Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Nhà văn Lê Lựu bàn về tính xấu người Việt

15/10/2012 06:48
Mai Nguyễn
(GDVN) -Ông nói thêm, mấy chục nghìn mà những người xe ôm tranh giành nhau có lẽ chỉ đủ mua 1 chai nước ngọt, hay một hộp cơm. Nhưng nó bán đi nhân cách của cả một con người.

Hình ảnh những người lái xe ôm ở bến xe Mỹ Đình tranh giành nhau 30 nghìn đồng, người phụ nữ bán bò bía nhặt được chiếc ví, nhất định không trả lại người bị mất ở cổng trường Đại học Quốc gia Hà Nội đang thu hút sự chú ý của dư luận. Và một lần nữa, sự tham lam của người Việt được đưa ra cân đo, nhìn nhận một cách nghiêm túc, khách quan. 

Mở đầu cuộc trao đổi, nhà văn Lê Lựu cho rằng, việc những người xe ôm, bán hàng tranh giành nhau mấy chục nghìn không phải điều gì đáng ngạc nhiên. Bởi vì, con người ta sinh ra đã có lòng tham. Thế nhưng, điều đáng buồn là câu chuyện ấy đã phần nào thể hiện một sự thực, nề nếp gia phong trong gia đình, những chuẩn mực đạo đức trong một bộ phận xã hội ta đã bị buông lỏng đến mức những giá trị đạo đức tốt đẹp cốt lõi đang dần mất đi, cái xấu cái ác đang trỗi dậy.

Nhà văn Lê Lựu.
Nhà văn Lê Lựu.

Ông nói thêm, mấy chục nghìn mà những người xe ôm tranh giành nhau có lẽ chỉ đủ mua 1 chai nước ngọt, hay một hộp cơm. Nhưng nó bán đi nhân cách của cả một con người. Ngày xưa, một người bạn của tôi bị ăn cắp một chiếc xe đạp, tôi đã từng nói vui rằng, anh bạn tôi mất một chiếc xe trị giá vài chục nghìn thôi, nhưng kẻ trộm cắp kia đã mất đi nhân cách gây dựng cả đời.

Trước quan điểm cho rằng, vì còn nghèo, còn khổ, nên một số người mới tham lam, nhà văn cho rằng, ý kiến đó không đúng hoàn toàn. Rồi ông so sánh: "Ngày nay, làm sao khổ bằng chúng tôi trong chiến tranh? Chúng tôi đã từng ăn rau rừng, ăn bo bo, nhưng chúng tôi quan niệm rằng, nhặt được của rơi, trả người đánh mất chính là cho mình sự thanh thản. Ngược lại, chính là bó buộc mình vào một cái nợ, một sự dằn vặt suốt đời. Nói một cách khác, ở thời chúng tôi, con người dường như được giáo dục tốt hơn về những chuẩn mực, những giá trị đạo đức và đều cảm thấy xấu hổ nếu làm điều xấu, điều ác cho người khác.

Hay nói cách khác, xưa và nay khác nhau rất nhiều. Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, những giá trị, nề nếp gia phong dần bị phá bỏ. Trong khi đó, xã hội chưa đưa ra những chuẩn mực, giá trị mới để thích nghi. Do đó, những giá trị đạo đức đang bị đảo lộn, cần có thời gian, phương pháp thích hợp mới có thể điều chỉnh lại cho hợp lý".

Hình ảnh người lái xe ôm ở bến xe Mỹ Đình nhặt được 30 nghìn đồng, ngay lập tức đi mua nước ngọt và nhất quyết không trả lại người đánh rơi tiền khi họ quay lại hỏi.
Hình ảnh người lái xe ôm ở bến xe Mỹ Đình nhặt được 30 nghìn đồng, ngay lập tức đi mua nước ngọt và nhất quyết không trả lại người đánh rơi tiền khi họ quay lại hỏi.

Nhà văn tiếp tục lý giải, ngày nay, những chuẩn mực trong gia đình Việt Nam không giống xưa. Không phải trong gia đình nào mối quan hệ bố mẹ, con cái cũng đúng mực, nhiều khi giá trị bị đảo lộn, con cái chửi, đánh, thậm chí giết cả bố mẹ. Người trên không nhường nhịn, bảo ban người dưới, người dưới thiếu sự tôn trọng người trên. Những điều căn cốt của gia đình không được đảm bảo, thì con người ta không thể được dạy dỗ những giá trị đạo đức khác cho con cái mình.

Lòng tham này nếu nói là tàn dư của căn tính nông dân, chưa chắc đã đúng. Bởi vì, nói tới người nông dân, người ta nói tới sự chắt chiu, bòn mót từng đồng, từng hào nhưng người nông dân cũng là những người hết sức thật thà.

"Ngày nay, người ta tham lam mà không còn cảm thấy xấu hổ nữa, thậm chí tham lam tập thể. Tôi còn nhớ có lần báo chí từng đưa một trường hợp, cậu thanh niên bị tai nạn giao thông trên đường, mặt mũi chân tay xước xát, có nhiều người dân đến nhưng không một ai giúp cậu ta. Bởi vì cậu ta ngã làm túi tiền trên người cũng bung ra, người ta xâu xúm tranh giành nhau hết số tiền ấy, khiến cậu thanh niên bị thương nặng hơn", nhà văn Lê Lựu kể.

"Thêm vào đó, các cụ ta từng dạy, muốn có cây tre thẳng thì phải uốn từ khi nó là cây măng, muốn có con người tốt thì phải uốn nắn từ khi bắt đầu biết nhận thức". Ông nói thêm, người ta nhắc tới con người Nhật Bản với những đức tính kỷ luật đã được cả thế giới ghi nhận và khâm phục. Nhưng không phải người Nhật sinh ra đã kỷ luật như thế, người ta phải được giáo dục một cách bài bản từ trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Nếu người Nhật không được giáo dục thì cũng tham lam chẳng kém gì những người xe ôm ở Việt Nam đâu, nhà văn nói vui.

Lòng tham là bản tính của con người, sinh ra ai cũng tham. Nhưng khi lớn lên, mỗi người sẽ có một nhận thức khác nhau về sự tham lam. Người ta sẽ nhìn sự tham lam ấy bằng con mắt khinh bỉ, thì dù vứt bạc triệu trước mặt, người ta cũng sẽ thờ ơ. Nhưng nếu nhìn thấy vật chất của người khác bằng con mắt hí hửng, hào hứng thì 1 nghìn, con người ta cũng muốn lấy.

Cuối cùng, nhà văn cho rằng, để đảm bảo cho những thói hư tật xấu của một bộ phận người Việt không bị lây lan, phát triển và trở thành chướng ngại vật trên con đường phát triển của dân tộc thì xã hội cần xây dựng lại những hệ giá trị cốt lõi, chuẩn mực để làm nền, lấy lại những đức tính căn cốt của dân tộc. Giống như việc nếu máu chúng ta bẩn, ô hợp thì cần phải thay máu để cơ thể có thể sống một cách khỏe mạnh vậy. Mà muốn làm điều đó, nhất thiết phải có sự đồng lòng, kết hợp của cả 3 đơn vị là gia đình, nhà trường và xã hội thì mới có thể có kết quả tốt.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Mai Nguyễn