Mỹ nâng cấp bom hạt nhân cũ thành tên lửa đa năng

11/11/2013 16:22
Lê Cường
(GDVN) - Báo chí Nga đưa tin cho biết, Lầu Năm góc đã tuyên bố họ sẽ tiến hành nâng cấp các quả bom hạt nhân bố trí ở châu Âu thành các tên lửa đa năng, có thể sử dụng cho mục đích chiến thuật.
Một số tổ chức giám sát vũ trang được báo chí Nga trích dẫn nói rằng đây có thể là hành động tương đương với việc phát triển một loại vũ khí hạt nhân kiểu mới.


Theo dư luận Nga, tiến trình phát triển vũ khí của Mỹ như tuyên bố của Lầu Năm góc đã đi trái với những cam kết của Tổng thống Obama trong công ước không tiến hành chế tạo vũ khí hạt nhân mới, thậm chí là nâng cấp, tăng cường các đầu đạn hạt nhân cũ để nâng cao năng lực quân sự của mình.

Những trỉ trích của báo chí Nga cũng đã cảnh báo rằng quyết định này của Mỹ có thể sẽ đe dọa các cuộc đàm phán và thỏa thuận giữa Nga và các thành viên NATO - những quốc gia cũng sẽ tìm các giải tỏa các khó khăn liên quan đến các loại vũ khí hạt nhân phi chiến lược.

Trong tuần vừa qua, đại diện của Lầu Năm góc, Cục năng lượng Mỹ cũng đã tuyên bố về kế hoạch cùng nhau tiến hành các cải tiến, thiết kế  lại các quả bom B-61 (chứa đầu đạn hạt nhân được quân đội Mỹ chế tạo từ Chiến tranh Lạnh).

Dự án nâng cấp bom hạt nhân này có mã là B61-12, dùng để thay thế các phiên bản bom hạt nhân cũ B 3, 4, 7 và 10 cũng như bom hạt nhân B-61-11 và bom hạt nhân chiến lược B-83 (có sức mạnh lớn hơn quả bom Mỹ ném xuống Hiroshima hơn 90 lần).

Theo tuyên bố của Mỹ, việc tái nâng cấp này sẽ được hoàn thành vào trước năm 2024. Hiện nay, chỉ riêng ở Đức Mỹ đã sở hữu và tích trữ khoảng 20 quả bom B-61 ở căn cứ không quân đóng gần làng Buechel ở Tây Đức.


Đáng chú ý, các quả bom sau khi được tái thiết kế có thể được triển khai cho các chiến đấu cơ F-16. Các tiêm kích kiêm oanh tạc cơ Tornado của Không quân Đức cũng có thể được trang bị các quả bom - tên lửa mới B-61-12 tương thích với các quả bom lượn đạn đạo có mật hiệu là "System 1".

Trong khi đó, loại bom có ký hiệu "System 2" là một phiên bản vũ khí hiện đại hơn, tương ứng với các loại bom chính xác mang đầu đạn hạt nhân được điều khiển theo cơ chế kỹ thuật số gắn với một bộ kit do hãng Boeing chế tạo.

Dự kiến 800 bộ kit gắn vào đuôi bom có giá trị khoảng 1,6 tỷ USD sẽ được Boeing sản xuất trong thời gian tới.





Lê Cường