Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trong diễn ra vào sáng nay, các luật sự bảo vệ tiếp tục đưa ra những luận điểm để bảo vệ cho các bị cáo. 4 trong 7 bị cáo không có luật sư bảo vệ cũng trình bày quan điểm của mình và mong HĐXX xem xét xử đúng người đúng tội.
Bảo vệ cho bị cáo Dương Tự Trọng, Luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng, Viện Kiểm sát kết luận hành vi tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn của Trọng và các đồng phạm đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; Cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Vinalines là chưa thỏa đáng.
Theo ông Hưng, trong phiên tòa diễn ra vào ngày 7/1, Dương Chí Dũng đã đứng ra làm chứng và khai rằng, Dũng được đưa sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch nhưng là hợp pháp. Theo đó Dũng được đóng dấu thị thực xuất cảnh từ phía Việt Nam và nhập cảnh từ phía Campuchia. Như vậy, không thể nói việc đưa Dũng ra nước ngoài đã xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Dương Tự Trọng tại tòa. |
Ông Hưng cũng cho rằng, khi đưa Dũng bỏ trốn từ Hà Nội, Dương Tự Trọng và các bị cáo khác chỉ nghe loáng thoáng là Dũng bị khởi tố chứ chưa biết chắc chắn Dũng có bị khởi tố hay không và khởi tố về tội danh gì. Bởi vậy, việc kết luận hành vi của các bị cáo đã “Cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án” là chưa đủ cơ sở.
Đặc biệt, vị luật sư bảo vệ cho Dương Tự Trọng có nhắc đến lời khai của Dương Chí Dũng về việc có người thông báo và bảo Dũng “tạm lánh đi một thời gian”. Ông Trần Đình Hưng cho rằng, đây mới là lời khai từ phía Dũng, nhưng đó là một tình tiết mới quan trọng.
Nếu tình tiết này là sự thật thì tính chất của vụ án sẽ khác. Chính vì vậy, ông Hưng đề nghị HĐXX xem xét tạm hoãn phiên tòa sơ thẩm Dương Tự Trọng và đồng phạm, đợi đến khi có kết quả điều tra về chi tiết mới nói trên rồi xử tiếp.
Ông Hưng nói thêm: “Dường như tính chất nghiêm trọng của vụ án xảy ra tại Vinalines đã tạo áp lực quá lớn đến vụ án này. Chiều hôm qua, khi buổi xét xử dừng lại, báo chí và dư luận hết sức quan tâm về sự việc này. Vì vậy, chúng ta càng phải xét xử thận trọng, tránh sai sót.”
Luật sư Nguyễn Đình Hưng trình bày quan điểm. |
Bổ sung ý kiến của Luật sư Hưng, ông Đặng Việt Hùng – luật sư của bị cáo Vũ Tiến Sơn cho rằng, khung hình phạt cao nhất theo Khoản 3, điều 275 Bộ Luật Hình sự về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài là 20 năm tù. Trong khi đó, Viện Kiệm sát đề nghị mức án cho bị cáo Dương Tự Trọng từ 18-20 năm tù, tức khung hình phạt cao nhất. Điều này đồng nghĩa với việc Viện Kiểm sát đã bỏ qua những công lao, đóng góp của bị cáo Trọng cho đất nước.
Tương tự, bị cáo Vũ Tiến Sơn đã thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra nhưng vẫn bị đề nghị tới mức án lên tới 17-18 năm tù. Tức ở đây Viện Kiểm sát chưa xem xét các yếu tố giảm nhẹ tội cho các bị cáo như có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nhiều thành tích trong công tác…
Trong khi đó, Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Minh Tuấn cho rằng thân chủ của ông vô tội. Theo lý giải của vị luật sư này thì Tuấn đã đón Dương Chí Dũng từ Hà Nội xuống Quảng Ninh. Tuy nhiên, Dũng là người bảo Tuấn đi, Tuấn không biết mục đích của Dũng là bỏ trốn. Trên cơ sở đó, luật sư bào chữa cho Phạm Minh Tuấn cho rằng đây chỉ là cuộc đưa đón bình thường và “trong luật pháp không có quy định cấm người ta đưa đón nhau cả.”
“Không thể để vụ án Dương Chí Dũng xảy ra ở Vinalines ảnh hưởng đến tính công bằng của vụ án này được. Nếu chưa có đủ cơ sở vững chắc thì HĐXX cần phải hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra lại vụ án,” Luật sư bào chữa cho Phạm Minh Tuấn nói.
Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp luật sư và các bị cáo. |
Đối đáp lại phần bào chữa của các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát đã bác bỏ đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra lại. “Vụ án đã được điều tra đầy đủ, không có căn cứ nào để trả hồ sơ điều tra lại,” đại diện Viện Kiểm sát khẳng định.
Đại diện Viện Kiểm sát cho biết, vào thời điểm ngày 17/5/2012, Dương Chí Dũng bị khởi tố và là bị can của vụ án. Bởi vậy, khi Dũng bỏ trốn sẽ bị cơ quan an ninh điều tra phát lệnh truy nã.
Các bị cáo trong vụ án này đã tiếp nhận mong muốn của Dương Tự Trọng và tìm cách cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Về chủ quan, hành vi của các bị cáo là cố ý. Việc Dương Tự Trọng bị bắt là do sự nỗ lực của cơ quan an ninh Việt Nam và Campuchia. Việc bị bắt là nằm ngoài mong muốn của bị cáo Dũng.
Viện Kiểm sát cũng khẳng định, vụ án đưa Dương Chí Dũng ra nước ngoài là vụ án có tổ chức, có người chủ mưu và có người thực hành.
Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát, vụ án kinh tế xảy ra tại Vinalines là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Việc giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn đã gây khó khăn cho công tác điều tra, khiến dư luận, người dân nghi ngờ, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Liên quan đến ý kiến một số Luật sư cho rằng việc xuất nhập cảnh của Dương Chí Dũng, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định Dũng đã xuất nhập cảnh trái phép. Theo đó, khi Dũng bị bắt và lực lượng chức năng kiểm tra hộ chiếu của Dũng thì hộ chiếu đã hết hạn. Bản thân Dũng cũng khai nhận là không thể nhập cảnh vào Mỹ được nên phải quay về Campuchia. Tại đây, Dũng còn làm giả hộ chiếu mang quốc tịch Malaysia.
Với những quan điểm trên HĐXX vẫn cho phiên tòa tiếp tục và 15h00 chiều nay sẽ tuyên án./.