Những phát ngôn ấn tượng nhất trong năm 2011

12/12/2011 16:37
Ngọc Quang (Tổng hợp)
(GDVN) - Thủ tướng phát biểu thẳng thắn về vụ Vinashin, ĐBHQ Dương Trung Quốc: “Không có luật biểu tình nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn”...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: “Vinashin như thế, tôi hết sức đau xót”

“Vinashin như thế, tôi hết sức đau xót, vì đây là kinh tế nhà nước, chúng ta xây dựng nó là chủ đạo, là nòng cốt. Tuy nó làm được một số việc, nhưng mặt trái như thế thì rất ảnh hưởng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị về đổi mới doanh nghiệp nhà nước hôm 8/12.

Đề cập việc có nhiều cấp quản lý đối với một tập đoàn (hội đồng thành viên, bộ chủ quản, các bộ tổng hợp, Thủ tướng, Chính phủ và SCIC) nhưng trách nhiệm quản lý vẫn chưa rõ ràng, Thủ tướng nói: “Khi xảy ra vụ việc thì cuối cùng Thủ tướng nhận trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm chính trị với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi chưa bao giờ ra quyết định nào cho Vinashin làm bậy cả”.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khiến nhân dân cả nước thỏa mãn khi trả lời chất vấn tập trung vào các vấn đề “nóng”, đó là tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước 2015, xử lý nghiêm minh, thậm chí cho giải thể nếu kinh doanh thua lỗ kéo dài, rà soát lại khai thác khoáng sản và quản lý chặt chẽ hơn danh mục này.

Đối với chủ quyền biển đảo Việt Nam, Thủ tướng cũng một lần nữa khẳng định Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. “Chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật biển năm 1982”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước”

Tại Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” ngày 20/9, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã tạo nên “chấn động” trong giới truyền thông, khiến hàng triệu người dân nhất loạt ủng hộ với câu nói kinh điển “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước”.

Bộ trưởng cũng khẳng định việc giảm giá xăng là có cơ sở và hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về vấn đề này. "Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước… Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi xin tuyên bố sẽ không cho phép doanh nghiệp nào bỏ việc lưu thông xăng dầu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 86 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ này”, Bộ trưởng Huệ khẳng định.

Vậy là Bộ trưởng Huệ đã thực hiện đúng những gì ông đã phát ngôn sau khi nhậm chức: “Sẽ lập lại trật tự trên thị trường xăng dầu, công khai minh bạch các khoản lỗ, lãi trong lĩnh vực vốn nhạy cảm, rất tác động tới đời sống nhân dân”.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIII, Bộ trưởng Vương Đình Huệ là một trong 5 Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Và một lần nữa Bộ trưởng Huệ đã làm nức lòng cử tri cả nước khi ông trả lời thẳng thắn vào các câu hỏi của đại biểu. Đặc biệt, khi kết thúc phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Huệ khẳng định: “Theo tôi giải pháp của mọi giải pháp là minh bạch và công khai. Nhà nước thấy điều gì chưa phù hợp sẽ điều chỉnh, còn cán bộ các cấp thực hiện công vụ phải làm đúng chức trách, doanh nghiệp phải minh bạch số liệu. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải công khai số liệu lỗ lãi của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước. Nếu chúng ta không minh bạch thì không thể tái cơ cấu lại được”.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: "Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu”

Ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã nói rằng: "Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành, phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”.

Ngày 4/10, khi thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành khách Sân bay quốc tế Đà Nẵng, vị Tư lệnh thứ 13 của ngành GTVT đã “trảm tướng” ngay tắp lự. Theo kế hoạch, lẽ ra nhà ga phải đưa vào khai thác từ quý I/2010 nhưng tiến đô thị công đã chậm gần 2 năm. Khi các nhà thầy biện bạch muốn tăng cường nhân lực thì phải đưa từ Hà Nội vào mới đáp ứng được khâu hoàn thiện, Bộ trưởng Thăng nói ngay: “Các ông đùa à? Thợ Đà Nẵng nổi tiếng về khâu hoàn thiện, ở Hà Nội còn mời họ ra, làm gì phải đưa từ Hà Nội vào. Vấn đề là ông trả tiền không thỏa đáng nên người ta không làm thôi!”.

Trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Thăng lại “trảm tướng” ở dự án đường cao tốc Trung Lương – TP.HCM, và tiếp sau đó là một số dự án khác. Ông cũng ra văn bản cấm cán bộ lãnh đạo cấp cao của Bộ chơi Golf để tập trung toàn bộ trí lực cho những vấn đề nóng bỏng của ngành giao thông. Trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Thăng cũng tỏ ra rất thẳng thắn khi thừa nhận những vấn đề còn tồn tại trong ngành GTVT, đồng thời khẳng định sẽ tập trung mọi giải pháp cần thiết để chống ùn tắc giao thông đô thị, ngăn chặn tình trạng các công trình chậm tiến độ và kém chất lượng. Vị Tư lệnh ngành thứ 13 khẳng định rằng, một trong những vấn đề cần thiết là phải nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

ĐBHQ Dương Trung Quốc: “Không có luật biểu tình nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn”

“Nếu chúng ta chỉ nhìn một mặt thì chúng ta chỉ nhìn thấy mặt hỗn loạn của nó thôi. Bây giờ chúng ta đang chứng kiến những sự kiện trong quá trình hội nhập thế giới, việc biểu tỏ thái độ của người dân là cần thiết, nó có nhiều diễn đạt khác nhau, tụ tập đông người mà thực chất là biểu tình. Chính bởi vì không có luật nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn”, ông Quốc cho hay.

Nhà sử học Dương Trung Quốc còn dẫn chứng Hiến pháp năm 1959 chữ “biểu tình” đã được đưa vào trong chính văn khi bàn về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ông Quốc nêu quan điểm: “Như thế nó không phải xa lạ, chúng ta thấy tất cả trong thực tiễn lịch sử những cuộc biểu tình ấy có thể phát huy cả hai mặt. Đứng từ lợi ích chính trị của một thể chế, chúng ta thấy cuộc biểu tình chống chính quyền Sài Gòn, đặc biệt ở đô thị đã tác động tích cực vào quá trình của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thời kỳ đổi mới khi những hiện tượng diễn ra ở tỉnh Thái Bình nơi từng có truyền thống của tiếng trống Tiền Hải. Nếu quan niệm đơn giản như ĐB Phước ở TPHCM chỉ có cách dẹp bỏ, nhưng chính lúc đó các nhà lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã trực tiếp đi vào tận tâm bão tìm hiểu thì thấy hai mặt của vấn đề: Có những yếu tố kích động nhưng cũng có những yếu tố thực tế, có vấn đề trong bộ máy lãnh đạo cầm quyền, vì vậy dẫn đến điều chỉnh một cách thích hợp. Không phải tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ cũng chủ động đề nghị đưa vào chương trình luật pháp về Luật Biểu tình. Có Luật Biểu tình càng sớm càng tốt. Thóa mạ những người biểu tình như thế, chúng ta đi ngược lại những tuyên bố chính thức của Nhà nước rằng đó là những người yêu nước, cách biểu thị của họ không thích hợp trong hoàn cảnh này vì chúng ta chưa có luật”.

Tuy nhiên, ĐBQH Hoàng Hữu Phước thì lại nói: “Tôi kính đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật Lập hội và Luật Biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII”.

Theo ĐB Phước, Luật Lập hội là để tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Còn với Luật Biểu tình, trong tiếng Anh biểu tình, tức là Demonstration luôn để chống Chính phủ nước mình hay một chủ trương của Chính phủ. Ông Phước phân tích: “Việt Nam có cần các cuộc biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không? Nếu không cần tại sao lại đưa dự án Luật Biểu tình”.

TS Nguyễn Văn Khải: “Tôi xin đi tù nếu không chữa được bệnh tay chân miệng”

TS.Nguyễn Văn Khải thông báo chữa bệnh “chân tay miệng” miễn phí cho trẻ em như sau: Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bất kể nơi đâu kể cả vùng sâu vùng xa, vùng núi cao hẻo lánh, nếu có trẻ em nào xuất hiện nốt đỏ ở chân tay, bị phồng rộp trong miệng (bệnh tay chân miệng) thì hãy liên lạc với ông già ozon – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải theo số điện thoại: 0904.183.670 – địa chỉ email: khaiozone@gmail.com. Chỉ sau 2 ngày, tôi sẽ có mặt để chữa bệnh miễn phí cho trẻ em.

Chỉ cần 2 chai nước muối (người có thể uống được) có thể cứu được 10 con trâu bò bị bênh lở mồm long móng, lợn bị bênh tai xanh, gia cầm bị cúm. Loại nước muối điện này (anolyt) đã được Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là nước sát trùng. Thậm chí ông Hoàng Văn Năm – Cục trưởng Cục Thú y – đã gọi đây là phao cứu sinh của nông dân. Đây là nước muối sạch 99,7%, có nồng độ 5g/lít, nhạt hơn nước canh. Nên uống sau khi tập thể dục, hoặc vận động nhiều, bị mất mồ hôi.

Tôi xin đảm bảo giả sử cháu nào có 3 vết mụn ở chân, nếu sau 2 ngày rửa bằng nước này, mụn tăng lên dù chỉ một nốt, tôi sẽ xin đi tù vì không giúp được cháu. Rất mong tin tức này đến được với đông đảo bà con gần xa, để kịp thời chữa bệnh được cho các cháu nhỏ, giảm thiểu các nguy hiểm đáng tiếc có thể xảy ra.

Sau đó, có hàng nghìn người tìm tới TS.Khải xin Anlolyt và ông cũng vào Ninh Thuận, xuống Hải Phòng để giúp dân. Sau khi TS.Khải bị “đuổi khéo” khỏi BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, Bộ Y tế đã thông tin giao cho Viện Pasteur Nha Trang nghiên cứu phương pháp này của TS.Khải và báo cáo Bộ trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, gần hai tuần sau đó, tiếp xúc với PV Báo GDVN, TS.Viên Quang Mai – Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang lại nói rằng: “Hiện nay, chúng tôi chưa làm gì cả, để nghiên cứu sâu về vấn đề này thì cần có thời gian, cần có sự phối hợp của các đơn vị, các bộ phận khác nữa chứ mình Viện thì không thể làm được. Hơn nữa, Bộ cũng chưa có văn bản yêu cầu Viện làm việc này, tất cả mới chỉ dừng lại ở lời nói vậy thôi. Chúng tôi đang tập trung hết sức vào việc phòng chống dịch chứ làm gì đã có thời gian mà nghiên cứu vấn đề ấy”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Không nên coi điểm lịch sử thấp là thảm họa"

Trả lời phỏng vấn báo chí, khi nói về tình trạng có hàng ngàn điểm không môn lịch sử ở kì thi đại học 2011, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải thích: “Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém.

Đã là cuộc thi tuyển đại học thì đề thi có sự phân loại để tuyển chọn. Vừa qua, học sinh theo đuổi ngoại ngữ, tin học… những môn như Lịch sử và Văn học bị xem nhẹ hơn chút. Chúng ta đừng coi đó là thảm họa rồi quy là chú trọng đẩy cái này, sao nhãng cái kia.

Kể cả nước Mỹ và nhiều nước khác đều có tình trạng này chứ không phải chỉ ở Việt Nam. Khi mà khoa học lịch sử có ít tiếng nói trong cuộc sống hiện đại, khi mà cơ hội tìm việc làm của những người giỏi Sử ít đi thì môn Sử sẽ không hấp dẫn học sinh như các môn khác. Nếu không có tin học thì người ta sẽ không sống được trong cuộc sống hiện đại, vì thế họ phải học. Và khi học rồi sẽ tìm thấy thu nhập cao, công việc tốt thì người học tự dưng thấy hay.

Có những thứ mà do thời đại, do xu thế phát triển mà người ta phải học. Trở lại vấn đề, điểm Sử thấp, môn Sử kém hấp dẫn là chuyện của thời đại, của thế hệ này dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ, sự đòi hỏi của thị trường lao động".
Về chuyện có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử, đại đa số dư luận đều coi là không bình thường. Tuy nhiên cũng có một số nhà khoa học cho rằng: Nếu đột nhiên năm nay có hàng ngàn điểm 0 lịch sử thì nguyên nhân là do bộ phận ra đề thi đã ra đề quá khó.

"Lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp"

Tại hội thảo Tác động của thị trường bất động sản lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách tổ chức ngày 18/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, với giá cả nhà và mức lương như hiện nay, người nghèo không thể mua được nhà thu nhập thấp.

Theo ông Nam, để giải bài toán nhà thu nhập thấp, Nhà nước và doanh nghiệp cần có giải pháp kéo giá nhà xuống, bằng cách ưu đãi chính sách, điều chỉnh quy mô và độ hoàn thiện của căn nhà ở mức hợp lý, đồng thời phải nâng dần thu nhập, mức sống của người dân.

Theo lãnh đạo Bộ, đặt bài toán cho ngành xây dựng là phải làm nhà để người có mức lương 2 triệu đồng mua được nhà là điều không thể. "Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương, đừng nghĩ đến chuyện mua nhà. Cỡ như Bộ trưởng, chúng tôi tính còn 40 năm mới mua được", ông Nam thẳng thắn.

Nguồn cơn khiến ông Nam phải phát biểu như vậy là gần đây dư luận bức xúc giá nhà thu nhập thấp quá cao so với khả năng chi trả của lao động nghèo. Thậm chí có người tính toán với thu nhập dưới 5 triệu một tháng, họ phải nhịn ăn, nhịn uống, nhịn mặc ròng rã 15 năm mới mua được nhà.

"Lương EVN 7,3 triệu đồng không đủ sống ở thành thị"

Tại buổi họp công khai khoản lỗ của ngành điện chiều 19/11, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, lương bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn ngành điện là 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Riêng năm 2010, ông Thanh không đưa ra con số cụ thể mà chỉ cho biết, lỗ bằng 95% lương.

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn cho hay, lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng một tháng và chia sẻ "rất đau lòng khi thấy lương nhân viên chỉ có ngần đó".

Trước thắc mắc, ngành điện kêu lỗ nặng, nhưng cán bộ công nhân viên "nhà đèn" vẫn có mức lương khá cao, ông Phạm Lê Thanh thừa nhận là có phản ánh đó. Tuy nhiên, theo ông, cần xem xét cụ thể bởi đó có thể là lương, có thể là thu nhập. Còn lương để hạch toán vào giá thành điện thì chỉ 7,3 triệu đồng mỗi tháng.

“Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được. Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”, ông Thanh nói.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định: “Luật cũng không nói rõ…”

Vụ tuyển công chức Nam Định cách đây hơn 2 tháng đã trở thành một “quả bom” với ngành giáo dục. Trong thông báo số 59 của UBND tỉnh Nam Định về việc tuyển  dụng công chức năm 2011, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo rõ: “Chỉ tiếp nhận những người tốt nghiệp đại học chính quy dài hạn trong các trường công lập thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập về làm công chức hành chính ở các lĩnh vực quản lý nhà nước…”.

Khi báo chí vào cuộc, ông Tiệp đã thừa nhận ông cũng từng học tại chức, nhưng… “ngày xưa khác, ngày nay khác”. Ông Tiệp thông tin, chủ trương này được áp dụng cho năm 2011 và là năm đầu tiên thực hiện. “Chủ trương này được thực hiện khi có rất nhiều ý kiến chất vấn lãnh đạo tỉnh trong các kỳ họp hội đồng nhân dân. Tỉnh cũng đã đấu tranh tư tưởng và đưa ra bàn thảo, tiếp thu ý kiến. Thực tế, chúng tôi cũng thấy trong luật quy định bình đẳng giữa các trường nhưng luật cũng không nói rõ là cấm người tuyển dụng được chọn người”.

Trong trường hợp này, đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau, có người coi chuyện này là “bình thường”, có người bảo Nam Định “lách luật”, còn những người đặt vấn đề ở trình độ lý luận cao thì nói “Nam Định làm vậy là cửa quyền”.

Ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ Đảng đã nói rằng: “Một trong những vấn đề căn bản nhất ở đây là cơ quan tuyển dụng của nhà nước hay tư nhân khác nhau ở địa vị pháp lý. Một trong những tiêu chí căn bản để hướng tới một Nhà nước pháp quyền là cán bộ lãnh đạo đại diện cho cơ quan Nhà nước được làm những gì luật cho phép, còn người dân được làm những gì luật không cấm và tuân thủ theo pháp luật.
 ‘Người sử dụng lao động’ ở đây là cơ quan Nhà nước, mà ở đó lãnh đạo là người đại diện cho cơ quan ấy, để tuyển chọn nhân sự; nhân sự ấy khi đã trở thành công chức nhà nước cũng có nghĩa là ‘công bộc của dân’ theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đó cũng là điều mà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đang phấn đấu làm tròn.

Những người tuyển dụng ở đây đang đại diện cho cơ quan Nhà nước, chứ không phải là tuyển dụng cho công ty tư nhân, vì vậy cần đảm bảo sự công bằng, đảm bảo quyền của công dân, tuyển dụng cho cơ quan Nhà nước mà nói theo kiểu ‘có quyền’ thì cũng có nghĩa ‘cửa quyền’, điều đó là không thể chấp nhận được.

Ngọc Quang (Tổng hợp)