Nguyên TBT Lê Khả Phiêu nói về Hoàng Sa và Trường Sa

24/02/2013 17:23
Theo Infonet
Sáng 24/2, nhân chuyến thăm và làm việc tại miền Trung, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến thăm Bảo tàng Đà Nẵng, nơi đang lưu giữ và trưng bày nhiều tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu nghe TS Trần Đức Anh Sơn giới thiệu về 3 cuốn atlas quý của Trung Quốc gồm: "Trung Quốc địa đồ" (1908), "Trung Hoa bưu chính dư đồ" (1919) và "Trung Hoa bưu chính dư đồ" (tái bản, có bổ sung năm 1933) khẳng định cương vực phía Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, còn Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa bao giờ thuộc chủ quyền của họ! - Ảnh: HC
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu nghe TS Trần Đức Anh Sơn giới thiệu về 3 cuốn atlas quý của Trung Quốc gồm: "Trung Quốc địa đồ" (1908), "Trung Hoa bưu chính dư đồ" (1919) và "Trung Hoa bưu chính dư đồ" (tái bản, có bổ sung năm 1933) khẳng định cương vực phía Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, còn Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa bao giờ thuộc chủ quyền của họ! - Ảnh: HC

Từ những tấm bản đồ quý
Trong gần một tiếng rưỡi đồng hồ tham quan Bảo tàng Đà Nẵng, nguyên TBT đã dành nhiều thời gian lắng nghe Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng giới thiệu cặn kẽ về 3 cuốn atlas (tập bản đồ) rất quý do nhà nước Trung Quốc qua các thời kỳ xuất bản, được Việt kiều Trần Thắng (hiện sống tại Mỹ) sưu tầm, hiến tặng và giới thiệu cho TP Đà Nẵng mua lại.

Đó các cuốn atlas "Trung Quốc địa đồ" do phái bộ The China Inland Mission có trụ sở ở Thượng Hải, London, Philadelphia, Toronto và Melburn xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh với sự trợ giúp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh (Trung Quốc); "Trung Hoa bưu chính dư đồ" do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản lần đầu năm 1919 ở Nam Kinh bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp; và "Trung Hoa bưu chính dư đồ" do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc tái bản (và có bổ sung) tại Nam Kinh năm 1933, cũng in bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp.

"Đây là những tài liệu chính thống do hai triều đại nối tiếp nhau của nhà nước Trung Quốc (là nhà Thanh và Trung Hoa dân quốc) phát hành vào nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, thể hiện rằng Trung Quốc luôn thừa nhận cương vực phía Nam của họ chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, còn Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa bao giờ thuộc về chủ quyền của họ.

Điều này khẳng định những tuyên bố Trung Quốc về việc có "chủ quyền lịch sử" hay "vùng nước lịch sử" đối với Hoàng Sa, Trường Sa là hoàn toàn không có cơ sở. Do vậy những cuốn atlas này rất có giá trị trong việc phản biện những đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam!" - TS Trần Đức Anh Sơn nói.

Nguyên TBT Lê Khả Phiêu tỏ ra rất vui với việc UBND TP Đà Nẵng đã chi 3.000USD mua lại cuốn atlas "Trung Hoa bưu chính dư đồ" 1933 mà trước đó Việt kiều Trần Thắng đã mua từ một người Đài Loan có gốc ở Trung Quốc đại lục chỉ sau 2 tuần cuốn atlas này đến New York. Trong khi đó, TS Trần Đức Anh Sơn cho biết thêm, theo thông tin anh Trần Thắng vừa báo về thì hiện có một số người Trung Quốc đang lùng sục khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới để thu hồi cho bằng hết những tấm atlas như vừa nêu trên!
Sau đó nguyên TBT Lê Khả Phiêu ghi vào sổ cảm tưởng...
Sau đó nguyên TBT Lê Khả Phiêu ghi vào sổ cảm tưởng...

Đến những câu chuyện rành rành trong sử sách

Với những tư liệu mới phát hiện có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vừa được UBND huyện đảo Hoàng Sa phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Đà Nẵng trong suốt một tháng vừa qua, TS Trần Đức Anh Sơn khẳng định, chính quyền của Trung Quốc liên tục qua các thời kỳ đã điều chỉnh địa giới và luôn luôn cập nhật vào bản đồ của họ. Trong quá trình đó cho đến năm 1933, Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ được người Trung Quốc đưa vào lãnh thổ của họ.

"Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với hai câu chuyện lịch sử sau đây: Chuyện thứ nhất là Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An có lần tâu lên vua Càn Long (nhà Thanh) đề nghị cho người ra chiếm Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) để lo một số công việc bảo đảm phên dậu phía Nam của Trung Hoa. Nhưng vua Càn Long trả lời "việc đó không quan trọng, cái đó không phải là việc chính, cái đó của nước khác, vua không quan tâm".

Chuyện thứ hai là vào năm 1909, có một tàu buôn của người Pháp bị mắc cạn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và bị ngư dân Trung Quốc ra ăn cướp hàng hoá trên tàu. Ông Philips, chỉ huy tàu, yêu cầu Tổng đốc Lưỡng Quảng của Trung Quốc giải quyết vụ việc, trả lại hàng hoá cho tàu của mình. Nhưng vị Tổng đốc Lưỡng Quảng này trả lời: "Hòn đảo đó là thuộc Việt Nam, ông đi tìm mấy người Việt Nam mà hỏi chứ chúng tôi không có trách nhiệm gì cả!".

Những câu chuyện này được sử sách ghi lại rất rõ ràng, đầy đủ. Như vậy là về tư liệu cũng như về lịch sử, Trung Quốc vốn không quan tâm đến Hoàng Sa, Trường Sa vì không thuộc lãnh thổ của họ. Nhưng sau khi xuất hiện "đường lưỡi bò" 9 đoạn hoàn toàn không có một cơ sở pháp lý nào ở thời Trung Hoa Dân Quốc năm 1949 thì chính quyền Trung Quốc lại bám vào đó để đòi hỏi chủ quyền phi lý cho đến nay!" - TS Trần Đức Anh Sơn nói.
... những lời căn dặn nhân dân Đà Nẵng cũng như nhân dân cả nước phải luôn nhớ lời dặn của Vua Lê Thánh Tông: "Nếu dám đem một thước, một tấc đất nào của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di...". - Ảnh: HC
... những lời căn dặn nhân dân Đà Nẵng cũng như nhân dân cả nước phải luôn nhớ lời dặn của Vua Lê Thánh Tông: "Nếu dám đem một thước, một tấc đất nào của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di...". - Ảnh: HC

Con cháu phải luôn nhớ lời dặn của Vua Lê Thánh Tông

Sau khi tham quan Bảo tàng Đà Nẵng, nguyên TBT Lê Khả Phiêu đã dành rất nhiều tâm huyết, cân nhắc từng chi tiết để ghi những dòng cảm tưởng kín cả hai trang giấy. Các cán bộ đi theo ông cho biết, hiếm có vị lãnh đạo nào khi đến thăm một nơi nào đó lại viết cảm tưởng nhiều đến như vậy. Trong đó, nguyên TBT Lê Khả Phiêu nhận xét Bảo tàng Đà Nẵng đã sưu tập được rất nhiều hiện vật, tư liệu phong phú về cuộc đấu tranh dũng cảm, bền bĩ của nhân dân và lực lượng vũ trang Đà Nẵng qua các thời kỳ.

Ông nhận xét: "Đà Nẵng đã và đang toả sáng là một trong những TP phát triển toàn diện nhiều lĩnh vực như xây dựng các khu kinh tế trọng điểm có chất lượng, nhất là xây dựng và quản lý đô thị, cải cách hành chính, vấn đề giải quyết dân sinh, mối quan hệ nhà nước và nhân dân có nhiều đổi mới tiến bộ. Dân tin Đảng, yêu cán bộ".

Đặc biệt, nguyên TBT Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: "Đà Nẵng vừa có rừng, đặc biệt là vùng biển rộng lớn có từ ngàn xưa như Hoàng Sa, Trường Sa... Đây là vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc". Từ đó ông yêu cầu nhân dân Đà Nẵng cũng như nhân dân cả nước "phải luôn luôn nhớ lời dặn của Vua Lê Thánh Tông trong sắc dụ năm 1473 gửi viên quan trấn thủ biên giới Lê Cảnh Huy" được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng mà ông đã dừng lại rất lâu để xem, suy ngẫm và ghi vào sổ cảm tưởng:

"Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần... Nếu dám đem một thước, một tấc đất nào của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di...". Lời Vua dặn từ năm 1473, đã hàng mấy trăm năm, con cháu ngày nay phải cùng nhau giữ gìn bằng được!".
Theo Infonet