Mường Tè: BHYT níu chân học sinh đến trường, giúp trẻ được về Hà Nội chữa trị

07/11/2021 06:50
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cha mẹ không chỉ yên tâm gửi con đến trường mà khi có bệnh tật gì có bảo hiểm y tế chi trả, với hộ nghèo còn có suất cơm ăn cho người đi trông bệnh.

Những ngày tháng 8/2021, cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên – Giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ (xã Pa Ủ, Mường Tè, Lai Châu) gác lại chuyến nghỉ hè bên gia đình của mình để đưa các cậu học trò có hoàn cảnh éo le ở Pa Ủ xuống Hà Nội chữa bệnh.

Bên cạnh kinh phí của những nhà hảo tâm gửi gắm, động viên, cả cô và trò đều yên tâm khi đã có Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám chữa bệnh.

Vàng Nhù Xa, người dân tộc La Hủ, 9 tuổi, đang học lớp 3 trường Tiểu học Pa Ủ. Vào mùa hè năm trước, trong một lần vào rừng hái măng không may bị trượt chân ngã khiến sống lưng đau nhức. Xa giấu nhẹm, không nói với bố và thầy cô.

Xa là con một. Mẹ em qua đời sau một trận ốm nặng, 2 bố con nương tựa vào nhau, dựng căn nhà vách nứa và cỏ tranh ở bản Chà Kế. Gia đình Xa thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Bố chỉ biết bám nương làm rẫy, nuôi thêm gà vịt để kiếm tiền sống qua ngày.

Sau cú ngã ấy, Nhù Xa đi học bằng cái lưng đau nhức. Trong lớp, Nhù Xa phải nằm bò ra bàn, thi thoảng đưa tay ra phía sau lưng xoa nhẹ. Có lần, em phải đứng cong người để viết bài, cố gắng hết sức ghi chép và lắng nghe bài giảng.

Nụ cười của Vàng Nhù Xa khi được phẫu thuật cột sống lưng thành công. Ảnh cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên

Nụ cười của Vàng Nhù Xa khi được phẫu thuật cột sống lưng thành công. Ảnh cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên

Từ ngày đau lưng, quãng đường của Nhù Xa đến trường phải mất gấp đôi thời gian, từ 2 tiếng lên 4 tiếng.

Đau nhức là vậy nhưng nhà nghèo, Xa chưa từng nghĩ sẽ đến bệnh viện khám, chữa bệnh. Trước giờ, 2 bố con chưa từng rời khỏi xã Pa Ủ.

Thương cậu học trò, Ban giám hiệu trường Tiểu học Pa Ủ quyết định đưa Xa đi khám bệnh. Kết quả chụp X-quang, các bác sĩ chẩn đoán cậu bé bị tổn thương xương sống số 4, 5, cần được phẫu thuật.

Cũng hoàn cảnh tương tự Nhù Xa, Phần Minh Đức (7 tuổi, học sinh lớp 1, trường Tiểu học Pa Ủ) sinh ra với cái chân dị tật quặt về một bên, từ nhỏ đến lớn Đức chưa từng đi những bước chân bình thường.

Sau khi thăm khám, Đức cũng được chỉ định làm phẫu thuật.

Được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm về tiền đi lại ăn ở, Vàng Nhù Xa và Phần Minh Đức được cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên đưa xuống Hà Nội khám và phẫu thuật.

Chuyến đi tháng 8 là một kỷ niệm đáng nhờ trong đời của cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên. Cô đưa các học trò xuống Hà Nội khám và phẫu thuật cho các em. Điều rất mừng là các em đã được phẫu thuật thành công và bệnh tình có tiến triển tốt.

Nhờ có bảo hiểm y tế học sinh, việc chi trả viện phí các gia đình không phải lo lắng.

Tổng chi phí mà Bảo hiểm y tế đã chi trả chữa bệnh cho Phầm Minh Đức và Vàng Nhù Xa lên đến gần 50 triệu đồng.

Sau cuộc phẫu thuật, Phần Minh Đức có thể có những bước chân bình thường như bao bạn khác. Ảnh cô giáo Khuyên cung cấp.

Sau cuộc phẫu thuật, Phần Minh Đức có thể có những bước chân bình thường như bao bạn khác. Ảnh cô giáo Khuyên cung cấp.

Số tiền quá lớn đối với gia đình các em, rất may đã được Bảo hiểm y tế chi trả, bên cạnh những tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ kinh phí đi lại ăn ở cho cô trò.

Thầy giáo Lò Văn Thại – Hiệu trưởng trường Phổ thông Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Tổng (xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu) cho biết, vì là vùng đặc biệt khó khăn, học sinh ở Tà Tổng được cấp phát bảo hiểm y tế miễn phí 100%.

Nhà trường cũng đã tuyên truyền về lợi ích về bảo hiểm y tế cho học sinh cho các phụ huynh nên họ yên tâm cho con đến trường bởi khi con cái đau ốm, chi phí khám chữa bệnh của con em họ đã được Bảo hiểm y tế chi trả.

Không những vậy, đối với những gia đình hộ nghèo còn được cấp phát bữa cơm ăn miễn phí cho người nhà đi trông các em nếu có đau ốm.

Cha mẹ yên tâm gửi con đến trường mà khi có bệnh tật gì có bảo hiểm y tế chi trả. Ảnh: T.P

Cha mẹ yên tâm gửi con đến trường mà khi có bệnh tật gì có bảo hiểm y tế chi trả. Ảnh: T.P

Có thể nói, Bảo hiểm Y tế học sinh đã và đang góp phần giữ chân các em học sinh ở lại trường bán trú.

Ông Tống Văn Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết, ngành Giáo dục huyện xác định Bảo hiểm y tế học sinh là một trong những chính sách có ý nghĩa đặc biệt, vừa giáo dục thế hệ trẻ thể hiện trách nhiệm bản thân đối với cộng đồng xã hội, vừa là yêu cầu quan trọng để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho học sinh trên địa bàn.

Bảo hiểm y tế là phao cứu sinh cho trẻ em vùng cao khi ốm đau, bệnh tật.

Bảo hiểm y tế là phao cứu sinh cho trẻ em vùng cao khi ốm đau, bệnh tật.

Đặc biệt, Mường Tè là vùng khó khăn, xa xôi của đất nước. Chính vì vậy việc tuyên tuyền để học sinh tham gia bảo hiểm y tế được thực hiện đầy đủ.

Về số lượng tham gia bảo hiểm học sinh ở Mường Tè, ông Sơn cho biết, ở Mường Tè 100% học sinh đã tham gia bảo hiểm. Ngoài đối tượng đã được cấp phát miễn phí theo diện của nhà nước, các trường hợp phải mua bảo hiểm xã hội cũng đã tham gia đầy đủ.

Ảnh: T.P

Ảnh: T.P

Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đều có văn bản phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện để tuyên truyền phổ biến về bảo hiểm y tế học sinh tới từng trường học, trường học sẽ phổ biến đến từng gia đình nên tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế học sinh rất đầy đủ.

Huyện Mường Tè (Lai Châu) có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, có những dân tộc rất ít người như: Cống, Mảng, La Hủ, Si La.

Những năm gần đây, ngành giáo dục Mường Tè có nhiều khởi sắc, tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhiệm vụ “trồng người” trên mảnh đất biên cương Tổ quốc.

Toàn huyện có 37 trường với trên 14.500 học sinh các cấp học từ Mầm non đến Trung học cơ sở. Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè đã đặt ra mục tiêu: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn nơi có học sinh dân tộc La Hủ.

Trần Phương