Nhật Bản đã thực sự vượt qua giới hạn "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí"

02/02/2014 08:57
Đông Bình
(GDVN) - Ấn Độ có thể mua ít nhất 15 thủy phi cơ US-2, có thể chi viện tầm xa cho tàu chiến, triển khai ở quần đảo Andaman Nicobar có thể thâm nhập Đông Nam Á.
Thủy phi cơ US-2 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Thủy phi cơ US-2 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 30 tháng 1 đưa tin, ngày 28 tháng 1, quan chức Ấn Độ tiết lộ, Ấn Độ dự định ký kết hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 1,65 tỷ USD với Nhật Bản.

Khi đó, Nhật Bản sẽ tiến hành xuất khẩu máy bay quân sự lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ hai, "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí" tiếp tục bị phá bỏ.

Có kế hoạch xuất khẩu 15 thủy phi cơ US-2

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 25 tháng 1 đến thăm Ấn Độ, thời gian chuyến thăm là 3 ngày, trong các vấn đề thảo luận giữa hai bên có việc Nhật Bản xuất khẩu cho Ấn Độ thủy phi cơ US-2, loại máy bay tìm kiếm cứu nạn.

Hãng tin Reuters ngày 28 tháng 1 dẫn lời một số quan chức Ấn Độ cho biết, Ấn Độ có thể mua ít nhất 15 chiếc thủy phi cơ này, mỗi chiếc có giá khoảng 110 triệu USD. Hai bên có kế hoạch tổ chức gặp gỡ vào tháng 3, bàn thảo chi tiết xuất khẩu máy bay.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết, hai bên đang thảo luận để cho Ấn Độ lắp ráp loại máy bay này, từ đó để Ấn Độ có thể sở hữu công nghệ quốc phòng Nhật Bản. Một quan chức Quân đội Ấn Độ nói: "Đối với hai bên, điều này (mua bán vũ khí) đều có tính cần thiết chiến lược".

Nguồn tin từ Quân đội Ấn Độ tiết lộ, Ấn Độ dự định mua 2 chiếc hoàn chỉnh, 2 chiếc khác do nhà sản xuất Ấn Độ tự lắp ráp trong nước. Một quan chức Ấn Độ nói, máy bay US-2 Nhật Bản cung cấp cho Ấn Độ là phiên bản dân dụng, sẽ gỡ bỏ hệ thống nhận diện địch-ta trên máy bay.

Quần đảo Andaman Nicobar Ấn Độ
Quần đảo Andaman Nicobar Ấn Độ

Một quan chức Quân đội Ấn Độ nói, máy bay US-2 sẽ dùng để chi viện tầm xa cho tàu chiến Ấn Độ. Loại máy bay này có hành trình trên 4.500 km. Hãng Reuters phân tích cho rằng, nếu nó triển khai ở quần đảo Andaman Nicobar của Ấn Độ, thì có thể thâm nhập khu vực Đông Nam Á.

Mở đường cho xâm nhập thị trường Ấn Độ

Hãng tin Reuters bình luận, giao dịch máy bay US-2 sẽ mở đường cho Nhật Bản xâm nhập thị trường trang bị quốc phòng Ấn Độ, một khách hàng vũ khí lớn nhất thế giới.

Quan chức Ấn Độ tiết lộ, Ấn Độ còn quan tâm tới tàu tuần tra và thiết bị tác chiến điện tử của Nhật Bản.

Trong thời gian chuyến thăm của ông Shinzo Abe, Thủ tướng Manmohan Singh cho biết, hai bên đang hợp tác, gia tăng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Ông Shinzo Abe nói: "Chúng tôi hy vọng tăng cường quan hệ với Ấn Độ trên phương diện an ninh".

Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Á, Bộ Ngoại giao Ấn Độ Gautam Bambawale nói: "Ấn Độ và Nhật Bản có rất nhiều hợp tác quốc phòng". "Chúng tôi cần công nghệ và đầu tư của Nhật Bản".

Tháng 1 năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Ấn Độ, tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh
Tháng 1 năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Ấn Độ, tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh

Báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy, từ năm 2007 đến năm 2011, Ấn Độ nhập khẩu tổng cộng 12,7 tỷ USD vũ khí, là thị trường vũ khí lớn nhất thế giới.

Đồng thời, Ấn Độ nỗ lực nuôi dưỡng công nghiệp quốc phòng nước này, coi chuyển nhượng công nghệ hoặc hợp tác sản xuất là một trong những điều kiện của hợp đồng đặt mua vũ khí.

Từng bước phá vỡ hạn chế xuất khẩu vũ khí

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ra sức thúc đẩy hủy bỏ hạn chế đối với việc Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể và hạn chế xuất khẩu vũ khí. Hãng tin Reuters bình luận, nếu như chương trình máy bay US-2 hoàn thành thủ tục mua bán sẽ có nghĩa là lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản xuất khẩu máy bay quân sự, có lợi cho ông Shinzo Abe phá bỏ hạn chế xuất khẩu vũ khí, đồng thời sẽ làm cho nhà thầu hàng quân dụng Nhật Bản được lợi, chẳng hạn Công nghiệp nặng Mitsubishi và Công nghiệp nặng Kawasaki.

Nguồn tin hco biết, Công nghiệp nặng Mitsubishi hứa hẹn cung ứng bộ kiện máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Công ty hệ thống hàng không vũ trụ Anh (BAE), đàm phán đã bước vào giai đoạn cuối. Nếu thỏa thuận đạt được sẽ là lần đầu tiên nhà thầu quốc phòng Nhật Bản tham gia chương trình vũ khí quốc tế.

Nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-35
Nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-35

Năm 1967, Nhật Bản ban bố thực hiện Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, tức là cấm xuất khẩu vũ khí cho các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, những nước bị nghị quyết của Liên hợp quốc cấm vũ khí và những nước đang có xung đột quốc tế. Năm 1976, khi đó nội các Takeo Miki lại tiến hành bổ sung cho các nguyên tắc trên, trên thực tế đã cấm toàn diện xuất khẩu vũ khí.

Đông Bình