Ngày 16/8/2018, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 2165/TB-TTKQH về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 26, trong đó đề nghị Chính phủ chủ động tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tổng hợp ý kiến Nhân dân trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và cá nhân, kết quả đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp.
Có ý kiến cho rằng thang bảng lương của nhà giáo hiện nay chưa phản ánh đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) và Nghị quyết số 29-NQ/TW (Ảnh minh họa: Nguồn VTV) |
Theo đó, ngoài 11 vấn đề được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm lấy ý kiến Nhân dân, có nhiều ý kiến góp ý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp liên quan đến các quy định cụ thể của dự thảo Luật Giáo dục, trong đó tập trung vào một số nhóm vấn đề như chính sách tiền lương nhà giáo.
Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng vấn đề lương của nhà giáo cần thực hiện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhưng cũng cần đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, theo đó: “nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thang bảng lương của nhà giáo hiện nay chưa phản ánh đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) và Nghị quyết số 29-NQ/TW, theo đó lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị tiền lương của nhà giáo phải như lực lượng vũ trang.
Còn Công đoàn giáo dục các cấp đề nghị cần có chính sách tiền lương thỏa đáng, cao hơn các ngành nghề khác.
Do vấn đề chính sách tiền lương giáo viên còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Cụ thể, ngày 21/05/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Vì vậy, về chính sách tiền lương của nhà giáo Chính phủ xin giữ nguyên theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, cụ thể: Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Trước đó, như Báo Điện tử giáo dục Việt Nam thông tin, khi góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:
“Tôi đề xuất lương giáo viên được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Từ 01/01/2020, lương giáo viên sẽ được trả theo vị trí việc làm |
Nói rõ hơn về đề xuất của mình, Giáo sư Trần Hồng Quân phân tích, giáo dục có một sứ mệnh đặc biệt quan trọng, giáo dục là quốc sách hàng đầu nên không có lý do gì chúng ta không đặt ra điều này.
Giáo sư Quân nêu ví dụ, hiện nay Việt Nam có rất nhiều người giỏi ra nước ngoài rồi không về. Một trong những lý do họ đưa ra là khi làm việc trong nước lương thấp và điều kiện làm việc không làm họ phát triển được.
Do đó, khi có đãi ngộ đúng mức sẽ tạo được động lực, sức hấp dẫn của nghề giáo và lúc đó đương nhiên sẽ sàng lọc, lựa chọn được người thực sự giỏi vào ngành.
Tuy nhiên, khi có chế độ đãi ngộ như vậy thì tiêu chí đặt ra đối với nhà giáo sẽ cao hơn, buộc giáo viên luôn luôn phải nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất.
Hơn nữa, theo Giáo sư Trần Hồng Quân, nếu chúng ta có triết lý giáo dục tốt, định hướng tốt, mục tiêu đào tạo tốt…mà chế độ đãi ngộ không tốt thì làm sao tạo được động lực cho các thầy cô.
“Chúng ta đừng viển vông rằng cứ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý là đủ mà cần phải có thái độ của xã hội. Cụ thể là đãi ngộ đúng mức”, Giáo sư Quân chỉ rõ.
Tuy nhiên, thầy Quân cũng nêu ra rằng, khi đặt ra yêu cầu mức lương giáo viên ngang với lực lượng vũ trang thì xã hội sẽ đặt ra vấn đề ngân sách.
“Tại sao chúng ta không tính đến việc tiếp tục xã hội hóa, mở rộng thêm các trường ngoài công lập để gánh nặng bao cấp của nhà nước giảm đi”, Giáo sư Quân đề xuất.