Mỹ chế tên lửa chống hạm tầm bắn 1.000 km chống TQ, Iran

21/03/2014 12:59
Việt Dũng
(GDVN) - DARPA đã dành hợp đồng phát triển LRASM trị giá 17 triệu USD với thời hạn 2 năm cho Công ty Lockheed Martin, hỗ trợ đẩy nhanh phát triển loại tên lửa này.
Tên lửa chống hạm tầm xa LRASM Mỹ (tưởng tượng)
Tên lửa chống hạm tầm xa LRASM Mỹ (tưởng tượng)

Tờ "USA Today" Mỹ ngày 18 tháng 3 đưa tin, để đáp trả có hiệu quả đối với khả năng "chống can dự/ngăn chặn khu vực" của các nước Trung Quốc, Iran, Bộ Quốc phòng Mỹ đang đẩy nhanh nghiên cứu chế tạo tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) để, từ cự ly xa hơn, có thể tấn công hạm đội mặt nước và phương tiện phóng tên lửa chống hạm của các đối thủ.

Theo bài báo, Cơ quan chương trình nghiên cứu cao cấp quốc phòng Mỹ (DARPA) đã dành hợp đồng phát triển LRASM trị giá 17 triệu USD với thời hạn 2 năm cho Công ty Lockheed Martin, để hỗ trợ cho chương trình tên lửa bắt đầu từ năm 2009 này.

Trong tháng 3, chính phủ Mỹ còn thông qua một hợp đồng mua sắm quốc phòng trị giá 353 triệu USD khác, mua 224 quả tên lửa không đối diện liên hợp (JASSM) của công ty Lockheed Martin, nó sử dụng công nghệ tương đồng với LRASM, đều dùng để đối phó với lực lượng "chống can dự/ngăn chặn khu vực" của đối thủ.

Theo bài báo, DARPA đã hai lần thành công bắn thử LRASM vào tháng 8 và tháng 11 năm 2013, dự kiến hoàn thành công việc nghiên cứu phát triển vào năm tài khóa 2016, đến năm 2018 triển khai cho máy bay ném bom chiến lược B-1B và máy bay chiến đấu tấn công F/A-18.

Mô phỏng tên lửa chống hạm tầm xa LRASM tấn công
Mô phỏng tên lửa chống hạm tầm xa LRASM tấn công

Tài liệu của DARPA cho biết, chương trình LRASM do hãng Lockheed Martin đảm nhiệm có thể còn cần số vốn đầu tư 132 triệu USD và thời gian 60 tháng phát triển. Quan chức DARPA tiết lộ, tên lửa LRASM có khả năng tấn công tầm xa đường không, có thể giảm rõ rệt rủi ro bị tổn thất cho lực lượng tác chiến liên hợp khi đối mặt với hỏa lực địch trong thời chiến.

Ngoài ra, theo tờ "Popular Mechanics" Mỹ, bị ảnh hưởng bởi việc Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng, chương trình LRASM thực ra đã thu hẹp lớn, từ kế hoạch phát triển 2 loại siêu âm và cận âm ban đầu, đã chuyển sang chỉ còn phát triển phiên bản cận âm, áp dụng công nghệ tàng hình, giai đoạn hiện nay chỉ xem xét phóng bằng đường không.

Để giảm tối đa chi phí phát triển, Công ty Lockheed Martin đã cung cấp rất nhiều công nghệ sản phẩm hoàn thiện cho LRASM, từ đó đã đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, trong đó công nghệ đến từ tên lửa không đối diện liên hợp kiểu tăng tầm phóng là nhiều nhất, đến mức, về ngoại hình, cả hai cũng có chỗ giống nhau rất lớn.

LRASM áp dụng rất nhiều vật liệu composite, có thể giảm mạnh bức xạ radar của tên lửa, tăng cường tính tàng hình, từ đó nâng cao khả năng đột phá phòng không, đồng thời nó cũng đã tăng thêm hệ thống con và bộ cảm biến bổ sung, để thực hiện tuần tra cận âm tàng hình có khả năng sống sót khá mạnh, tấn công mục tiêu được bảo vệ bởi hệ thống phòng không mạnh.

Do sử dụng động cơ mới và đã mở rộng dung tích của thùng nhiên liệu trong thân đạn, tầm bắn sẽ trên 1.000 km.

Trạng thái ngắm chuẩn để bắn của tên lửa chống hạm tầm xa LRASM Mỹ (tưởng tượng)
Trạng thái ngắm chuẩn để bắn của tên lửa chống hạm tầm xa LRASM Mỹ (tưởng tượng)

Người phụ trách chương trình của hãng Lockheed Martin là Tors cho biết, dòng tên lửa LRASM sẽ có tính tấn công chí tử chính xác và tầm bắn khác thường, có thể hoạt động bình thường trong bất cứ môi trường tác chiến nào, tùy ý chọc thủng hệ thống phòng thủ của tàu địch, đồng thời nâng cao khả năng sát thương chính xác ở khu vực tác chiến bị ngăn chặn.

Việt Dũng