Những vấn đề sau "phán quyết kỳ lạ" của Tòa án nhân dân thị xã La Gi

11/03/2016 07:05
LUẬT SƯ TRƯƠNG ANH TÚ
(GDVN)-TAND thị xã La Gi bất chấp pháp luật, đưa ra phán quyết "thiên vị" cho nguyên đơn trong vụ tranh chấp đất đai tại xã Tân Bình, thị xã La Gi, Bình Thuận.

Người mua nhà đúng pháp luật bỗng dưng trắng tay sau phán quyết lạ của Toàn án nhân (TAND) dân thị xã La Gi. Đây được cho là quyết định hết sức liều lĩnh của Thẩm phán. 

Theo đó, sau phiên tòa sơ thẩm ngày 24/2/2016 diễn ra tại TAND thị xã La Gi, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên một bản án kỳ lạ, hủy hợp đồng chuyển nhượng một cách vô lý của bà Ly (người nhận chuyển nhượng đất hợp pháp, nhưng không giải quyết hậu quả của việc hủy hợp đồng do vô hiệu. 

Trước tiên, việc TAND thị xã La Gi tiến hành thụ lý vụ án này là không hợp lý và không hợp pháp. Bởi lẽ, vụ việc đã được giải quyết bằng hàng loạt các quyết định của Tổng cục Thi hành án Dân sự và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận trên cơ sở các cuộc họp chuyên môn và quyết nghị của ba ngành Trung ương. 

Trên nguyên tắc một vụ việc không được giải quyết hai lần theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 168 BLTTDS “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, nên việc TAND thị xã La Gi trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án sẽ là việc làm đúng pháp luật.

Mặt khác, bà Dạ Thảo trong trường hợp này không có

Những vấn đề sau "phán quyết kỳ lạ" của Tòa án nhân dân thị xã La Gi ảnh 1

Một phán quyết gây xôn xao của Toàn án nhân dân thị xã La Gi

quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng theo quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện”.

Đây là một trong những căn cứ pháp luật để Tòa án trả lại đơn khởi kiện và ra quyết định đình chỉ vụ án". 

Trong vụ án này, dù đã “có thừa” căn cứ pháp luật để trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn và ra quyết định đình chỉ vụ án, nhưng Thẩm phán vẫn tiến hành thụ lý vụ án.

Đây là điều khó hiểu nhất mà trước đó đương sự cũng có thắc mắc với Tòa nhưng không được TAND thị xã La Gi trả lời một cách thỏa đáng. 

Ngoài việc thẩm phán “cố tình” thụ lý vụ án thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, chúng tôi còn phát hiện ra hàng loạt những vi phạm và thiếu sót của thẩm phán trong hoạt động tố tụng.

Đầu tiên là việc Thẩm phán xác định thiếu và sai tư cách tố tụng cho các đương sự.

TAND thị xã La Gi đã xác định tư cách tham gia tố tụng của bà Nguyễn Thị Khánh Ly là bị đơn.

Bà Ly là người mua nhà ngay tình và hợp pháp từ vợ chồng ông Hùng – bà Thuận, bà Ly không xâm phạm đến quyền và lợi ích của bà Dạ Thảo nên không thể xác định bà Khánh Ly là bị đơn trong vụ việc này. Bà Khánh Ly phải được xác định là “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” trong vụ án. 

Bên cạnh đó, Thẩm phán không xác định tư cách đương sự cho ông Đỗ Cao Thắng – chồng bà Khánh Ly cũng là một sai phạm nghiêm trọng.

Tài sản do bà Khánh Ly nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Hùng – bà Thuận là tài sản bà Ly nhận chuyển nhượng trong thời kỳ hôn nhân.

Do vậy, đây là tài sản chung giữa bà Ly và chồng là ông Đỗ Cao Thắng. Bà Ly cũng có yêu cầu với TAND thị xã La Gi là phải chờ ông Thắng đi nước ngoài về mới giải quyết vụ việc để ông Thắng tham gia tố tụng. 

Tuy nhiên lý do gì mà Thẩm phán “vội vàng” mang vụ án ra xử bất chấp quy định của pháp luật? Trong bản án số 16/2016/DS-ST ngày 24/2/2016  HĐXX đã “ngụy biện” cho sai phạm này của Thẩm phán bằng những ngôn từ rất “ngô nghê”.

“Theo kết quả xác minh, ông Thắng xuất cảnh ngày 3/9/2015, Hợp đồng chuyển nhượng ký ngày 12/6/2014, ông Thắng có mặt tạo địa phương nhưng không tham gia ký, quá trình xử lý kê biên, đấu giá tài sản trên để thi hành án, ông Thắng cũng không tham gia, không có ý kiến". 

Tòa án đã yêu cầu bà Ly cung cấp địa chỉ của ông Thắng, các tài liệu chứng cứ thể hiện việc liên quan của ông Thắng nhưng bà Ly không cung cấp.

Theo luật Hôn nhân gia đình thì vợ chồng cũng có quyền có tài sản riêng. Xét tất cả các vấn đề trên và phạm vi khởi kiện của vụ án thì ông Đỗ cao thắng không phải là đương sự, không có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án”. 

Thẩm phán không hề trích dẫn luật cụ thể mà nói một cách “bâng quơ” là “theo Luật hôn nhân gia đình”, và cho mình quyền tự định đoạt đây là tài sản riêng của chị Ly trong khi chính chị Ly và anh Thắng không ai thừa nhận như vậy.

Tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng quy định rõ.

“Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng”. 

Việc thẩm phán TAND thị xã La Gi không xác định tư cách tố tụng của ông Thắng là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Ly và ông Thắng.

Nếu tuân thủ đúng pháp luật trong việc xác định tư cách đương sự trong trường hợp này, thì vụ án nhiều khả năng thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh vì có yếu tố nước ngoài, khi ông Thắng đang ở Anh Quốc. 

Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (ảnh: Nhân vật cung cấp).
Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nghiêm trọng hơn nữa khi Thẩm phán không xác định tư cách đương sự cho Ngân hàng Đông Á – Phó giám đốc chi nhánh La Gi, vì đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng là nhà và quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 23 đường Cách mạng tháng 8, khu phố 4, phường Bình Tân, thị xã La Gi, Bình Thuận đã được ông Hùng – bà Thuận thế chấp để vay vốn tại Ngân hàng Đông Á – Phòng Giao dịch La Gi (Ngân hàng) từ năm 2012.

Tức là từ trước khi có bản án và thỏa thuận giữa ông Hùng – bà Thuận với vợ chồng bà Phan Dạ Thảo, Ngân hàng là bên nắm giữ tài sản thế chấp.

Giao dịch chuyển nhượng trên là việc bán nhà để trả nợ Ngân hàng và phải được sự đồng ý, chấp thuận của ngân hàng thì giao dịch này mới có thể thực hiện được. 

Tính hợp pháp của giao địch dược thừa nhận dựa trên những quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm và Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. 

Nếu thực sự giao dịch chuyển nhượng trên xâm phạm tới lợi ích của bà Dạ Thảo thì Ngân hàng Đông Á trong trường hợp này cũng phải được xác định là bị đơn vì đối tượng của giao dịch chuyển nhượng chính là tài sản thuộc về Ngân hàng.

Việc Thẩm phán không xác định tư cách tố tụng của Ngân hàng Đông Á trong vụ án này là một thiếu sót rất lớn, cực kỳ nghiêm trọng. 

Tóm lại, do những vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng và trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nên Thẩm phán đã đánh giá vụ án hoàn toàn sai lệch theo một góc nhìn khác và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả giải quyết vụ án.

Hệ quả kéo theo là Tòa tuyên bản án sơ thẩm “lạ lùng”, liều lĩnh hôm 24/2/2016.

Về nội dung, trong quá trình áp dụng pháp luật và đánh giá vụ án thẩm phán đã có nhiều sai sót, thậm trí phiến diện khi xét xử, đơn cử: Ngay tại phần xét hỏi, HĐXX đã tỏ ra vô cùng phiến diện khi hỏi bà Dạ Thảo: “Từ khi nào nguyên đơn biết ông Hùng – bà Thuận có hành vi tẩu tán tài sản để yêu cầu UBND thị xã La Gi ngăn chặn trước giao dịch này?”.

Như vậy, khi chưa tuyên án nhưng thẩm phán đã mặc định việc chuyển nhượng giữa các đương sự là hành vi “tẩu tán tài sản”. 

Trong quá trình xét xử, HĐXX hoàn toàn không xem xét đến những quan điểm và bằng chứng mà luật sư và các đương sự đưa ra, đó là: "Giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Khánh Ly và vợ chồng ông Hùng – bà Thuận tuân thủ đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự 2005".

Giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Khánh Ly và vợ chồng ông Hùng – bà Thuận là hợp pháp và có sự chấp thuận của Ngân hàng Đông Á – Phòng giao dịch La Gi và trong giao dịch chuyển nhượng này, bà Khánh Ly là người mua nhà hợp pháp, ngay tình. 

Nghĩa vụ trả nợ của ông Hùng – bà Thuận đối với Ngân hàng Đông Á phát sinh trước nghĩa vụ trả nợ cho bà Phan Dạ Thảo trong vụ án trước đó.

Do vậy, việc ông Hùng – bà Thuận bán nhà cho bà Khánh Ly và dùng toàn bộ số tiền chuyển nhượng đó để trả nợ cho Ngân hàng là một việc làm hết sức bình thường.

Nếu không có giao dịch chuyển nhượng này, thì nhà đất đã được thế chấp tại Ngân hàng cũng sẽ được Ngân hàng mang ra xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chứ tài sản không thể và không bao giờ thuộc về bà Dạ Thảo.

Ở phần tuyên án, HĐXX cho rằng việc chuyển nhượng giữa các đương sự không tuân thủ quy định của pháp luật vì nhà đất chuyển nhượng đang có tranh chấp? 

Trong khi đó, tất cả các cơ quan có thẩm quyền như Tổng cục thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận, UBND thị xã La Gi, Công an thị xã La Gi đều thừa nhận việc kê biên nhà của bà Khánh Ly để thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã La Gi là sai, đồng thời cũng thừa nhận giao dịch chuyển nhượng nhà đất trước đó giữa các đương sự là đúng luật. 

Sự thừa nhận này được thể hiện rõ trong các văn bản của Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận và trong việc UBND thị xã La Gi chấp thuận cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho bà Khánh Ly sau khi quá trình chuyển nhượng hoàn tất.

Như vậy, chỉ có TAND thị xã La Gi là cơ quan duy nhất cho rằng việc mua bán chuyển nhượng giữa các bên là trái luật, Phán quyết của Tòa án trong vụ việc này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần các quy định của pháp luật liên quan.

Phía Luật sư và các bị đơn trình bày rất kỹ về quy trình giao kết hợp đồng, bởi tài sản đã thế chấp Ngân hàng nên để được Ngân hàng đồng ý giải chấp, bà Khánh Ly buộc phải chuyển trước một số tiền cho Ngân hàng.

Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà Thẩm phán “bỏ ngoài tai” mọi trình bày của đương sự và Luật sư, “không hiểu” bản chất của vấn đề và cho rằng việc ông Hùng – bà Thuận đã trả nợ cho Ngân hàng trước thời hạn và cố tình bán nhà cho bà Ly là thực hiện hành vi tẩu tán tài sản.

Bất ngờ hơn nữa, Thẩm phán tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng một cách vô lý mà lại không giải quyết hậu quả của việc hủy hợp đồng do vô hiệu, tuy nhiên theo Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau.

"1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật."

Như vậy thẩm phán đã “gieo nhân” nhưng không cho “ra quả”. Chưa hết, đối với việc người mua đã bỏ tiền ra cải tạo nhà, thẩm phán không giải quyết triệt để trong vụ án mà “hướng dẫn” đương sự khởi kiện trong vụ án khác nên Luật sư mới có nhận định thẩm phán xét sử theo kiểu thầy bói xem voi là thế. 

Nhận thấy, ngoài những vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng, Thẩm phán còn mắc rất nhiều sai lầm trong quá trình áp dụng pháp luật và đánh giá vụ án dẫn tới việc ra một bản án “lạ lùng”, phiến diện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

Được biết, hiện tại, các bị đơn đã có đơn kháng cáo đến TAND tỉnh Bình Thuận để giải quyết theo thẩm quyền.

LUẬT SƯ TRƯƠNG ANH TÚ