Nhật Bản sẽ chế tàu ngầm, xây dựng đồng minh quân sự với Australia?

02/06/2014 05:50
Việt Dũng
(GDVN) - Nếu xây dựng đồng minh quân sự hoặc gần như đồng minh thì Nhật Bản sẽ giúp Australia xây dựng hạm đội tàu ngầm hoàn chỉnh, hai bên đang bàn khả năng hợp tác.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo, là một trong những loại tàu ngầm thông thường tiên tiến nhất thế giới
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo, là một trong những loại tàu ngầm thông thường tiên tiến nhất thế giới

Hãng tin Reuters ngày 29 tháng 5 đưa tin, Nhật Bản có kế hoạch xuất khẩu công nghệ tàu ngầm hoặc chế tạo tàu ngầm mới cho Australia, trợ giúp Australia xây dựng một lực lượng tàu ngầm hoàn toàn mới. 

Thỏa thuận hợp tác này nếu đạt được sẽ có nghĩa là Nhật Bản phá vỡ hạn chế và vùng cấm hiện nay trên phương diện xuất khẩu vũ khí mũi nhọn.

Thảo luận chương trình hợp tác tàu ngầm

Reuters dẫn nguồn tin từ Nhật Bản cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston gần đây đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đến thăm ở Perth, Australia; sau đó ông David Johnston sẽ còn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop thăm Nhật Bản vào tháng 6 tới, tổ chức hội đàm "2 + 2" với Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Xuất khẩu công nghệ tàu ngầm của Nhật Bản là một trong nội dung quan trọng của hội đàm hai bên.

Căn cứ vào chiến lược quốc phòng dài hạn do chính phủ Australia xây dựng, Australia sẽ từng bước thay thế 6 tàu ngầm động cơ thông thường lớp Collins đang hoạt động hiện nay, toàn bộ chương trình dự tính sẽ tiêu tốn 37 tỷ USD. Chính phủ Australia sẽ quyết định kiểu loại và số lượng chế tạo tàu ngầm mới vào tháng 3 năm 2015.

Tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Australia
Tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Australia

Chuyên gia công nghiệp đóng tàu cho biết, công trình này rất to lớn, dự kiến công tác thiết kế tàu ngầm mới cần thời gian khoảng 10 năm, hơn nữa, chế tạo một chiếc tàu ngầm cần thời gian 5 năm.

Chính phủ Australia ban đầu cam kết, công tác chế tạo tàu ngầm mới sẽ hoàn thành toàn bộ ở Australia, nhưng nghiên cứu của Công ty  RAND cho rằng, Australia thiếu nhà thiết kế để thiết kế, chế tạo tàu ngầm mới – một loại trang bị có mức độ phức tạp hơn máy bay hàng không. 

Báo cáo cho rằng, cách làm thực tế nhất của chính phủ Australia là tiến hành hợp tác với chính phủ hoặc doanh nghiệp nước ngoài cùng thiết kế, chế tạo tàu ngầm.

Tìm cách xây dựng đồng minh Nhật-Australia

Trong giai đoạn hiện nay, quan chức Australia quan tâm đến tàu ngầm động cơ thông thường lớp Soryu do công nghiệp nặng Mitsubishi và công nghiệp nặng Kawasaki Nhật Bản chế tạo.

Tàu ngầm cấp Soryu là tàu ngầm tiên tiến nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, bắt đầu biên chế cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản vào năm 2009. Đặc điểm lớn nhất của loại tàu ngầm này là ngoài trang bị động cơ dầu diesel thông thường, 

còn trang bị động cơ Stirling, có thể hoạt động trong điều kiện không cần không khí, vì vậy không nhất thiết phải liên tục nổi lên mặt nước như tàu ngầm động cơ bình thường, không dễ bị trinh sát và theo dõi.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera bên lề hội nghị an ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La năm 2014
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera bên lề hội nghị an ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La năm 2014

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Johnston vào tháng 4 năm nay cho biết, ông cho rằng tàu ngầm lớp Soryu là tàu ngầm động cơ thông thường tốt nhất trên thế giới hiện nay. 

Ông hy vọng Nhật Bản và Australia trước tiên tăng cường hợp tác trên phương diện thuỷ động học biển, sau đó từng bước mở rộng lĩnh vực hợp tác, cuối cùng ký kết thỏa thuận khung hợp tác lĩnh vực kỹ thuật quân sự.

Một số quan chức quân đội và nghị sĩ Nhật Bản cho biết, nếu Australia đáp ứng "một số điều kiện" thì Nhật Bản không chỉ có thể xuất khẩu công nghệ tàu ngầm lớp Soryu cho Australia, mà còn có thể tiến hành nâng cấp cải tạo công nghệ tàu ngầm lớp Soryu hiện có, xây dựng hạm đội tàu ngầm hoàn chỉnh cho Australia.

Phân tích của Reuters cho rằng, một trong những "một số điều kiện" mà Nhật Bản đưa ra là Australia cùng Nhật Bản ký kết thỏa thuận khung chính sách an ninh, xây dựng đồng minh quân sự hoặc quan hệ gần như đồng minh giữa Nhật Bản-Australia.

Chuyên gia cảnh cáo rủi ro hợp tác

Hãng tin Reuters dẫn lời của chuyên gia phân tích cho rằng, chính phủ Nhật Bản tích cực thúc đẩy xuất khẩu công nghệ tàu ngầm cho Australia, dụng ý là muốn "một mũi tên trúng hai đích", một mặt có thể phá vỡ hạn chế nghiêm ngặt xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản trong nhiều năm qua, mặt khác có thể làm cho các doanh nghiệp công nghiệp vũ khí Nhật Bản như công nghiệp nặng Mitsubishi và công nghiệp nặng Kawasaki tiến vào thị trường vũ khí mũi nhọn, cỡ lớn trên thế giới.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Chuyên gia phân tích đồng thời cho rằng, Nhật Bản và Australia nếu đạt được thỏa thuận như chuyển nhượng công nghệ tàu ngầm hoặc hợp tác chế tạo tàu ngầm, chắc chắn sẽ gây cảnh giác cho Trung Quốc.

Giáo sư Hugh White, nhà nghiên cứu chiến lược, Đại học quốc gia Australia cho rằng: "Nếu chúng ta xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trên phương diện công nghệ nhạy cảm như công nghệ tàu ngầm, thì có thể sẽ bị Trung Quốc giải thích là phát triển theo phương hướng xây dựng quan hệ đồng minh Nhật Bản-Australia".

"Đối với Australia, 30 năm tới ràng buộc với Nhật Bản, chắc chắn sẽ là một cuộc đánh bạc" - báo Trung Quốc dẫn lời Hugh White tuyên truyền.

Theo bài báo, nếu Nhật Bản xuất khẩu công nghệ tàu ngầm lớp Soryu cho Australia, sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản xuất khẩu hoặc chuyển nhượng công nghệ công nghiệp quốc phòng mũi nhọn như thế sau Chiến tranh, chắc chắn sẽ bị nội bộ Nhật Bản phản đối và hoài nghi.

Bài báo dẫn "quan chức Nhật Bản giấu tên" cho biết: "Đối với chúng tôi, nhanh chóng đạt được thỏa thuận là không thể. Chúng tôi cần phải thực hiện hợp tác từng bước".

Tàu ngầm AIP lớp Soryu Nhật Bản
Tàu ngầm AIP lớp Soryu Nhật Bản
Ngoài ra, một số quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản lo ngại, xuất khẩu công nghệ tàu ngầm cho Australia cũng có thể sẽ làm cho một phần "công nghệ nhạy cảm" của doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản bị tiết lộ, từ đó ảnh hưởng đến an ninh quân sự của Nhật Bản.
Việt Dũng