Nên mạnh dạn nghĩ đến bỏ kỳ thi quốc gia

26/03/2020 06:24
Nhật Minh
(GDVN) - Ở bậc phổ thông, chúng ta đã mạnh dạn giao trường chọn sách giáo khoa giảng dạy thì việc giao cho họ tổ chức thi, kiểm tra để xét tốt nghiệp cũng nên nghĩ đến.

Học sinh nghỉ tránh dịch Covid-19 kéo dài khiến phải lùi thời gian tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia.

Đồng thời kéo theo việc thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020 của các cơ sở giáo dục đại học, kể cả các trường không tuyển sinh từ kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia cũng vẫn phải lùi đến khi các học sinh được xét tốt nghiệp mới có thể tuyển sinh hoặc chốt danh sách trúng tuyển.

Thực tế, hiện nay, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã giao quyền tự chủ tối đa cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng hiện nay Bộ đang “lo” thay cho các trường khi tổ chức kỳ thi quốc gia để lấy kết quả xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và làm cơ sở cho các trường tuyển sinh đầu vào.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh: Báo Thanh tra
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh: Báo Thanh tra

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Câu chuyện bỏ kỳ thi quốc gia hay giữ được bàn thảo rất nhiều khi thảo luận Luật Giáo dục sửa đổi.

Hiện nay, chúng ta vẫn tổ chức kỳ thi 2 trong 1. Vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp Trung học phổ thông, vừa là cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển”.

Đại biểu chia sẻ, phương án này có ưu điểm là giảm bớt kỳ thi, tiết kiệm, giảm tiêu cực ôn thi, không xáo trộn đi lại, học sinh có thể thi ngay tại địa phương...

Những năm qua, chúng ta cảm thấy cách tiếp cận đó thuyết phục thì có thể tạm chấp nhận được.

Nhưng sau vụ việc gian lận thi cử được phát hiện tại nhiều địa phương và về lâu dài là phải giao quyền chủ động tổ chức tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học thì kỳ thi trên đã lộ rõ sự bất cập.

Theo Đại biểu, về lý, các trường Trung học phổ thông đương nhiên phải chịu trách nhiệm việc kiểm tra chất lượng “sản phẩm” đầu ra do mình đào tạo, nghĩa là hoàn toàn có thể tổ chức và xét tốt nghiệp cho học sinh Trung học phổ thông.

Đặc biệt, việc giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các cơ sở giáo dục đại học là xu thế chung của thế giới và hoàn toàn chính xác.

Nhà nước chỉ nên giám sát chất lượng của đại học bằng việc kiểm định đánh giá chất lượng công bằng.

“Đầu vào các trường tổ chức, tuyển ra sao để các trường tự lo nhưng đầu ra thì phải đảm bảo.

Đảm bảo về chất lượng và đảm bảo về phân bổ nguồn lực các ngành.

Nếu các cơ sở không tự chủ thì quả là khó khăn và họ khó có thể toàn tâm toàn ý để xây dựng các trường thành trung tâm đào tạo có thương hiệu không chỉ ở trong nước mà còn vươn tới ở tầm khu vực, thế giới.

Sớm muộn thì cũng phải giao quyền tự chủ, Bộ Giáo dục không cần thiết phải "lo thay" việc tuyển sinh cho các trường nữa”, Đại biểu nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, ở bậc phổ thông, chúng ta đã mạnh dạn cho các trường chọn sách giáo khoa để giảng dạy thì việc giao cho họ tổ chức thi, kiểm tra để xét tốt nghiệp cũng nên mạnh dạn nghĩ đến, không nên tổ chức ở quy mô một kỳ thi quốc gia.

Bởi bên cạnh những điểm được xem là ưu điểm như trên thì nó cũng cho thấy những nhược điểm, phát sinh nguy hiểm khi tổ chức một kỳ thi chung như vậy.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh chia sẻ, tiêu cực trong việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đến giờ được phát hiện xử lý ở một số địa phương.

Cách thức tổ chức kỳ thi 2 trong 1 không chỉ toàn ưu điểm mà có những lỗ hổng rất lớn cần bàn lại để xem có nên duy trì một kỳ thi quốc gia như vậy nữa không.

Lùi thời gian đăng ký xét tuyển, tuyển thẳng, điều chỉnh nguyện vọng năm 2020
Lùi thời gian đăng ký xét tuyển, tuyển thẳng, điều chỉnh nguyện vọng năm 2020

“Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã trao quyền tự chủ tối đa cho các cơ sở giáo dục đại học. Hãy để họ vận động, đừng “bó tay, bó chân” hay “lo” thay họ.

Bởi để các trường tự chủ thì rất có thể sẽ có nhiều phương thức tuyển sinh hay, các kỳ tuyển sinh có thể liên tục trong năm thay vì dồn toa chờ kỳ thi quốc gia”, Đại biểu nhấn mạnh.

Trước đó trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thành kỳ thi quốc gia và để các trường chủ động việc tổ chức tuyển sinh.

Tiến sĩ Chức nhấn mạnh: “Tôi đã nói nhiều lần rồi, Toán – Lý – Hóa của Đại học Bách khoa nó khác với Sư phạm, Thương Mại, Tổng hợp.

Mỗi trường đại học có yêu cầu đầu vào khác nhau, cách thức đào tạo khác nhau. Vì thế, họ có thể chủ động để ra các đề thi hoặc có phương thức tuyển sinh phù hợp. Bộ "lo" thay mãi có thể khiến các trường ngại thay đổi.

Nhìn từ các nước phát triển, những trường đại học lớn không tuyển sinh chỉ dựa vào kết quả thi phổ thông”.

Ông cũng nhấn mạnh, nếu các trường tự tổ chức thi đề riêng, để đảm bảo chất lượng cũng như để kiểm soát đồng bộ được thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quản lý chứ không thể để tự tung tự tác, các trường muốn làm đề thế nào cũng được.

Bởi nếu vậy sẽ quay lại thời kỳ trường đại học thành các lò luyện thi, ôn tủ.

“Để giải quyết tình trạng này, Bộ nên ở vai trò tập hợp các đề thi từ các trường cùng lĩnh vực đào tạo trong cả nước thành một ngân hàng đề thi.

Từ đó, Bộ chọn ra các đề thi phù hợp nhất làm đề thi chung cho khối ngành. Các đơn vị liên quan làm nghiêm túc, có sự giám sát của Bộ thì không thể lộ đề hay chuyện thầy ra đề thầy ôn thi như trước kia được”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức phân tích.

Nhật Minh