Nhập cư, khủng bố và trả giá

14/11/2015 15:22
Nguyễn Hường
(GDVN) - Các nước châu Âu đang bị sa lầy trong chính sách chỉ tiêu tị nạn của chính mình.

Một đám cháy lớn đã xảy ra tại trại tị nạn Jungle gần cảng Calais của Pháp chỉ vài giờ sau một loạt vụ tấn công đẫm máu nổ ra ở Paris khiến hơn 150 người thiệt mạng. 

Phó thị trưởng Calais nói với hãng tin RT của Nga rằng chính quyền đang cố gắng dập tắt đám cháy đã lan rộng trong khu vực có diện tích 10.000 mét vuông. Hoạt động dập tắt đám cháy rất khó khăn do lửa bùng lên ở khu vực vốn có nhiều lều trại dễ cháy, gió lớn.

Lửa cháy rực khu tại tị nạn tại Pháp. Ảnh RT
Lửa cháy rực khu tại tị nạn tại Pháp. Ảnh RT

Nhiều người tị nạn đang cố gắng rời khỏi hiện trường. Hiện chưa rõ số lượng thương vong cũng như nguyên nhân dẫn tới hỏa hoạn. Tuy nhiên, trên mạng xã hội ở Pháp đã rộ lên các đồn đoán cho rằng đám cháy là kết quả của một hoạt động trả đũa các vụ tấn công khủng bố ở Paris. 

Trong tuần qua, trại tị nạn Jungle đã bị nhấn chìm trong các cuộc đụng độ giữa những người tị nạn và lực lượng an ninh Pháp. Đây là nơi trú ẩn tạm thời của khoảng 6.000 ngàn người tị nạn từ các quốc gia nghèo đói và bị chiến tranh tàn phá như Syria, Iraq, Eritrea, Somalia. Tuy nhiên, phần lớn trong số này chỉ xem đây là một nơi dừng chân để chờ đợi cơ hội vượt qua đường hầm Channel sang Vương quốc Anh.

Vào tối ngày 13/11, 7 loạt vụ nổ súng và đánh bom tự sát đã xảy ra tại các địa điểm khác nhau trong thành phố Paris. Vụ tấn công tồi tệ nhất diễn ra ở hội trường buổi hòa nhạc Bataclan, nơi ít nhất hai kẻ tấn công xông vào hội trường có hơn 1000 người xem nhạc xả súng khiến khoảng 100 người thiệt mạng. 

Các địa điểm bị tấn công bằng súng và chất nổ khác gồm nhà hàng, trung tâm mua sắm, một địa điểm gần sân vận động Stade de France, sân vận động lớn nhất nước Pháp, vào thời điểm đang diễn ra một trận giao hữu giữa đội tuyển Đức và Pháp. 

Theo giới chức Pháp, 8 kẻ tham gia tấn công đã bị tiêu diệt. Theo các báo cáo ban đầu, những kẻ tấn công này có liên quan tới tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

EU mắc kẹt trong chính sách nhân đạo và chỉ tiêu tị nạn 

Các nước châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có trong lịch sử khi ngày nào cũng có hàng ngàn người di cư đổ về biên giới các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cả trên bộ lẫn trên biển. 

Dòng người tị nạn biểu tình ở Hungary. Ảnh redstate
Dòng người tị nạn biểu tình ở Hungary. Ảnh redstate

Bất chấp mọi nỗ lực, dòng người di cư vẫn tăng ở mức chóng mặt. Bất ổn cũng bắt đầu xuất hiện khi hàng loạt cuộc biểu tình biến thành bạo lực trên đường phố.

Những người di cư Trung Đông và châu Phi chọn châu Âu làm "miền đất hứa" bởi khu vực này có nhiều quốc gia giàu có, an toàn, dễ tiếp cận, lại có chỉ tiêu tị nạn. 

Tuy nhiên, các nước châu Âu đang bị sa lầy trong chính sách chỉ tiêu tị nạn của chính mình và đang bối rối trước bài toán hạn ngạch đã đẩy nội bộ liên minh vào mâu thuẫn, cáo buộc lẫn nhau. 

Thủ tướng Anh David Cameron đề xuất sẽ tiếp nhận khoảng 20.000 người tị nạn trong giai đoạn 2015-2020. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve hồi tháng 9 tuyên bố nước này sẽ đón nhận 1.000 người xin tị nạn trong những ngày tới nhằm hỗ trợ Chính phủ Đức đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu hiện nay và 24.000 người tị nạn khác trong vòng 2 năm tới. 

Tây Ban Nha cũng khẳng định không giới hạn việc tiếp nhận người di cư song lại hối thúc EU sớm đưa ra quyết định về vấn đề này. Nhiều quốc gia khác như Phần Lan, Đan Mạch… cũng có nhiều động thái hỗ trợ, giúp đỡ dòng người di cư đang đổ từ Hungary về Áo, Đức…

Những đứa trẻ bị sử dụng như những chiếc "vé" để vượt qua biên giới tới châu Âu.
Những đứa trẻ bị sử dụng như những chiếc "vé" để vượt qua biên giới tới châu Âu.


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định rằng việc phân bổ chỉ tiêu tiếp nhận người tị nạn hoàn toàn không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay mà ngược lại, nó đem lại quá nhiều rủi ro cho an ninh và nền kinh tế của các nước tiếp nhận. 

Trong thời gian qua, trong số những dòng người di cư đã có những kẻ quá khích khuấy động các cuộc biểu tình, tuần hành phản đối chính sách của chính quyền sở tại. Thậm chí, một số còn lấy trẻ em ra làm lá chắn để bài xích và gây áp lực đối với chính quyền các nước này để mở cửa biên giới cho họ. 

Người nhập cư đã trèo qua hàng rào biên giới ở Hungary, xô xát với cảnh sá trong lúc chờ đợi làm thủ tục nhập cảnh tại các lán trại quá tải ở Roszke. 

Trong khi đó, tờ Express của Anh dẫn một nguồn tin tình báo Syria cũng khẳng định rằng, các chiến binh của tổ chức ISđã trà trộn vào dòng người di cư để tới châu Âu. Chúng đã vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó nhờ sự trợ giúp của những kẻ buôn người địa phương để hòa vào dòng người di cư bất hợp pháp. Mục đích của IS là tấn công khủng bố và thiết lập “Vương quốc Hồi giáo” trên khắp thế giới.

IS cũng từng đe dọa rằng sẽ khiến châu Âu tràn ngập người tị nạn Hồi giáo, khoảng 500.000 người trong năm nay.
IS cũng từng đe dọa rằng sẽ khiến châu Âu tràn ngập người tị nạn Hồi giáo, khoảng 500.000 người trong năm nay.

Trang web WND hôm 7/9 cũng đăng tải một bài viết của tác giả Robert Spencer khẳng định, trong số hàng triệu người di cư bất hợp pháp qua Địa Trung Hải tới châu Âu từ đầu năm đến đây có rất nhiều thành viên của tổ chức IS.

Ước tính có 4.000 chiến binh đang nằm chờ lệnh tấn công ở khắp các quốc gia thành viên EU. Trước đó, IS cũng từng đe dọa rằng sẽ khiến châu Âu tràn ngập người tị nạn Hồi giáo, khoảng 500.000 người trong năm nay.

Thứ hai, việc tiếp nhận hàng ngàn người tị nạn sẽ là một gánh nặng lớn đối với ngân sách và nền kinh tế của các nước châu Âu vốn đang bị khủng hoảng nặng nề.

 Các quốc gia tiếp nhận người tị nạn sẽ phải tiêu tốn một khoản đáng kể để nuôi sống hàng ngàn người dân di cư trong thời gian chờ đợi họ ổn định cuộc sống. Thậm chí, quá trình này có thể còn kéo dài khi mà những người Hồi giáo bị cho là những người khá lười biếng, có tư tưởng cực đoan.

Trong khi nhiều người dân châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng, việc tiếp nhận lượng lớn người di cư có thể gây ra tình trạng bất mãn trong các nước này. Các phong trào chống lại người nhập cư đang gia tăng tại nhiều quốc gia châu Âu khi ngày càng có nhiều người tin rằng lực lượng này là đã cướp đi việc làm của họ. 

Vụ tấn công khủng bố tại Pháp có thể chỉ là sự mở màn của những gì mà châu Âu sẽ phải đối mặt như hệ quả của làn sóng di cư.
Vụ tấn công khủng bố tại Pháp có thể chỉ là sự mở màn của những gì mà châu Âu sẽ phải đối mặt như hệ quả của làn sóng di cư.

Vụ tấn công khủng bố tại Pháp có thể chỉ là sự mở màn của những gì mà châu Âu sẽ phải đối mặt như hệ quả của làn sóng di cư. Người châu Âu sẽ cảnh giác hơn và thắt chặt hơn đối với chính sách nhập cư. 

Nó chắc chắn sẽ châm ngòi cho nhiều tranh cãi lớn trong liên minh này về vấn đề nhập cư. Điều đó cũng sẽ đồng nghĩa với việc cánh cửa hướng tới hy vọng của hàng ngàn người chạy trốn bạo lực từ Trung Đông và châu Phi sẽ khép lại. 

Giải pháp tối ưu cho cuộc khủng hoảng hiện nay là các nước châu Âu cần phải đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố và thậm chí phải mạnh mẽ từ bỏ một số chính sách can thiệp của mình, chung tay bình ổn tình hình ở Trung Đông và châu Phi để những người tị nạn có thể trở về mái nhà xưa của họ an lạc./.

Nguyễn Hường