Obama đã hết kiên nhẫn với Bắc Kinh ở Trường Sa

27/10/2015 14:10
Hồng Thủy
(GDVN) - Ngay sau cuộc họp với Tập Cận Bình, ông Obama tức giận ra lệnh cho một phụ tá thân cận gọi cho Đô đốc Hary Harris, Tư lệnh Hạm đội 7, Tổng thống Mỹ ủy quyền...

Tạp chí Nikkei Asian Review ngày 26/10 bình luận, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hết kiên nhẫn với Bắc Kinh trên Biển Đông. Có thể chia các nhà lãnh đạo trên thế giới thành hai nhóm, nhóm đầu tiên bao gồm những người tin rằng họ có thể giải quyết bất đồng thông qua thảo luận, đối thoại, bất kể đối thủ là ai. Nhóm thứ 2 gồm những người nghĩ rằng không bao giờ có thể nói chuyện lý lẽ với đối thủ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, ảnh: Business Insider.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, ảnh: Business Insider.

Ông Obama là ví dụ điển hình cho nhóm thứ nhất. Tổng thống Obama thường miễn cưỡng triển khai quân đội, ngay cả khi ông bị đẩy đến giới hạn cuối cùng của mình, Obama vẫn cố tìm kiếm cơ hội đối thoại. Điều này được minh chứng bằng chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ tháng trước của ông Tập Cận Bình.

Hy vọng có thể thuyết phục nhà lãnh đạo Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán cởi mở và trung thực, Obama đã tổ chức bữa ăn tối riêng với ông Tập Cận Bình hôm 24/9 trước khi dành cho ông buổi quốc yến long trọng với 21 phát đại bác chào mừng vào ngày hôm sau.

Trong bữa tối, ngoài Obama và Tập Cận Bình chỉ có một số ít các cố vấn của 2 ông tham dự. Vấn đề Trung Quốc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp trên 7 thực thể ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) là một trong những chủ đề chính ông Obama muốn thảo luận.

Tổng thống Mỹ kêu gọi ông Tập Cận Bình ngừng hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bất hợp pháp này, nhưng theo các nguồn tin của chính phủ Mỹ, ông Tập Cận Bình đã đẩy Obama vào chỗ bế tắc.

Bước ngoặt của Nhà Trắng

Ngay sau cuộc họp với Tập Cận Bình, ông Obama tức giận ra lệnh cho một phụ tá thân cận gọi cho Đô đốc Hary Harris, Tư lệnh Hạm đội 7, Tổng thống Mỹ ủy quyền cho Hải quân điều tàu, máy bay tiến hành tuần tra bảo vệ hàng không, hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng, bồi lấp thành đảo nhân tạo bất hợp pháp.

Theo luật pháp quốc tế, các thực thể này là những rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm nên không có quy chế lãnh hải 12 hải lý. Hoạt động tuần tra là một thông điệp Mỹ muốn nói với Bắc Kinh và các nước trong khu vực rằng, Hoa Kỳ không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực này.

Tàu chiến Mỹ, hình minh họa: Đa Chiều.
Tàu chiến Mỹ, hình minh họa: Đa Chiều.

Các tướng Hải quân Mỹ đã có kế hoạch tuần tra bảo vệ tự do hàng không, hàng hải ở Trường Sa từ tháng Sáu và muốn hành động ngay. Nhưng Tổng thống Obama khi đó đã ngăn lại, ông hy vọng có thể nói chuyện với Tập Cận Bình, nếu giải quyết được vấn đề thì không cần phải có hành động không cần thiết.

Tuy nhiên Obama đã nhận ra rằng, thiện chí hòa giải không được Bắc Kinh đón nhận, Edward Luttwak, một chiến lược gia nổi tiếng của quân đội Mỹ cho biết. Nhiệm vụ này đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Chính Bắc Kinh đang tự đào hố chôn mình, Luttwak bình luận.

Sự thay đổi của Obama rõ ràng có tác động đối với Nhật bản và các quốc gia châu Á khác. Theo nhiều nguồn tin ngoại giao, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á đã thúc giục Mỹ phái tàu hải quân tuần tra ở Trường Sa.

Sự ổn định trong khu vực đang bị thách thức bởi các nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực mà Trung Quốc tiến hành. Trên quan điểm này, quyết định của ông Obama là một tin mừng cho Tokyo.

Obama vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Tập Cận Bình

Nikkei Asian Review lưu ý, hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng ông chủ Nhà Trắng đã hoàn toàn từ bỏ mong muốn đối thoại với người đứng đầu Trung Nam Hải. Ông sẵn sàng đàm phán với đối thủ lâu lăm như trong trường hợp đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran hay bình thường hóa quan hệ với Cuba. Dường như Tổng thống Mỹ không vội vàng dẹp bỏ một cách tiếp cận hòa bình đã được chứng minh.

Barack Obama chỉ còn lại một năm trên ghế Tổng thống. Một số thành viên Nhà Trắng ủng hộ chiến lược song song vừa gây áp lực với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, vừa hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề khác có thể hợp tác, ví dụ như chống biến đổi khí hậu hay xây dựng, tái thiết Afghanistan.

Ông Tập Cận Bình và ông Obama không đạt được thỏa thuận nào về Biển Đông trong hội nghị thượng đỉnh tháng trước, ảnh: The Wall Street Journal.
Ông Tập Cận Bình và ông Obama không đạt được thỏa thuận nào về Biển Đông trong hội nghị thượng đỉnh tháng trước, ảnh: The Wall Street Journal.

Rất khó có thể biết được lãnh đạo những cường quốc thế giới đang thực sự suy nghĩ điều gì, vì đôi khi họ cãi nhau trên bàn đàm phán cho thiên hạ thấy, nhưng lại bắt tay nhau dưới gầm bàn. Các bên liên quan sẽ phải theo dõi chặt chẽ quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh để điều chỉnh chính sách của mình sao cho phù hợp, cân bằng giữa đối thoại và áp lực.

Tuần tra kết thúc không sự cố, phản ứng bình luận của các bên

Đài VOA ngày 27/10 cho hay, hoạt động tuần tra 12 hải lý quanh đá Xu Bi và Vành Khăn đã được chiến hạm USS Lassen tiến hành sáng nay (theo giờ Việt Nam) và đã hoàn thành nhiệm vụ mà không có sự cố nào. VOA cũng dẫn lời học giả Sheila Smith, thành viên cau cấp Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ cho rằng: "Tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai nên ngạc nhiên về việc tuần tra này."

Thách thức của hải quân Hoa Kỳ được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng ngụy biện về cái gọi là sự cần thiết bảo vệ "chủ quyền lãnh thổ". Điều đó cho thấy Trung Quốc không sẵn sàng để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Trên thực tế, sự tích tụ quân sự và hiện diện (bất hợp pháp) của quân đội Trung Quốc ở Trường Sa cho thấy họ muốn tạo ra một sự việc đã rồi, họ muốn chiếm các thực thể này, Shelia Smith nói với VOA.

Ít nhất có khoảng 200 lính Trung Quốc đang đồn trú bất hợp pháp trên đá Xu Bi. Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các rặng san hô là nỗ lực nhằm khẳng định ưu thế của sự thống trị ở Biển Đông.

"Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ nên dừng lại. Tôi nghĩ rằng hải quân Hoa Kỳ là một lực lượng trong khu vực mà các nước khác ở đây đều trông vào để bảo vệ luật chơi", Smith lưu ý. Việc tuần tra sẽ không phải chỉ diễn ra một lần và hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông trong nhiều thập kỷ nữa.

Phản ứng về hoạt động tuần tra này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suge cho hay: "Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ các nguồn tin tình báo của chúng tôi với Hoa Kỳ". Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne thì khẳng định rõ, Canberra ủng hộ mạnh mẽ tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do và an toàn hàng không hàng hải, bao gồm cả Biển Đông.

Hồng Thủy