ, William P. Lawrence và Stethem, đã di chuyển qua eo biển Đài Loan.

Ông Clay Doss, phát ngôn viên của hạm đội 7, Hải quân Mỹ cho biết: “Việc di chuyển của tàu qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Gần đây, Lầu Năm góc quyết định tăng tần suất di chuyển qua tuyến đường thủy chiến lược này, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Tàu khu trục USS William P. Lawrence, một trong 2 chiến hạm đã đi qua eo biển Đài Loan ngày 28/4/2019 (Ảnh: Reuters).
Tàu khu trục USS William P. Lawrence, một trong 2 chiến hạm đã đi qua eo biển Đài Loan ngày 28/4/2019 (Ảnh: Reuters).

Ngoài đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, Mỹ còn thúc đẩy việc thiết lập chế độ nhập cảnh ở nước ngoài tại Đài Loan để đẩy nhanh quá trình hội nhập của cả hai bên.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sau cuộc cải tổ lớn, đã xây dựng được nhóm hoạch định chính sách an ninh quốc gia thuộc phái cứng rắn, am hiểu Trung Quốc, trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Giám đốc Hội đồng thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro và những người khác.

Trong số đó, ông John Bolton, với thân thế nhạy cảm, đã chủ động tham gia Lễ khánh thành trụ sở mới của “Viện Mỹ tại Đài Loan” (AIT).

Trụ sở này dự kiến sẽ là nơi đóng quân của lính thủy đánh bộ Mỹ, với tầm nhìn sẽ trở thành một trung tâm tình báo của Mỹ ở châu Á và trung tâm chỉ huy của 3 lực lượng.

Có thể thấy, Mỹ ngày càng sử dụng một cách có hệ thống lá bài Đài Loan, xuất phát từ những tính toán chiến lược và chiến thuật trong cạnh tranh Mỹ-Trung.

Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Trump đã liên tiếp có những quyết định cụ thể bày tỏ lập trường ủng hộ Đài Loan, từ nâng cấp và mở rộng cơ sở được coi là đóng vai trò một Đại sứ quán Mỹ tại Đài Loan đến bán thêm vũ khí cho Đài Loan, bật đèn xanh cho các quan chức Mỹ thăm bán đảo này.

Tất cả những động thái này khiến quan hệ Mỹ-Trung vốn đã vô cùng căng thẳng vì những cú ăn miếng trả miếng lẫn nhau trong lĩnh vực thương mại càng trở nên tồi tệ hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.asiatimes.com/2019/01/article/pro-beijing-press-in-taiwan-spied-on-hong-kong-activists/

2. https://thediplomat.com/2019/04/high-level-us-visits-to-taiwan-mark-40-years-of-unofficial-ties/

3. https://www.nytimes.com/2019/04/10/world/asia/taiwan-china-united-states.html

4. https://thediplomat.com/2019/03/taiwan-us-plan-new-more-direct-talks-this-fall/

Thanh Bình