“Môi trường quân đội là trường Đại học Havard dành cho giới trẻ”

26/11/2013 07:34
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Quân đội là môi trường rèn luyện rất tốt. Những quân nhân sau khi trở về rõ ràng là có độ trưởng thành, chín chắn và họ được rèn luyện, tích lũy thêm rất nhiều thứ mà có thể trong cuộc sống bình thường không có được.

Trước thông tin mà ông Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (Quốc hội) nêu ra, có thể thay thế nghĩa vụ quân sự bằng một số hình thức khác, như nộp tiền... ý kiến này đang khiến dư luận xôn xao.

Liên quan đến nội dung trên, PV Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Lê Anh Tuấn, Phó GĐ thường trực Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thanh niên Hà Nội (Thành đoàn Hà Nội). Đây là đơn vị hằng năm thường phối kết hợp với các trường học, các bậc phụ huynh để tổ chức cho các em học sinh được tham gia vào những kỳ học quân đội. Một hoạt động rất bổ ích, đang được đông đảo học sinh, phụ huynh rất hưởng hứng.

PV: Mục đích và ý nghĩa của việc cho học sinh tham gia vào "học kỳ quân đội" là gì thưa ông?

Ông Lê Anh Tuấn: Đây là mô hình để giáo dục kỹ năng sống cho đối tượng là học sinh, thông qua việc các em sẽ trải nghiệm cuộc sống của người chiến sĩ trong môi trường quân đội, thời gian là từ 7 – 15 ngày. Điều đó giúp cho các em hiểu rõ hơn về đời sống của người lính, biết thêm về sự hi sinh, vất vả và mục đích quan trọng nhất là giúp cho các em trân trọng hơn sự bình yên đang có của tổ quốc.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó GĐ thường trực Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thanh niên Hà Nội (Thành đoàn Hà Nội)
Ông Lê Anh Tuấn, Phó GĐ thường trực Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thanh niên Hà Nội (Thành đoàn Hà Nội)

PV: Ông có thể cho biết từ đâu mà mình có ý tưởng xây dựng mô hình này?

Ông Lê Anh Tuấn: Hiện nay Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thanh niên Hà Nội (Hà Nội ADC) đang khởi xướng và thực hiện các mô hình trải nghiệm. Thay vì cho các em đọc sách, nghe giảng trên nhà trường thì ở đây các em sẽ được chứng kiến, được thực hiện và trải qua cuộc sống của các mô hình đó. Như trải nghiệm làm chiến sĩ thì được làm quân đội, trải nghiệm cuộc sống của người nông dân thì được làm nông dân, rồi trải nghiệm văn hóa dân tộc Việt Nam… 

Người ta nói đọc thì các em có thể hiểu hoặc quên, xem chắc nhớ được nhiều hơn nhưng còn trực tiếp làm thì các em mới hiểu được vấn đề đó.

Mô hình học kỳ quân đội được bắt đầu triển khai từ năm 2008, khởi xướng từ một đơn vị của Đoàn Thanh niên trong miền Nam. Sau đó hiệu quả của nó rất tốt, được rất nhiều doanh nghiệp ở bên ngoài vận dụng làm. Đến năm 2012, trước thực trạng “trăm hoa đua nở”, không đảm bảo tính chuẩn của mô hình nên Tổng cục chính trị của Bộ Quốc phòng ký chương trình liên tịch với Ban Bí thư Trung ương Đoàn để chuẩn hóa mô hình. Đến nay thì chỉ có Đoàn Thanh niên là đầu mối được phép tổ chức học kỳ quân đội.

PV: Những hoạt động khi các em học sinh tham gia vào học kỳ quân đội là gì? Có giống với một người quân nhân thực sự?

Ông Lê Anh Tuấn: Có 3 nội dung, không giống hẳn như một người khi giam gia nghĩa vụ. Bởi khi thanh niên đi nhập ngũ thì lúc đó đã thực sự trở thành một người lính. Do đó nội dung cũng sẽ chỉ tập trung vào việc giáo dục quốc phòng. Nhưng ở học kỳ quân đội thì các em sẽ được trải nghiệm là chiến sĩ, được học, được tham gia các hoạt động của người lính mà phù hợp với tâm lí và lứa tuổi sức khỏe của các em. Ví dụ như các nội dung; nội vụ, hành quân, các động tác võ của quân đội…Bên cạnh đó các em được dạy thêm về kỹ năng sống, được tham gia các hoạt động dân vũ lễ hội, các hoạt động vì cộng đồng…

Có 40% thời lượng giáo dục cho các em về quốc phòng, 40% về kỹ năng sống và 20% liên quan đến các hoạt động vì cộng đồng.

Bài học vượt chướng ngại vật dành cho các em học sinh khi tham gia kỳ học quân đội
Bài học vượt chướng ngại vật dành cho các em học sinh khi tham gia kỳ học quân đội

PV: Chi phí mà các phụ huynh phải đóng cho con em mình khi đăng ký theo kỳ học quân đội như thế nào?

Ông Lê Anh Tuấn: Theo thông tư liên tịch của Ban Bí thư Trung ương Đoàn cũng quy định, cái này là tùy vào điều kiện nguồn lực. Ví dụ như ở Hà Nội, ở Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thanh niên Hà Nội thì 3 năm qua thực sự là trung tâm phải thu phí, 3,5 triệu một em đi trong 7 ngày. Đây có thể nói là mức phí rẻ nhất toàn quốc. Nhưng có những tỉnh thành khác thu ít hơn bởi vì họ có nguồn hỗ trợ ngân sách của địa phương. Cái này là thu để cân đối bù chi bởi đây là mô hình Đoàn Thanh niên làm ra để mong muốn đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho các em nhưng rõ ràng là phải có kinh phí mới thực hiện được. Phải nhấn mạnh, việc thu là để bù chi chứ không phải là thu vì mục đích lợi nhuận.

PV: Ông đánh giá sao về quan điểm có thể cho đóng tiền để thay đi nghĩa vụ quân sự như báo chí nêu mới đây?

Ông Lê Anh Tuấn: Theo quan điểm cá nhân tôi, học kỳ quân đội của các em học sinh và chương trình nhập ngũ theo quy định của nhà nước là hoàn toàn khác nhau. Mục đích của học kỳ quân đội là mang tính giáo dục, giúp các em có trải nghiệm thực tiễn, hiểu thêm thôi. Còn luật đi nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ của thanh niên Việt Nam, đi để rèn luyện, góp phần bảo vệ tổ quốc.

Cá nhân tôi cho rằng, cái gì cũng có điểm lợi và không lợi nhưng rõ ràng việc chúng ta đảm bảo được số lượng quân nhân luôn sẵn sàng chiến đấu là vấn đề quan trọng sống còn của đất nước. Nếu có ý kiến cho đóng tiền để thay đi nghĩa vụ, tôi nghĩa rằng các nhà lập pháp sẽ phải nghiên cứu rất kỹ, trong vấn đề đảm bảo mọi người dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ tổ quốc. Tránh việc có người phải đi, có người không phải đi, sẽ tạo ra phản ứng trái chiều trong xã hội.

Các em học sinh đang luyện tập thể dục, thể thao trong kỳ học quân đội
Các em học sinh đang luyện tập thể dục, thể thao trong kỳ học quân đội 

PV: Theo ông, thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự có lợi ích gì?

Ông Lê Anh Tuấn: Giờ đi nghĩa vụ có thời hạn ngắn, có phải chúng ta đi cả đời đâu, trừ quân nhân chuyên nghiệp. Tôi cho rằng, đi nghĩa vụ quân sự ngoài là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam tham gia góp phần bảo vệ tổ quốc. Ngoài ra, quân đội là môi trường rèn luyện rất tốt. Những quân nhân sau khi trở về rõ ràng là có độ trưởng thành, chín chắn và họ được rèn luyện, tích lũy thêm rất nhiều thứ mà có thể trong cuộc sống bình thường không có được. Bởi vậy nên có thực tế là các đơn vị, xí nghiệp cũng rất thích tuyển dụng những người đã từng là quân nhân. Như vậy đó là những lợi ích cho bản thân, mà thời gian 1 năm rưỡi không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống, tương lai của một con người.

PV: Nhiều bạn trẻ ngày nay có vẻ "ngại" tham nghĩa vụ quân sự vì cho rằng, đi nghĩa vụ là mất thời gian, trở về bị lạc hâu, cùn nghề… Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Ông Lê Anh Tuấn: Dưới góc độ là đơn vị đào tạo kỹ năng, tôi thấy môi trường quân đội là môi trường giáo dục rất tốt. Có đồng chí nguyên là lãnh đạo Thành đoàn đã từng phát biểu là “môi trường quân đội là trường đại học Havard dành cho giới trẻ, các bạn trẻ nên được trải nghiệm qua môi trường này”.

Theo tôi cái đó không phải là phát biểu cho hay đâu mà điều đó là thực tiễn. Khi chúng tôi làm kỹ năng, đặc biệt chỉ là mô hình nho nhỏ học kỳ quân đội đã thấy rằng, qua môi trường đó các em trưởng thành lên rất nhiều. Nhiều em từ bỡ ngỡ, rụt rè, nhút nhát, qua 7 ngày mà cũng chỉ là 7 ngày “cưỡi ngựa xem hoa” thôi nhưng rõ ràng là các em đã bản lĩnh hơn, tự tin hơn, hòa đồng hơn.

Nếu các em có thời gian sinh hoạt dài hơn, theo quy định có thể khắt khe hơn, chắc chắn các em sẽ vững vàng lên rất nhiều. Do đó tôi cho rằng, quân đội là môi trường rất tốt để rèn dũa con người, các bạn trẻ không phải e dè, lo ngại./.

Xin cảm ơn anh!
 

VIẾT CƯỜNG