Ở Thanh Hóa, mới chỉ sáp nhập thôn mà dân đã rất vui mừng

23/07/2018 07:36
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Việc triển khai đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã trở thành phong trào, có sức lan tỏa sâu, rộng...

Tiếp theo kỳ trước

LTS: Thực hiện quy định sáp nhập thôn, tổ dân phố từ việc tổ chức thí điểm sáp nhập thôn tại xã Định Liên, sau đó tiếp tục nhân rộng tại một số xã của huyện Yên Định, Thiệu Hóa và Quảng Xương... đến nay, việc triển khai đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã trở thành phong trào, có sức lan tỏa sâu, rộng. Trong tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực.

Phương châm “mưa dầm thấm sâu”

Quá trưa, trưởng thôn 2, xã Định Tiến (Yên Định), ông Mai Thanh Nguyện mới trở về nhà sau khi hoàn tất nhiệm vụ tuyên truyền nếp sống mới tại khu dân cư.

Ông Nguyện năm nay đã 55 tuổi, có thâm niên làm trưởng thôn nhiều hơn bất cứ vị trưởng thôn nào trong xã. Dáng gầy gò, nhưng ông được trời phú cho sức khoẻ nên rất hoạt bát, nhanh nhẹn.

Đợt sáp nhập thôn năm 2013, ông Nguyện tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu, giữ chức trưởng thôn cho đến nay.

Cũng từ khi thôn 2 hoàn tất việc sáp nhập thôn, công việc của ông có phần vất vả hơn. Ông nói: “Muốn chủ trương của Đảng, Nhà nước phát huy thực tiễn tại cơ sở thì cán bộ, đảng viên phải gần dân, gắn bó sâu sát với dân để chủ động nắm bắt, xử lý từng vấn đề phát sinh ngay trong từng hộ dân.

Làm tốt điều này sẽ tạo sự đoàn kết, thống nhất khi thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và việc sáp nhập thôn, tổ dân phố nói riêng”, trưởng thôn Mai Thanh Nguyện chia sẻ.

Chiếc máy tính cũ kỹ là phương tiện giúp ông Mai Thanh Nguyện cập nhật tin tức hàng ngày. Ảnh: Quốc Toản.
Chiếc máy tính cũ kỹ là phương tiện giúp ông Mai Thanh Nguyện cập nhật tin tức hàng ngày. Ảnh: Quốc Toản.

Năm 2013, làng Lang Thôn bắt tay vào việc thực hiện sáp nhập thôn 3 với 114 hộ dân và thôn 4 với 114 hộ dân thành thôn 2. Thời điểm trước khi sáp nhập thôn, mỗi thôn đều có số người hoạt động không chuyên trách lên tới cả chục người.

Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm hoàn thành việc sáp nhập thôn, ngoài việc giảm được số người hoạt động không chuyên trách, thôn đã huy động trong nhân dân được 1,3 tỷ đồng kết hợp với nguồn vốn kích cầu của Nhà nước để hoàn thiện hơn 1 km đường giao thông nội đồng, mương dẫn nước, phục vụ cho sản xuất. Điều này góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân trong thôn.

Thôn 2 chỉ là một trong số 16 thôn của xã Định Tiến thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Thông tư số 04/2012/TT-BNV. Trước thời điểm sáp nhập thôn (năm 2013), toàn xã có 16 thôn, với 100% thôn có quy mô dưới 200 hộ dân.

Số người hoạt động không chuyên trách lên tới hơn 80 người, chưa tính trưởng, phó các đoàn thể trong thôn. Hàng năm ngân sách Nhà nước phải chi gần 1 tỷ đồng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách thôn.

Sau khi kế hoạch sáp nhập thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tháng 2/2013, ban chỉ đạo sáp nhập thôn của xã Định Tiến đã thực hiện đúng quy trình các bước sáp nhập thôn, tổ dân phố theo hướng dẫn.

Ở Thanh Hóa, mới chỉ sáp nhập thôn mà dân đã rất vui mừng ảnh 2Hàng nghìn thôn, tổ dân phố ở Thanh Hóa đã được sáp nhập như thế nào?

Đến tháng 4/2013, 100% các thôn trong xã đã sáp nhập theo đúng quy định, đồng thời giảm từ 16 thôn còn 6 thôn.

Số người hoạt động không chuyên trách thôn giảm hơn một nửa so với trước đây. Mỗi năm địa phương tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thúy, phó bí thư, chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Định Tiến cho biết, việc xã hoàn thành sáp nhập thôn tạo ra nền tảng quan trọng trong việc huy động nguồn lực, giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

“Trong xây dựng nông thôn mới, khi sáp nhập từ 16 thôn xuống còn 6 thôn thì nhu cầu chỉ cần 6 nhà văn hóa và 6 sân vận động.

Điều này vừa tiết kiệm được đất cho Nhà nước, giảm bớt sức đóng góp của nhân dân và việc huy động nguồn lực dễ dàng hơn.

Sau khi hoàn thành sáp nhập thôn, việc huy động sức dân để đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương cũng thuận lợi hơn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, xã đã huy động được gần 12 tỷ đồng từ nhân dân để hoàn thiện công trình xây dựng trường mầm non, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các thôn xóm như nhà văn hóa, hệ thống mương tiêu nước có nắp đậy và các công trình phúc lợi khác”, đồng chí Nguyễn Ngọc Thúy cho biết.

Để thực hiện tốt việc sáp nhập thôn trên địa bàn xã, ông Nguyễn Ngọc Thúy nêu kinh nghiệm thực tiễn: “Ngoài những nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, việc sáp nhập, thành lập thôn, làng, tổ dân phố nói chung phải dựa trên sự tương đồng về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, vị trí địa lý.

Vấn đề quan trọng nhất trong việc sáp nhập thôn chính là sự đồng thuận của người dân, bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. 

Khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch sáp nhập thôn, đa số ý kiến đều đồng tình, nhưng bên cạnh đó cũng còn ý kiến băn khoăn, lo lắng vì khi sáp nhập thôn, nếu không chọn được cán bộ có uy tín sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động phong trào trong khu dân cư. 

Do đó, thực hiện kế hoạch sáp nhập thôn, tổ dân phố được thông qua, ban chỉ đạo sáp nhập thôn đã tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, yêu cầu chủ trương sáp nhập thôn đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã.

Nội dung này cũng thường xuyên được lồng ghép, triển khai tại các buổi sinh hoạt chuyên đề ở chi bộ, trên thông tin truyền thanh của xã với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố. 

Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong trong nhận thức và gương mẫu thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động, tuyên truyền chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố tới từng hộ gia đình. Từ đó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, để đề xuất, tham mưu, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế”, ông Thúy cho biết.

Mô hình “hai trong một”

Xã Yên Ninh (Yên Định) là một trong số các đơn vị trong huyện có cách làm hiệu quả, sáng tạo với mô hình “hai trong một”, lồng ghép việc sáp nhập thôn với việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.

Theo đó, đầu năm 2016, Ủy ban nhân dân xã Yên Ninh sau khi tiếp thu chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, triển khai, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn đảng bộ và nhân dân từ chi hội, đoàn thể các xóm về nội dung sáp nhập thôn kết hợp với việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Đến tháng 9/2017 mô hình “hai trong một” tại địa phương đã đem lại kết quả cụ thể.

Ông Đỗ Công Hưng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Ninh cho biết: “Trước khi sáp nhập thôn, xã Yên Ninh có 10 thôn, với 20 bí thư chi bộ và trưởng thôn. Trong số các trưởng thôn có nhiều người không phải là đảng viên, do vậy việc điều hành tại tổ tự quản còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Khi lồng ghép việc sáp nhập thôn và nhất thể hóa hai chức danh cùng một thời điểm, thì số lượng thôn giảm còn 5 thôn, đồng thời số cán bộ kiêm nhiệm bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn chỉ còn 5 người.

Việc thực hiện mô hình “hai trong một” vừa giúp tinh gọn số cán bộ hoạt động không chuyên trách, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ, vừa tiết kiệm được ngân sách Nhà nước”.

Ông Hưng cho biết thêm: “Để việc sáp nhập thôn và nhất thể hóa chức danh được thành công, không làm ảnh hưởng tới tâm lý cán bộ, điều quan trọng là làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách, giúp họ hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc sáp nhập thôn, từ đó xác định được vai trò của mỗi cá nhân trong việc thực hiện đề án, để tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện”.

Sau khi hoàn thành sáp nhập thôn, xã Định Tiến đã phát huy tốt việc huy động nguồn lực trong nhân dân. Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn, xã đã huy động được gần 12 tỷ đồng từ nhân dân để hoàn thiện công trình xây dựng trường Mầm non, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các thôn xóm... Ảnh: Quốc Toản.
Sau khi hoàn thành sáp nhập thôn, xã Định Tiến đã phát huy tốt việc huy động nguồn lực trong nhân dân. Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn, xã đã huy động được gần 12 tỷ đồng từ nhân dân để hoàn thiện công trình xây dựng trường Mầm non, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các thôn xóm... Ảnh: Quốc Toản.

Ông Trịnh Đình Hồng, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn 3 cho biết, sau khi thôn 3 được thành lập trên cơ sở sáp nhập thôn 5 và thôn 6, cán bộ thôn phát huy tốt hơn tinh thần trách nhiệm trong công việc, góp phần tạo nên hiệu quả trong việc tuyên truyền, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại khu dân cư.

Khi chưa sáp nhập thôn và nhất thể hóa chức danh thì một chủ trương phải triển khai tới hai lần ở hai thôn. Có khi chủ trương đó lại có cách hiểu và cách thực hiện khác nhau, nên khó mang lại hiệu quả tốt khi thực hiện.

Nhưng khi hai thôn được sáp nhập thành một thôn, một chủ trương chỉ cần triển khai 1 lần, qua đó phát huy được tính dân chủ, khắc phục được tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương và tổ chức thực hiện, thuận lợi cho việc triển khai nghị quyết, kế hoạch của cấp trên. 

Xã Định Tiến, Yên Ninh chỉ là số ít các địa phương của huyện Yên Định đi đầu và có cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố.

Để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác sáp nhập thôn trên địa bàn huyện và tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 12CT/TU ngày 25/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt, phổ biến sâu rộng và thực hiện nghiêm túc chỉ thị trên đến cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương;

Xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện chỉ thị và Quyết định 3570/QĐ-UBND ngày 18/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện và chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách dôi dư.

Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố, toàn huyện Yên Định đã giảm được 110 thôn, tổ dân phố do sáp nhập (số thôn, tổ dân phố trước khi sáp nhập là 259 thôn, tổ dân phố và giảm còn 149 thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập).

Số thôn, tổ dân phố giảm, kéo theo số người hoạt động không chuyên trách cũng giảm từ hơn 1.500 người xuống còn 660 người. Hằng năm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 6,8 tỷ đồng chi phụ cấp (trước thời điểm sáp nhập thôn, tổ dân phố, huyện Yên Định có 259 thôn, tổ dân phố, với tổng số tiền phải chi cho người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố lên đến gần15 tỷ đồng).

Ngoài ra các đầu mối tổ chức đoàn thể gồm Chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, Chi Đoàn Thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Trưởng ban Mặt trận…ở các thôn giảm được 550 người (số trưởng các Chi hội này trước đó hưởng trợ cấp hằng tháng từ nguồn kinh phí do nhân dân ở địa phương đóng góp). 

Mặt khác, khi sáp nhập, huyện cũng đồng thời tiến hành nhất thể hóa được chức danh Bí thư kiêm Trưởng thôn, với tỷ lệ đạt 93% số thôn, tổ dân phố đã sáp nhập. 

Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Định cho biết: Trong quá trình thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố, không ít người còn tâm tư, nguyện vọng vì thuộc diện "tinh giản".

Cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động, tuyên truyền, vận động, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho người nghỉ chế độ với mức từ 3,9 triệu đồng đến 11,3 triệu đồng/người (tùy theo cán bộ được hưởng hệ số phụ cấp từ 0,3-0,9)", ông Lâm nói.

Một góc thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định. Ảnh tư liệu của Quốc Toản.
Một góc thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định. Ảnh tư liệu của Quốc Toản.

Ông Vũ Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Định đánh giá về hiệu quả việc thực hiện đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện: "Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã tạo thuận lợi trong việc tổ chức hoạt động của cộng đồng dân cư, khôi phục và duy trì các làng truyền thống trước đây. 

Việc huy động đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể tham gia các hoạt động cộng đồng cũng thuận lợi hơn, đặc biệt là số đảng viên chi bộ thôn sau khi sáp nhập đông hơn, thuận lợi cho cấp ủy, chính quyền cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ được tinh giản, chọn lọc được những cán bộ có năng lực nên hiệu lực quản lý Nhà nước tăng lên. Việc sáp nhập thôn đã tăng quy mô dân số, tăng số hộ ở các thôn, nên việc huy động đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi cho người dân được thuận lợi hơn...", ông Thưởng cho biết.

Những kết quả đạt được trong công tác sáp nhập thôn trên địa bàn huyện Yên Định những năm qua là rất rõ ràng. Trong năm 2018, huyện Yên Định tiếp tục tập trung quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác sáp nhập thôn theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ đối với những đơn vị có đủ điều kiện sáp nhập.

Còn nữa

QUỐC TOẢN