"Mỹ, EU đang thắt chặt thòng lọng xung quanh Nga"

07/03/2014 09:12
Nguyễn Hường
(GDVN) - Cuộc khủng hoảng tại Ukraina được xem là sự báo trước về sự nổi lên của kỷ nguyên ngoại giao năng lượng mới của Mỹ.
Washington Post ngày 6/3 bình luận, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang từng bước thắt chặt thòng lọng xung quanh Nga khi đồng ý chi thêm tiền viện trợ cho Ukraine, cử quan sát viên quốc tế, áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow và điều thêm các máy bay tới khu vực.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tổ chức cuộc hội đàm đầu tiên với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov kể từ khi các cuộc biểu tình đường phố ở Kiev dẫn tới vụ lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych. Không có tiến bộ nào đạt được sau cuộc đối thoại, nhưng hai nhà ngoại giao Nga-Mỹ cùng đồng ý sẽ tiếp tục hội đàm. 
Phiên họp của Hội đồng Nga-NATO tại Brussels được một nhà ngoại giao liên minh mô tả là "căng thẳng", trong đó NATO lên án Moscow vi phạm luật pháp quốc tế ở Crimea và tạo ra cớ để biện minh cho hành động của mình.
Ngay sau đó, EU đã chấp thuận sơ bộ về gói viện trợ trị giá 15 tỷ USD cho Ukraine trong vài năm tới, trong khi Mỹ đồng ý cho vay 1 tỷ USD. Các gói này được cho là sẽ giúp Kiev cải cách kinh tế trong bối cảnh  ước tính Ukraine sẽ cần tới 35 tỷ USD cứu trợ quốc tế trong hai năm tới.

Nhưng cuộc khủng hoảng tại Ukraina được xem là sự báo trước về sự nổi lên của kỷ nguyên ngoại giao năng lượng mới của Mỹ. Chính quyền Obama dường như đang tìm cách mở rộng thị trường khí đốt tự nhiên của mình như một vũ khí để giảm bớt ảnh hưởng của Nga tại Ukraine và châu Âu.

Chính quyền Obama dường như đang tìm cách mở rộng thị trường khí đốt tự nhiên
 Chính quyền Obama dường như đang tìm cách mở rộng thị trường khí đốt tự nhiên

Nga là nguồn cung cấp hơn 60% khí đốt tự nhiên cho Ukraina. Tuy nhiên tuần này tập đoàn khí đốt tự nhiên khổng lồ của Nga Gazprom tuyên bố sẽ ngừng giảm giá bán cho Kiev và ráo riết đòi các khoản nợ cũ mà Ukraine hiện không có khả năng chi trả. 

Động thái này dự kiến sẽ khiến chính phủ Kiev mới phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng mà còn đe dọa ảnh hưởng tới các quốc gia châu Âu khác đang ủng hộ Ukraine.

Đối với Nga, nguồn cung cấp năng lượng là để giữ cho các cựu thành viên của Liên Xô không chạy xa khỏi vòng ảnh hưởng của mình. Ngoài ra, Nga không muốn để "tuột" mất Ukraina bởi Moscow cũng phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt của nước này để cung cấp cho các đối tác khác tại Đông Âu. Khoảng 80% khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga sang châu Âu đi qua Ukraine. 
David Dalton, biên tập viên của Economist Intelligence Unit, cho biết: "Nga đã luôn luôn sử dụng khí đốt như một công cụ ảnh hưởng. Càng có nhiều người nợ Gazprom, họ càng nghĩ rằng họ có thể xiết chặt vòng kiềm tỏa".

Trước tình thế đó, Mỹ đã tích cực tiến hành các bước đi ngăn cản hoạt động bá chủ của Nga trong thị trường khí đốt tự nhiên. Mặc dù Nga là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng Mỹ gần đây đã vượt qua Nga trở thành nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.  

Mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của Nga băng qua Ukraine tới các nước Đông Âu.
Mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của Nga băng qua Ukraine tới các nước Đông Âu.
Trong tuần qua, các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn như ExxonMobil đã đôn đốc chính quyền Obama tăng tốc độ xuất khẩu dầu và khí tự nhiên, mặc dù Mỹ chưa từng xuất khẩu khí đốt. Nhưng Bộ Năng lượng Mỹ đã bắt đầu cấp giấy phép xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ năm 2015. Các công ty xuất khẩu khí đốt cũng ráo riết xây dựng các hải cảng để xuất khẩu khí tự nhiên ở dạng hóa lỏng vận chuyển bằng tàu chở dầu. 
Tuy nhiên, hoạt động chuẩn bị này sẽ phải mất ít nhất một vài năm. Hầu hết các thiết bị đầu cuối phục vụ cho xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ đang trong giai đoạn bắt đầu xây dựng. 
Carlos Pascual, một cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraina và hiện phụ trách Cục năng lượng của Bộ Ngoại giao nước này cho biết, sự bùng nổ xuất khẩu năng lượng đang trở thành một công cụ địa chính trị giúp thúc đẩy lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới. 

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Pascual khẳng định rằng nhóm của ông đang nỗ lực làm suy yếu quyền lực trong tay Putin, giúp Ukraine giảm phụ thuộc nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga từ 90% xuống còn 60% như hiện nay.

Đường ống dẫn khí đốt tại Kiev.
Đường ống dẫn khí đốt tại Kiev.
Ông cho biết, nhóm của ông đang tiếp tục làm việc để giúp Ukraine và các nước châu Âu khác thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga bằng cách tìm một nguồn cung cấp khác và hỗ trợ các nước này xây dựng kho dự trữ khí gas của họ. 
Nhóm của ông cũng đang làm việc với Ukraine và châu Âu để soạn thảo biên bản hợp tác năng lượng, trong đó cho phép khí đốt tự nhiên vận chuyển nhanh hơn tại châu Âu và thoát khỏi sự ép giá của Gazprom.
Họ cũng sẽ giúp các nước này phát triển nguồn khí thiên nhiên của mình thông qua hợp tác với các gã khổng lồ năng lượng của Mỹ. Halliburton đã bắt đầu khai thác khí đốt tự nhiên ở Ba Lan, trong khi Shell năm ngoái đã ký hợp đồng thăm dò khí đốt tự nhiên ở Ukraine.
Pascual nhấn mạnh thêm, mặc dù hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên tiềm năng của Mỹ chưa thể ngay lập tức giải quyết được các vấn đề cho châu Âu, nhưng nó đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng cán cân thị trường khí đốt toàn cầu đang thay đổi và triển vọng lớn đang đến từ các nguồn khác. 
Ông Pascual cũng dự báo rằng ảnh hưởng của Gazprom sẽ bị suy yếu hơn nữa trong những năm tới do Mỹ gia nhập thị trường này./.
Nguyễn Hường