"Làm rõ ai đã góp phần cho sai phạm của Dương Chí Dũng phình to"

09/01/2014 07:41
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ: "Việc khởi tố bắt giam Dương Chí Dũng vì sao lộ? Ai đã báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn?".
Dương Chí Dũng khai nhận được thông tin sẽ bị bắt giam từ một lãnh đạo của ngành công an.
Dương Chí Dũng khai nhận được thông tin sẽ bị bắt giam từ một lãnh đạo của ngành công an.

Tại phiên tòa hôm qua, Dương Chí Dũng tiếp tục khẳng định đã nhận được thông tin sẽ bị khởi tố từ một vị cán bộ ngành công an. HĐXX TAND TP Hà Nội xét thấy đây là dạng thông tin tuyệt mật của nhà nước nhưng đã lộ thông tin.

Do đó, căn cứ vào điều 13, điều 100, điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự; Căn cứ vào pháp lệnh số 30 ngày 28-12-2000 về bảo vệ bí mật nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 33 ngày 28-3-2002 của Chính phủ chi tiết thi hành pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Quyết định số 13 năm 2010 ngày 13-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật và tối mật trong lực lượng công an nhân dân; 

Căn cứ vào lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn, của nhân chứng Dương Chí Dũng và tài liệu có trong hồ sơ vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm bị VKSND Tối cao truy tố về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; Căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa ngày 7, 8-1-2014, căn cứ vào đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội tại phiên tòa; Hội đồng xét xử xét thấy có dấu hiệu phạm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo quy định tại điều 263 Bộ luật hình sự.

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ chia sẻ: “Tôi cũng mong rằng, sau khi xử Dương Chí Dũng và đồng phạm, cơ quan chức năng phải tiếp tục làm rõ có ai bao che cho Dương Chí Dũng không? Ai đã góp phần làm cho sai phạm của Dương Chí Dũng ngày càng phình to ra? 

Và đặc biệt, cần phải làm rõ: Ai đã báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn? Quyết định khởi tố, bắt giam Dương Chí Dũng lúc đầu còn trong vòng bí mật, vậy tại sao lại bị lộ? Cần phải quyết tâm làm rõ để giữ gìn sự nghiêm minh của hệ thống các cơ quan công quyền, và giữ vững niềm tin của nhân dân”.

Ông Vũ Quốc Hùng dẫn ra hai thí dụ điển hình để minh chứng cho việc khi phát hiện ra bất cứ một sai phạm nào đó thuộc các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thì phải xét tới trách nhiệm của tất cả các cơ quan, cá nhân có liên quan.

Vụ thứ nhất là “Thủy cung Thăng Long” tại Hà Nội hơn 10 năm trước, ngay khi mới ra quyết định đầu tư thì đã có một loạt cán bộ từ trung ương tới địa phương bị thi hành kỷ luật, trong đó có những vị giữ chức vụ cao ở Chính phủ.

Vụ thứ hai là “vụ án Năm Cam”, nhiều cán bộ của các cơ quan ở TP.HCM đã có quan hệ không bình thường với tên trùm xã hội đen này. Khi Năm Cam sa lưới pháp luật, nhiều cán bộ nhà nước có liên quan đã bị xử nghiêm, bên cạnh đó một số cán bộ lãnh đạo, một số ủy viên trung ương đảng, cán bộ của các cơ quan ở TP.HCM đã phải chịu các hình thức kỷ luật, kiểm điểm.

“Tôi cho rằng, những người có liên quan tới sai phạm của Dương Chí Dũng kể cả đã nghỉ hưu cũng cần phải được xem xét trách nhiệm, cho dù không bị xử lý hình sự thì cũng cần phải có kiểm điểm, cảnh cáo, nhắc nhở… ở tổ chức, chứ không thể coi như không có chuyện gì”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ. Ảnh: Ngọc Quang
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ. Ảnh: Ngọc Quang

Nhìn ở góc độ quản lý cán bộ, nhất là cán bộ Đảng viên, ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ thêm, đây là một vụ án đem lại nhiều bài học đau đớn trong công tác quản lý cán bộ.

“Chúng ta không chỉ mất tiền, phải xử cán bộ mà rất có thể tới đây còn truy trách nhiệm của nhiều cá nhân, tổ chức khác có liên quan tới vụ việc này, nhưng nhìn ở góc độ chống tham nhũng thì xử lý nghiêm minh cũng là nhân văn, vì như vậy sẽ ngăn chặn được những sai lầm lớn hơn nữa mà những người đó có thể tiếp tục mắc phải và răn đe những kẻ khác”, ông Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, tại một buổi hội thảo mới đây tại Bộ Tư Pháp, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình với hội đồng xét xử ngoài việc xử nghiêm các bị cáo trong vụ Vinalines thì còn đưa ra kiến nghị tiếp tục điều tra trách nhiệm của các bộ ngành có liên quan.

“Để tiêu được hàng trăm tỷ đồng mua một chiếc ụ nổi như vậy không phải dễ dàng gì, mà phải qua rất nhiều cấp, và đương nhiên nếu không có ý kiến của Bộ GTVT thì không thể được Bộ Tài chính phê duyệt cũng như nhận được sự phối hợp của các cơ quan khác có liên quan. Thiệt hại đã xảy ra rồi nhưng tôi cảm thấy gần như các cơ quan nhà nước vô can, đã đến lúc phải làm rõ những nội dung này”, ông Cương nói.

Ngọc Quang