Nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học: Cách làm ở Cà Mau

22/06/2014 14:34
Tùng Minh
(GDVN) - Đến nay, tại Cà Mau đã có 36 trường tiểu học thực hiện mô hình T30 (học 30 tiết/tuần), 14 trường thực hiện mô hình T35 (35 tiết/tuần) với 789 lớp và 19.659 HS.

Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) của Bộ GDĐT được triển khai rộng khắp ở các điểm trường trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau. 

SEQAP được triển khai, nhằm mục đích nâng cao kết quả học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng trong các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau, tăng tỷ lệ hoàn thành cấp học thông qua việc hỗ trợ chuyển đổi từ dạy và học một buổi, sang dạy và học cả ngày.

Chương trình gồm có 4 thành phần: Đề xuất chính sách cho việc dạy và học cả ngày; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiểu học để đủ sức tổ chức dạy học cả ngày; Cải thiện cơ sở vật chất và các nguồn lực khác nhằm phục vụ việc chuyển sang dạy học cả ngày; Quản lý thực hiện và điều phối chương trình.

Cách làm mới trong dạy và học ở cấp tiểu học tại Cà Mau đang tạo ra những thành quả đáng mừng.
Cách làm mới trong dạy và học ở cấp tiểu học tại Cà Mau đang tạo ra những thành quả đáng mừng.

Tại Cà Mau, chương trình SEQAP  đã được triển khai rộng khắp ở các điểm trường trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay đã có 36 trường tiểu học thực hiện T30, 14 trường thực hiện mô hình T35 với 789 lớp và 19659 học sinh. Đã có 50 trường triển khai cho học sinh ăn trưa, bán trú bằng hình thức tổ chức nấu ăn hoặc hợp đồng với cơ sở nấu ăn ngoài nhà trường.

Việc tổ chức buổi học thứ hai chủ yếu củng cố kiến thức, kỹ năng môn Toán và Tiếng Việt để học sinh đạt chuẩn kiến thức kỹ năng. Tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh..

Sau 4 năm thực hiện SEQAP, chất lượng giáo dục tiểu học đã có chuyển biến đáng kể. Số học sinh giỏi tăng, học sinh yếu kém giảm dần. Nhiều trường học đã tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục thiết thực phong phú, xây dựng thêm được phòng học, phòng đa năng, nhà vệ sinh, bếp ăn tập thể cho học sinh.

 Cô Mai Tâm, Trường Tiểu học Thới Bình, Cà Mau cho biết: “Chương trình SEQAP đã tạo điều kiện cho các em học sinh học tập, sinh hoạt cùng nhau, giúp các em phát huy tình đoàn kết, rèn luyện kỹ năng sống cho các em qua những buổi học bán trú. Đồng thời, Chương trình SEQAP còn tạo được hiệu ứng tích cực từ phụ huynh học sinh, từ đó phong trào xã hội hóa giáo dục phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Thới Bình, Cà Mau cho biết: "Ngoài hoạt động cải thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trường học, Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học còn thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; thực hiện các Quỹ giáo dục nhà trường, Quỹ phúc lợi học sinh; xây dựng năng lực dạy và học cả ngày. Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học triển khai tại Thới Bình ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực. Các trường tham gia Chương trình có điều kiện tốt hơn trong việc triển khai dạy và học cả ngày góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường tham gia Chương trình. Đây cũng là tiền đề để đến năm 2020 triển khai thực hiện dạy và học cả ngày trên toàn quốc".

Báo cáo của SEQAP về tình hình tổ chức dạy học "cả ngày" năm học 2013-2014 tại Vùng 6 (gồm: Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang) cho thấy, đa phần cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã nhận thức được SEQAP là chương trình có tính chất hỗ trợ với thời gian nhất định. Vì vậy, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đã coi trọng nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cộng đồng, phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực cho kế hoạch chuyển sang dạy học cả ngày. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng có hiệu quả  đã góp phần tháo gỡ những khó khăn của nhà trường; đặc biệt là công tác tổ chức ăn trưa bán trú của học sinh.

Ngoài ra, tại Cà Mau có 12/50 trường đạt 100% dạy học cả ngày, 61 điểm trường lẻ có dạy học cả ngày, nhưng cũng còn 17 điểm trường lẻ chưa thực hiện được dạy học cả ngày. Tỉ lệ học sinh học cả ngày đạt 75,92%. Công  tác bán trú ăn trưa năm nay của Cà Mau có chuyển biến hơn năm trước. Có 45/50 trường tổ chức ăn trưa, trong đó có 25 trường có tổ chức nghỉ trưa hoặc tổ chức các hoạt động khác cho học sinh. Số học sinh hộ nghèo thụ hưởng chương trình là 2763/3277, tương đương 84,31% và học sinh dân tộc được ăn trưa đạt 66,32%.

Rõ ràng, với sự hỗ trợ của SEQAP và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các em học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo tỉnh Cà Mau đã và đang tiếp cận với mô hình dạy học cả ngày làm thay đổi về cơ bản chất lượng giáo dục tiểu học, góp phần thúc đẩy giáo dục của địa phương phát triển một cách toàn diện.

Tùng Minh