Một loạt động thái quân sự mới nhất của Nga

21/09/2014 09:48
Việt Dũng
(GDVN) - Trước sự trừng phạt của Mỹ vàphương Tây, Nga sẽ hợp tác với Trung Quốc phát triển vệ tinh dẫn đường, tăng cường phòng thủ hạt nhân-vũ trụ, phát triển hải quân.

Tạm thời không từ chối sử dụng linh kiện Trung, Hàn

Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 19 tháng 9 dẫn mạng rusnews cho biết, nhà phát triển vệ tinh dẫn đường GLONASS Grigory Stupak cho biết, khi sản xuất vệ tinh dẫn đường GLONASS tạm thời không thể từ chối linh kiện của “tất cả các nước”.

Vệ tinh dẫn đường GLONASS Nga (ảnh tư liệu)
Vệ tinh dẫn đường GLONASS Nga (ảnh tư liệu)

Hệ thống dẫn đường toàn cầu Nga (GLONASS) tương tự GPS Mỹ, GLONASS hiện thua kém hệ thống GPS về độ chính xác khi định vị.

Cơ quan hàng không vũ trụ Liên bang Nga cam kết, năm 2014, độ chính xác của GLONASS trong lãnh thổ Nga có thể đạt 1 m. Như vậy, tham số này của GLONASS sẽ có thể ngang hàng với GPS.

Grigory Stupak cho biết, thay thế nhập khẩu sẽ liên quan đến sửa đổi tài liệu kết cấu. Hiện nay, trong tình hình cá biệt, Nga chưa thực sự sẵn sàng cho việc từ bỏ hoàn toàn linh kiện nước ngoài. “Đương nhiên, linh kiện thiếu cần được bổ sung bởi nhà cung ứng đáng tin cậy” – ông nhấn mạnh.

Tổng giám đốc Công ty tên lửa đẩy và hàng không vũ trụ liên hợp, Igor Komarov cho rằng, trong điều kiện bị phương Tây trừng phạt, Nga sẽ đặt mua sản phẩm vi điện tử và máy tiện của các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc để phục vụ cho thiết bị kỹ thuật hàng không vũ trụ, tên lửa đẩy.

Hợp tác với Trung Quốc

Tờ “Izvestia” Nga ngày 18 tháng 9 tiết lộ, hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trên lĩnh vực dẫn đường vệ tinh đang tiếp tục được tăng cường.

Ngoài quyết định thiết lập trạm mặt đất hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu và GLONASS ở lãnh thổ đối phương, Trung Quốc và Nga còn có kế hoạch hình thành không gian dẫn đường thống nhất trong những năm tới.

Theo bài báo, căn cứ vào kết quả tham vấn giữa đại diện hai nước vào mùa hè năm nay, hiện nay đã bắt đầu hội đàm tiêu chuẩn hóa thống nhất thiết bị hệ thống dẫn đường vệ tinh GLONASS của Nga và Bắc Đẩu của Trung Quốc.

Trung Quốc phát triển hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu (ảnh tư liệu minh họa)
Trung Quốc phát triển hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu (ảnh tư liệu minh họa)

Nhà lãnh đạo chương trình quốc tế hệ thống dẫn đường GLONASS Bondarenko cho biết: “Tư tưởng chính hợp tác với Trung Quốc là hình thành không gian dẫn đường thống nhất từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Đối tác Trung Quốc rất quan tâm đối với vấn đề này”.

Ông tiết lộ, Trung Quốc bày tỏ quan tâm tới hệ thống phản ứng khẩn cấp GLONASS triển khai ở lãnh thổ Nga, hệ thống này có thể tự động phát tín hiệu SOS trên xe gặp nạn và có thể thực hiện dịch vụ xử lý thông tin tầm xa. Hệ thống này sẽ đưa vào hoạt động ở các nước Liên minh thuế quan vào năm 2015.

Phó tổng giám đốc chương trình quốc tế hệ thống dẫn đường GLONASS, Belenko cho biết, hiện nay, châu Âu và Nga có hệ thống thông tin dẫn đường an toàn vận tải phối hợp với nhau. Ở Nga là GLONASS, ở châu Âu là hệ thống gọi khẩn cấp (eCall).

Kazakhstan cũng đang xây dựng hệ thống của họ, nếu Trung Quốc xây dựng được hệ thống mới tương thích về công nghệ, thì hứa hẹn phát triển được không gian an ninh thống nhất từ châu Âu đến Trung Quốc. Chúng có thể hỗ trợ nhanh chóng cho xe gặp sự cố nhằm giảm hậu quả khi xảy ra sự cố giao thông.

Belenko đồng thời nhấn mạnh, Nga sẽ còn tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực vi điện tử. Nga tạm thời không từ chối tất cả linh kiện của nước ngoài. Nhà lãnh đạo Viện nghiên cứu chính sách hàng không vũ trụ Nga, Moiseev cho biết, kết hợp khả năng của GLONASS và Bắc Đẩu có thể cải thiện rất lớn tính năng của đầu cuối định vị, bởi vì số lượng vệ tinh dẫn đường càng nhiều, tọa độ càng chính xác.

Đài tiếng nói nước Nga ngày 18 tháng 9 cho rằng, về công nghệ, hai hệ thống vệ tinh của Nga-Trung kết hợp sẽ tăng thêm “sức mạnh”, GLONASS chủ yếu phủ sóng khu vực địa cực, phạm vi phủ sóng của Bắc Đẩu lệch sang khu vực vĩ độ thấp. Nếu sử dụng thể chế dẫn đường liên hợp sẽ là hệ thống dẫn đường lý tưởng nhất trên phạm vi toàn cầu.

Chuyên gia Nga cho rằng, Nga-Trung dựa vào tính tương thích công nghệ của hệ thống, bảo đảm cho khách hàng có thể sử dụng tín hiệu dẫn đường của hai nước, độ tin cậy cũng sẽ cao hơn. Trong khi đó, sự trừng phạt của Mỹ, về khách quan, cũng đã thúc đẩy hợp tác Nga-Trung trong lĩnh vực này.

Theo bài báo, Trung Quốc có thái độ rất tích cực trong hợp tác, bởi vì Trung Quốc có kế hoạch trong vài năm tới mở rộng dịch vụ mang tính khu vực của hệ thống Bắc Đẩu tới toàn cầu.

Tăng cường sức mạnh phòng thủ hạt nhân và vũ trụ

Trang mạng “Spacewar Australia” ngày 10 tháng 9 dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Rogozin ngày 10 tháng 9 cho biết: Để ứng phó với kế hoạch “tấn công nhanh toàn cầu” của Mỹ, Nga sẽ nâng cấp lực lượng hạt nhân và lực lượng phòng thủ vũ trụ.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-20V Nga (ảnh tư liệu)
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-20V Nga (ảnh tư liệu)

Mục đích của kế hoạch “tấn công nhanh toàn cầu” Mỹ là tấn công bất cứ mục tiêu nào trên toàn cầu trong vòng 1 giờ. Hãng Interfax dẫn lời ông Rogozin cho biết: “Căn cứ vào kế hoạch đã xác định của chúng tôi, phương pháp ứng phó với chiến lược tấn công nhanh toàn cầu của chúng tôi là nâng cao nguồn lực và sức mạnh hạt nhân chiến lược của chúng tôi – lực lượng tên lửa chiến lược và hải quân, đồng thời phát triển lực lượng phòng thủ trên không-vũ trụ”.

Phát biểu này được đưa ra sau hội nghị về chi tiêu quốc phòng của Chính phủ Nga do Tổng thống Putin triệu tập, tại hội nghị, ông chỉ trích các nước phương Tây gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine, mục đích là “phục hưng NATO”.

Ông Putin đã sử dụng từ ngữ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ông cho rằng “mối đe dọa mới xuất hiện” bao gồm: Quân đội NATO triển khai ở Đông Âu, Mỹ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu và Alaska cùng với kế hoạch nghiên cứu phát triển “tấn công nhanh toàn cầu”.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov ngày 10 tháng 9 cho biết, Nga có thể sẽ buộc phải phát triển công nghệ để đối phó vũ khí mới, nhưng ông nhấn mạnh, đây là hành động mang tính phòng ngự.

Bắt đầu sản xuất hàng loạt UAV hạng nặng vào năm 2017

Tờ “Jane’s Defense Weekly” Anh ngày 18 tháng 9 đưa tin, ngày 16 tháng 9 tại hội nghị công nghiệp quân sự tổ chức ở thành phố Krasnoarmeysk – khu vực lân cận Moscow, Phó chủ tịch Ủy ban công nghiệp quân sự Nga, Bakarev cho biết, Nga sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay không người lái vào năm 2017.

Máy bay không người lái Nga tại một cuộc triển lãm (ảnh tư liệu)
Máy bay không người lái Nga tại một cuộc triển lãm (ảnh tư liệu)

Ông Bakarev cho biết, trong kế hoạch mua sắm quốc phòng Nga gồm có mua người máy, máy bay không người lái hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng, máy bay tác chiến không người lái. Hiện nay, Nga đang triển khai công tác nghiên cứu phát triển.

Theo kế hoạch, Quân đội Nga sẽ tiếp nhận máy bay không người lái sản xuất hàng loạt vào năm 2017-2018. Nhưng, sự phát triển trang bị người máy trên mặt đất và trên biển hoàn toàn không lạc quan, hoàn toàn không như đã giành đột phá về máy bay không người lái.

Hội nghị quân sự là một sự khởi đầu tốt. Điều này rất quan trọng đối với tiêu chuẩn hóa tối đa phương án giải quyết kỹ thuật, giảm chi phí chu kỳ tuổi thọ rất quan trọng.

Trước đây có tin cho biết, Nga có kế hoạch vào năm 2018 lần đầu tiên bay thử máy bay tác chiến không người lái nặng 20 tấn. Năm 2011, Công ty Sukhoi đã giành được một hợp đồng, nghiên cứu phát triển loại máy bay không người lái này.

Phó chủ tịch Quỹ nghiên cứu các chương trình tiên tiến Nga (Advanced Investigations Fund, AIF), một tổ chức có chức năng tương tự Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA), cho biết, Nga sẽ nhanh chóng thử nghiệm bãi thử chuyên dụng chế tạo máy bay không người lái, nhưng ông hoàn toàn không chỉ rõ thời gian thực hiện kế hoạch.

Sẽ bắn thử tên lửa Bulava lần hai vào tháng 10

Hãng ITAR-TASS ngày 17 tháng 9 đưa tin, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov tuyên bố, Nga sẽ tiếp tục bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava vào tháng 10 năm nay, đồng thời đây cũng là lần bắn thử thứ hai loại tên lửa này trong năm 2014.

Nga bắn thử tên lửa Bulava từ tàu ngầm Yuri Dolgorukiy (ảnh tư liệu)
Nga bắn thử tên lửa Bulava từ tàu ngầm Yuri Dolgorukiy (ảnh tư liệu)

Ông Borisov cho biết, Nga đã hoàn thành bắn thử lần thứ nhất và sẽ nhanh chóng bắn thử lần thứ hai. Nhưng ông hoàn toàn không cho biết rõ lần bắn thử này sẽ tiến hành ở tàu ngầm nào.

Ngày 10 tháng 9 năm 2014, tàu ngầm hạt nhân Vladimir Monomakh đã bắn thử thành công lần đầu tiên tên lửa Bulava ở Biển Trắng (White Sea) trong năm nay. Do vào tháng 9 năm 2013 tên lửa Bulava bắn thử thất bại, Nga quyết định sẽ tiến hành thêm 5 lần bắn thử.

Nga biên chế tàu ngầm Novorossiysk cho Hạm đội Biển Đen

Hãng RIA Novosti ngày 17 tháng 9 đưa tin, chiếc tàu ngầm diesel-điện Novorossiysk lớp Varshavyanka đã gia nhập Hạm đội Biển Đen. Tàu ngầm này hiện vẫn đậu ở nhà máy đóng tàu tại St. Petersburg, sau khi Hạm đội Phương Bắc hoàn thành kiểm tra cuối cùng, sẽ đến cảng Novorossiysk của Biển Đen.

Bộ Quốc phòng Nga đã đặt mua 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Varshavyanka, tàu ngầm này được Hải quân Mỹ gọi là “lỗ đen đại dương”, do nó hầu như không bị phát hiện khi lặn.

Tàu ngầm lớp này chủ yếu dùng để thực hiện nhiệm vụ chống hạm và săn ngầm ở vùng biển tương đối nông, mang theo 52 thủy thủ, tốc độ lặn là 20 hải lý/giờ, phạm vi tuần tra là 400 dặm Anh, khả năng chạy liên tục là 45 ngày.

Lễ thượng cờ tàu ngầm diesel-điện Novorossiysk ngày 22 tháng 8 năm 2014
Lễ thượng cờ tàu ngầm diesel-điện Novorossiysk ngày 22 tháng 8 năm 2014

Tàu ngầm Novorossiysk bắt đầu chế tạo từ tháng 8 năm 2010. Ngay từ tháng 9 năm 2014, Hải quân Nga tiết lộ, có 2 tàu ngầm diesel-điện của chương trình 636.3, Novorossiysk và Rostov-on-Don sẽ gia nhập Hạm đội Biển Đen vào trước cuối năm 2014. Toàn bộ công tác chế tạo 6 tàu ngầm sẽ hoàn thành trước năm 2016.

Cam kết hỗ trợ lớn cho các doanh nghiệp công nghiệp quân sự

Tờ “Jane’s Defense Weekly” Anh ngày 15 tháng 9 đưa tin, để đảm bảo kế hoạch hiện đại hóa quân sự quốc gia tiếp tục thúc đẩy, Chính phủ Nga ngày 15 tháng 9 đã đưa ra cam kết hỗ trợ nhà nước đối với 7 doanh nghiệp quốc phòng, cam kết cung cấp tổng cộng 12,12 tỷ rúp (320 triệu USD).

7 doanh nghiệp này cụ thể là: Công ty tên lửa chiến thuật, Công ty Almaz-Antey, Nhà máy đóng tàu Yantar, Nhà máy đóng tàu Sredne-Nevsky cùng với 2 nhà cung ứng công nghệ chỉ huy kiểm soát.

Cam kết này có thời hạn 5 năm, sẽ bảo đảm khả năng cung ứng liên tục của các công ty cho đơn đặt hàng quốc phòng nhà nước, trong khi đó, những công ty này đều là nhà cung ứng quan trọng trong kế hoạch quân bị quốc gia trước năm 2020 phục vụ cho nâng cấp và hiện đại hóa năng lực quốc phòng của Nga.

Chính phủ Nga tuyên bố, năm 2014 sẽ cung cấp cam kết nhà nước trị giá 496,9 tỷ rúp (khoảng 13 tỷ USD), trong đó 435,35 tỷ rúp (11,4 tỷ USD) đã cung cấp cho các công ty quốc phòng. Mặc dù sự hỗ trợ của Nga đối với công nghiệp quốc phòng không phải là việc mới, nhưng cùng với thu nhập xuất khẩu liên tục gặp khó khăn, Chính phủ Nga vẫn tăng sự hỗ trợ tài chính liên quan.

Tên lửa phòng không S-400 Nga (ảnh tư liệu minh họa)
Tên lửa phòng không S-400 Nga (ảnh tư liệu minh họa)

Công ty Almaz-Antey là nhà chế tạo hệ thống tên lửa phòng không và là mục tiêu trừng phạt chủ yếu của phương Tây, tuy đã giành được đơn đặt hàng mua sắm chính phủ liên tục, nhưng vẫn rất khó khăn trong mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tương tự, các công ty con của nhà máy đóng tàu liên hợp như nhà máy đóng tàu Yantar ở Kaliningrad và nhà máy đóng tàu Sredne-Nevsky ở St. Petersburg cũng đã bị Chính phủ Mỹ trừng phạt.

Các sản phẩm bị trừng phạt bao gồm tàu tuần tra, tàu săn ngầm, tàu cá kéo lưới và tàu chở hàng của nhà máy Yantar, tàu tìm kiếm cứu nạn, tàu song thể, tàu chống thủy lôi và tàu tên lửa của nhà máy đóng tàu Sredne-Nevsky.

Tuy nhà máy đóng tàu liên hợp chưa bị EU đưa vào danh sách đen, nhưng có tin cho biết, công ty này sẽ bị EU, Mỹ và các nước khác cùng ngăn chặn. Ngoài ra, đối mặt với sự trừng phạt của Âu-Mỹ và Canada, Chính phủ Nga cũng sẽ rót vốn cho công ty Rosneft Oil và công ty Novatek.

Việt Dũng