Mỹ phải cứng rắn để Trung Quốc không "được voi đòi tiên"

Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, không đe dọa Nhật, Việt Nam, Philippines

08/08/2014 10:58
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan chủ yếu phòng thủ TQ, chứ không để hợp tác với TQ và đe dọa Nhật Bản, Việt Nam, Philippines vì Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đến trường quân sự West Point dự lễ tốt nghiệp năm 2014 (ảnh tư liệu)
Tổng thống Mỹ Barack Obama đến trường quân sự West Point dự lễ tốt nghiệp năm 2014 (ảnh tư liệu)
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc dẫn tờ "Want Daily" Đài Loan ngày 7 tháng 8 đăng bài viết của giáo sư Vương Côn Nghĩa, chủ tịch Viện chiến lược Đài Loan cho rằng, do biển Hoa Đông và Biển Đông luôn xuất hiện "tranh chấp" (do Trung Quốc cố tình gây ra), cho nên học giả Trung Quốc và Đài Loan đã có một số quan điểm kêu gọi hai bờ tiến hành hợp tác trên biển, cùng "bảo vệ an ninh ở biển Hoa Đông và Biển Đông".

Tuy nhiên, tham vọng của TQ đã bị Đài Bắc khước từ, năm 2012 Mã Anh Cửu từng tuyên bố "Sáng kiến hòa bình biển Hoa Đông", hy vọng các bên ở biển Hoa Đông và Biển Đông đều có thể "dùng biện pháp hòa bình để có được cục diện các bên cùng thắng".

Ngày 5 tháng 8 năm 2014 là tròn 2 năm Mã Anh Cửu tuyên bố "Sáng kiến hòa bình biển Hoa Đông", trải qua 2 năm, cựu Trưởng phòng đại diện Đài Bắc của Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT), hiện là phó chủ tịch Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie, Mỹ, Douglas Paal cho rằng, "Sáng kiến hòa bình biển Hoa Đông" là một cách làm rất tích cực, có thể chia sẻ tài nguyên trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, cho nên Đài Loan đã xây dựng "hình mẫu tốt" trong xử lý tranh chấp vùng biển.

Theo bài báo, trên thực tế, hai bờ eo biển Đài Loan nếu muốn tiến hành hợp tác trên biển, cùng "bảo vệ an ninh biển Hoa Đông và Biển Đông", thực ra tồn tại khó khăn rất lớn. Thông thường muốn bảo vệ cái gọi là "an ninh biển quốc gia", vấn đề thứ nhất là, chủ thể của nó chắc chắn phải xuất hiện với vai trò là "quốc gia"; vấn đề thứ hai là nguồn gốc của "vũ khí".

Douglas Paal - cựu Trưởng phòng đại diện Đài Bắc của Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT)
Douglas Paal - cựu Trưởng phòng đại diện Đài Bắc của Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT)

Lấy vấn đề thứ nhất để nói, nếu hai bờ muốn tiến hành "hợp tác trên biển", điều căn bản nhất là phải ký kết trước "cơ chế lòng tin quân sự", trong khi đó, chủ thể ký kết "cơ chế lòng tin quân sự" vốn xuất hiện với diện mạo "quốc gia", như vậy Đài Loan phải sử dụng chủ thể gì để ký kết cơ chế này với Trung Quốc? Phải chăng Đài Loan muốn TQ phải công nhận nền độc lập chính danh của mình?

Chủ thể của Đài Loan có thể lựa chọn là "quốc gia", "vùng/khu vực", "một bộ phận của Trung Quốc". Nhưng, lấy thân phận "quốc gia", ngoài Đảng Dân Tiến có thể chấp nhận, e rằng, Đảng Quốc Dân (Đài Loan) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Quốc) căn bản không thể chấp nhận.

Nếu xuất hiện với danh nghĩa "khu vực", ngoài Đảng Quốc Dân (Đài Loan) và Trung Quốc có thể chấp nhận, Đảng Dân Tiến (Đài Loan) chắc chắn sẽ phản đối đến cùng. Còn nếu sử dụng danh nghĩa "một bộ phận của Trung Quốc", ngoài Trung Quốc có thể chấp nhận, Đảng Quốc Dân và Đảng Dân Tiến (Đài Loan) đều sẽ phản đối đến cùng.

Cho nên, về chủ thể, hai bờ muốn tiến hành hợp tác biển có độ khó rất cao. Vì vậy, Mã Anh Cửu trước hết tuyên bố "Sáng kiến hòa bình biển Hoa Đông", thực ra là “tránh để hai bờ hợp tác trên biển”, trong tình hình vẫn chưa hợp tác, thì đã gây xôn xao dư luận, trái lại mất đi khả năng chiến đấu bảo vệ an ninh biển.

Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc, mua của Nga
Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc, mua của Nga

Ngoài ra, muốn tiến hành hợp tác biển, chắc chắn phải có vũ khí mang tính "đồng chất" mới có biện pháp hợp tác. Đối với Trung Quốc, tàu chiến mặt nước, tàu ngầm của họ phần lớn là "kiểu Nga" và khả năng chiến đấu trên biển do Trung Quốc tự phát triển. Điều này có sự khác biệt rất lớn với khả năng chiến đấu "kiểu Mỹ" của Đài Loan.

Vì vậy, hai bờ eo biển Đài Loan nếu muốn tiến hành hợp tác trên biển, trừ phi Mỹ sẵn sàng tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan hoặc Đài Loan đổi vũ khí, cũng mua của Nga, điều này e rằng Trung Quốc đều không thể đáp ứng. Từ đó có thể nhìn thấy, học giả có sự lãng mạn của học giả, nhưng nếu thực sự muốn biến lý tưởng thành hiện thực, thực ra là có độ khó rất lớn.

Douglas Paal còn cho rằng, Đài Loan có phòng vệ đầy đủ sẽ là lực lượng bảo đảm ổn định khu vực, nếu Đài Loan suy yếu trái lại sẽ trở thành nguồn gốc của căng thẳng và bất ổn. Vì vậy, Chính phủ Mỹ sẽ kiên trì tuân thủ cam kết cùng cấp đủ vũ khí phòng vệ cho Đài Loan. Chính sách bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ là để nhà cầm quyền Bắc Kinh hiểu rằng, Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò ở châu Á.

Douglas Paal đã nói rất rõ ràng, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan chủ yếu là để Đài Loan xây dựng lực lượng răn đe, phòng thủ, chứ không phải là để Đài Loan hợp tác với Trung Quốc, cùng tấn công Nhật Bản ở biển Hoa Đông hoặc tấn công Việt Nam và Philippines ở Biển Đông.

Máy bay cảnh báo sớm E-2K của Không quân Đài Loan (ảnh tư liệu miinh họa)
Máy bay cảnh báo sớm E-2K của Không quân Đài Loan (ảnh tư liệu miinh họa)

Đặc biệt là đối với Biển Đông, vị thế của Biển Đông được cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nói đến, Biển Đông thuộc vùng biển quốc tế, bất cứ kẻ nào phá hoại hòa bình Biển Đông đều là phá hoại lợi ích quốc gia của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng từng cho rằng, xâm chiếm Biển Đông chính là xâm chiếm (cái gọi là) "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. Có thể thấy, bất kể là biển Hoa Đông hay Biển Đông đều là nơi hai nước Trung Quốc và Mỹ tranh đoạt, Đài Loan căn bản không có cơ nhúng tay vào.

Huống hồ, tại lễ tốt nghiệp trường quân sự West Point năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mạnh mẽ phê phán Trung Quốc, đồng thời tuyên bố không ngại khai chiến với Trung Quốc. Gần đây, ông trả lời phỏng vấn tờ "The Economist" Anh cho rằng: "Trung Quốc nếu không tuân thủ quy tắc, Mỹ chắc chắn sẽ ứng phó cứng rắn, nếu không Trung Quốc sẽ được voi đòi tiên".

Bởi vậy có thể thấy được, vấn đề của biển Hoa Đông và Biển Đông đều là cuộc đọ sức giữa Mỹ-Trung Quốc, Đài Loan làm sao có quyền lựa chọn tiến hành hợp tác an ninh biển với Trung Quốc.

Mỹ triển khai máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey ở Nhật Bản (ảnh tư liệu minh họa)
Mỹ triển khai máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey ở Nhật Bản (ảnh tư liệu minh họa)
Đông Bình