Lão ngư gắn kết sức mạnh cho ngư dân vươn khơi, bám biển Hoàng Sa

31/05/2013 14:05
Tấn Tài
(GDVN) - Đó là điều mà lão ngư Nguyễn Quốc Chinh (60 tuổi, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) đã và đang dốc hết tâm sức làm cho bằng được.
Người ngư dân này đã hơn 30 năm gắn bó với Hoàng Sa, Trường Sa nay tiếp không trực bám biển mà đã chuyển sang làm cầu nối gắn kết ngư dân với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Điều đó tạo nên cho mỗi ngư dân có niềm tin, sức mạnh vươn khơi bám biển đảo Hoàng Sa để mưa sinh đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Lão ngư Nguyễn Quốc Chinh đang dùng Icom kết nối với ngư dân đang đánh bắt ở Hoàng Sa- Trường Sa.
Lão ngư Nguyễn Quốc Chinh đang dùng Icom kết nối với ngư dân đang đánh bắt ở Hoàng Sa- Trường Sa.

Chúng tôi đến Lý Sơn hỏi nhà Lão ngư Nguyễn Quốc Chinh thì được một chị phụ nữ trung niên sẵn sàng chở đến . Trên đường đi chị bộc bạch, "Người dân đất đảo Lý Sơn  mến ông Chinh vì ông ấy luôn vì mọi người."

Dõi theo ngư dân

“Alô. Nghiệp đoàn nghề cá gọi tàu Lê Khởi nghe rõ trả lời? Alô. Nghiệp đoàn nghề cá gọi tàu Lê Khởi nghe rõ trả lời”, ông Chinh liên lạc với tàu của ngư dân Lý Sơn đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Ngày nào cũng vậy, một mình ông “trực chiến” trong căn phòng nhỏ ở nhà, nơi đặt hệ thống máy Icom của nghiệp đoàn xã An Hải.

Mỗi lần bắt được liên lạc với ngư dân khi họ đang đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, Trường Sa là mỗi lần ông vui như mở hội. Ngồi trong căn phòng nhỏ, nóng toát mồ hôi, ông lão nở nụ cười thật tươi. Ông chân chất bảo: “Trời yên biển lặng. Ngư dân đánh bắt tôm cá."

Câu nói của ông lão tình nguyện làm việc ở nghiệp đoàn nghề cá, tình nguyện suốt ngày bận rộn với việc dõi theo thông tin thời tiết, dõi theo máy Icom và tuyên truyền phổ biến kiến thức cho ngư dân… khiến chúng tôi càng thêm nể phục.

Ông Chinh cho biết, trời êm thì trực Icom từ lúc chạng vạng đến 10h đêm. Lúc giông bão thì “bám” Icom suốt cả ngày lẫn đêm. “Alô. Nghiệp đoàn nghề cá gọi… Alô…”… cứ thế ông lão “alô” đến khàn cả giọng.

Ông nghe, nói và ghi chép. Ông làm việc liên tục những mong tàu của ngư dân tìm nơi tránh trú bão an toàn. Lo nhất là khi bắt được thông tin tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển, ông chẳng buồn ăn uống, cố sức liên lạc với các tàu khác của ngư dân trong nghiệp đoàn để cứu giúp. Ngày qua ngày, ông Chinh dõi theo chiếc máy Icom, dõi theo ngư dân của nghiệp đoàn khi họ đang đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, Trường Sa duy chỉ với một ước nguyện tàu ngư dân bình an trở về, tôm cá đầy khoang .

 Làm việc không lương

Suốt hơn 30 năm bám biển, lão thuyền trưởng Nguyễn Quốc Chinh ở Hoàng Sa, Trường Sa nhiều hơn ở nhà. Ông làu làu “đường đi, nước bước” ở hai ngư trường truyền thống bao đời này. Nhìn xa xăm về hướng biển, ông Chinh bảo: “Nhớ lắm vùng lãnh hải của Tổ quốc. Nhưng mình không làm công việc của nghiệp đoàn thì ai làm. Ai cũng nghĩ đến việc riêng thì ai là người lắng nghe ngư dân báo cáo tình hình khi đang đánh bắt ở biển Đông để mà trợ giúp. Biển giả rất nhiều rủi ro lắm”.

Rồi ông kể, "Khoảng những năm 1981 tôi đã ra đảo Hoàng Sa và nhiều lần đặt chân lên đảo nghỉ ngơi. Lúc đó trên đảo có nhiều cột mốc ghi những dòng chữ thể hiện chủ quyền của Việt Nam. Khi đó ông ghi lại những dòng chữ đó về đất liền nhờ dịch ra hóa ra đó là những dòng chữ ghi tên những thuyền phu năm xưa trong đội Hùng Binh Bắc Hải như Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật"...Những bậc tiền nhân dân Lý Sơn ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc thể hiện chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, nhưng những năm gần đây ra Hoàng Sa thì không còn thấy những cột mốc đó nữa, chắc Trung Quốc đã san ủi.

Lão ngư Nguyễn Quốc Chinh đang dùng Icom kết nối với ngư dân đang đánh bắt ở Hoàng Sa- Trường Sa.
Lão ngư Nguyễn Quốc Chinh đang dùng Icom kết nối với ngư dân đang đánh bắt ở Hoàng Sa- Trường Sa.


Từ ngày Nghiệp Đoàn nghề cá xã An Hải thành lập ông gác lại chuyện đi biển và “ôm” vào mình công việc của nghiệp đoàn nghề cá-công việc mà ông cho là vô cùng ý nghĩa. “Nghiệp đoàn là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với ngư dân.

Nghiệp đoàn gắn kết ngư dân tạo nên sức mạnh để vươn khơi. ngư dân Lý Sơn mới đây được chủ tịch nước đến thăm hỏi động viên và tặng quà. Cũng nhờ thế mà họ ý thức rất cao về chủ quyền biển đảo. Họ tin tưởng vào nghiệp đoàn, tin tưởng vào chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước vì vậy nếu như có các tàu Trung Quốc kéo xuống từng đàn họ cũng không sợ.  ngư dân Lý Sơn luôn bám sát 24 đảo của quần đảo Hoàng Sa cách chừng 1 hải lý để đánh bắt cá tôm." Ông Chinh khẳng định.

Dẫu công việc không có lấy một đồng phụ cấp, thế nhưng đối với ông Chinh, khoản thù lao ý nghĩa nhất mà ông nhận được, đó là niềm vui khi ngày càng có nhiều ngư dân vào nghiệp đoàn, và các tổ, đội tàu cá trong nghiệp đoàn đã phát huy mạnh mẽ sức mạnh cộng đồng khi đang hành nghề đánh bắt trên biển. Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải thành lập vào tháng 9/2011. Thoạt đầu, nghiệp đoàn chỉ có 8 tổ, đội, 35 tàu cá với tổng số 428 ngư dân, nay đã kết nối được gần 800 ngư dân ở 68 tàu, phân thành 10 tổ, đội.

Ông Chinh hớn hở nói: “Từ ngày thành lập nghiệp đoàn đến nay có 11 trường hợp tàu của ngư dân trong và ngoài nghiệp đoàn gặp nạn khi đang đánh bắt. Khi biết thông tin tàu gặp nạn từ hệ thống Icom, chúng tôi nhanh chóng liên lạc, điều động tàu ở các tổ, đội cứu giúp. Cả 11 trường hợp đều được cứu giúp thành công”.

“Hồi tháng 3/2012, tàu của ngư dân Dương Văn Thọ ở xã An Hải khi đang trú bão ở đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa nhận thông tin từ Icom tàu của ngư dân Khánh Hòa ở gần đó gặp nạn cần được ứng cứu khẩn cấp. Bất chấp sóng to, gió lớn, anh em trên tàu của ngư dân Dương Văn Thọ nhổ neo tìm kiếm tàu gặp nạn và đã cứu hộ chiếc tàu cùng 14 ngư dân trên tàu về đảo Song Tử Tây an toàn. Đây là việc làm đầy ý nghĩa, thể hiện tính cộng đồng khi đánh bắt ở biển Đông”, ông Chinh kể chuyện trong niềm tự hào.

Ông lão Nguyễn Quốc Chinh cười khà khi nghe chúng tôi nói chuyện ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Ông vẫn vô tư với câu nói: “Có gì đâu, chỉ là góp phần nhỏ bé giúp ngư dân an tâm bám biển, giữ vững ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mà bao đời cha ông gìn giữ. Trời yên sóng lặn thì tôi còn thảnh thơi nhưng khi có bão thì phải trực cả ngày lẫn đêm”.

Khi được hỏi vấn đề cần kiến nghị, ông lão chẳng mong điều gì cho bản thân, mà chỉ trăn trở mỗi một điều: “Mong sao nghiệp đoàn có được hệ thống kết nối thông tin tốt hơn để việc liên lạc với ngư dân ngoài khơi không bị đứt quãng”.    

Tấn Tài