Mức lương cơ sở cho giáo viên sắp tăng lên 1,59 triệu đồng/tháng?

13/04/2019 06:11
BÙI NAM
(GDVN) - Dự kiến, từ 1/7/2020 mức lương cơ sở cho mọi đối tượng công chức, viên chức trong đó có giáo viên sẽ tiếp tục tăng lên 7% vào khoảng 1,59 triệu đồng/tháng.

Trước đó Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức và dự kiến áp dụng từ ngày 01/01/2020 trong đó có nội dung trả lương theo vị trí việc làm, dự kiến từ 01/01/2020 sẽ trả lương của giáo viên theo vị trí.

Để có sự chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng trong việc chuyển xếp lương theo vị trí việc làm,  trong sáng  ngày 14/3, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công - đã chủ trì phiên họp để rà soát, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, từ nay tới hết năm 2020, Chính phủ vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lương cơ bản 7%/năm theo Nghị quyết của Quốc hội.

Từ năm 2021 trở đi, sẽ cải cách căn bản chính sách tiền lương mà nội hàm bao gồm trong khu vực hành chính nhà nước (trả lương theo vi trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo), trong khu vực doanh nghiệp thì thực hiện ngang bằng nhau với khối doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước (loại trừ lương người đại diện chủ sở hữu, người làm công tác quản lý).

Như vậy, từ ngày 1/7/2019 sau khi đã quyết định tăng mức lương cơ sở cho công chức, viên chức từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng.

Dự kiến, từ 1/7/2020 mức lương cơ sở cho mọi đối tượng công chức, viên chức trong đó có giáo viên sẽ tiếp tục tăng lên 7% vào khoảng 1,59 triệu đồng/tháng.

Kể từ 01/01/2021 công chức, viên chức sẽ chính thức hưởng lương theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo bãi bỏ mức lương cơ sở và một số phụ cấp như phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do đã đưa vào bảng lương chức vụ), bãi bỏ phụ cấp thâm niên và một số khoản phụ cấp, trợ cấp khác,…cơ bản chỉ còn một số ít phụ cấp đặc thù cho giáo dục, y tế,…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về việc chuẩn bị cho việc trả lương theo vị trí việc làm từ năm 2021, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng các chức danh lãnh đạo từ trung ương tới cơ sở và phân loại tương đương các chức danh trong hệ thống chính trị để Bộ Chính trị sớm trình Trung ương cho ý kiến vào cuối năm nay.

Về nguồn lực chuẩn bị cho cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính và các địa phương tập trung các nguồn lực tài chính dành cho cải cách lương, kể cả nguồn vượt thu ngân sách trung ương và địa phương từ 2018 - 2020 để tăng lương, không để xảy ra tình trạng các địa phương xin dùng nguồn cải cách lương để chi cho việc khác.

Bên cạnh thực hiện tinh gọn bộ máy, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thì vẫn phải có nguồn tiền cụ thể mới thực hiện được cải cách lương.

Không thể để Nghị quyết Trung ương đặt ra yêu cầu mà không thực hiện được trong thực tiễn, hoặc điều chỉnh lương không đáng được bao nhiêu, không đáp ứng được kỳ vọng của công chức, viên chức và người lao động” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Như vậy phương án trả lương theo vị trí việc làm cho viên chức, công chức trong đó có giáo viên sẽ bắt đầu được thực hiện từ 01/01/2021 theo đúng lộ trình theo tinh thần nghị quyết 27 của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội, hy vọng việc xây dựng thang, bảng lương mới dành cho giáo viên sẽ có sự cải thiện đáng kể, phù hợp để tôn vinh giáo viên tương xứng với vị thế của nhà giáo trong giai đoạn hiện nay.

Hai phương án do Ban chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương trình ra Hội nghị trung ương 7:

Mức lương cơ sở cho giáo viên sắp tăng lên 1,59 triệu đồng/tháng? ảnh 2Cuộc đời bị lãng quên của những giáo viên hợp đồng ở Hà Nội

Phương án 1: quan hệ lương 1 - 2,34 - 10 hiện hành được mở rộng lên 1 - 2,68 - 12 từ năm 2021, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức trong bảng lương mới là 4,14 triệu đồng.

Mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng hệ số 2,34 - trình độ đại học hiện nay) là 5,96 triệu đồng (hiện nay chỉ hơn 3,25 triệu đồng).

Mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng với hệ số 10 hiện hành) là 26,7 triệu đồng (hiện nay chỉ 13,9 triệu đồng).

Phương án 2: quan hệ tiền lương 1 - 2,34 - 10 hiện hành được mở rộng lên 1 - 3 - 15 từ năm 2021, mức lương thấp nhất vẫn là 4,14 triệu đồng.

Chuyên viên bậc 1 sẽ có lương 6,68 triệu đồng, chuyên gia cao cấp bậc 3 sẽ nhận lương là 33,4 triệu đồng.

Nghĩa là lương chuyên viên bậc 1 tăng hơn gấp đôi, lương chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng gần gấp 3.

Trong cả 2 phương án thì mức lương thấp nhất của công chức, viên chức đều là 4,14 triệu đồng/tháng, đã cải thiện so với mức lương của công chức, viên chức hiện nay.

Chúng ta có quyền hy vọng từ năm 2021 trở đi, với sự lãnh đạo đúng đắn của lãnh đạo Đảng, Chính phủ chế độ lương sẽ có những chuyển biến rõ nét và công chức, viên chức trong đó có giáo viên có thể cơ bản sống được bằng lương, khi đó mọi giáo viên sẽ yên tâm công tác, cống hiến khi đó chất lượng và hiệu quả giáo dục sẽ nâng lên một tầm cao mới.

BÙI NAM