Ông Lưu Bình Nhưỡng: “Lòng tin của nhân dân là vật báu chính trị của Đảng”

22/02/2021 07:01
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Bác Hồ dạy phải luôn gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, vì dân... thì dân mới tin”, ông Nhưỡng nói.

Trong không khí đón năm mới, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam có dịp trao đổi cùng Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về những thành tựu đất nước đã đạt được trong năm qua, đặc biệt là sự kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, được xem là nguồn sinh khí mới của quốc gia vào thời điểm khởi đầu năm Tân Sửu.

- Ông đánh giá như thế nào về những thành tựu Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã làm được trong những năm vừa qua?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Theo đánh giá chung của Đại hội, ý kiến của nhiều đại biểu trực tiếp dự Đại hội và ý kiến của các cử tri thì những thành tựu của đất nước ta đạt được khá ấn tượng trên nhiều phương diện khác nhau.

Thứ nhất, về kinh tế chúng ta giữ được nhịp độ tăng trưởng. Đây là thành công lớn nhất!

Thứ hai, chúng ta đảm bảo được chủ quyền lãnh thổ, không bị các diễn biến quá lớn.

Thứ ba, an sinh xã hội của nhà nước cho người dân được quan tâm rất nhiều. Chúng ta có Bộ Luật Lao động mới, sửa đổi rất nhiều chính sách đối với người có công, các đối tượng xã hội.

Chúng ta dành quan tâm rất lớn cho giáo dục và y tế, đặc biệt là những vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có những thành công rất lớn. Đối với bảo hiểm y tế, chúng ta vượt qua chỉ tiêu đặt ra, kiên trì định hướng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, đây là vấn đề thách thức của nhiều năm trước đây.

Thành công vang dội nhất của chúng ta trong lĩnh vực y tế là ngăn chặn được rất nhiều làn sóng, phát triển mạnh của đại dịch Covid-19, được thế giới đánh giá rất cao. Làm được điều này chứng tỏ Việt Nam là đất nước quản lý tốt, được nhân dân tin tưởng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ. Nông nghiệp đã phát triển rất mạnh mẽ và trở thành “bà đỡ” cho nền kinh tế của Việt Nam trong tình cảnh toàn cầu đang rơi vào suy thoái kinh tế vì đại dịch.

Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội rằng, lúc này mới thấy giá trị bà đỡ của nền nông nghiệp Việt Nam. Tất cả lĩnh vực từ nhân lực, cây trồng, vật nuôi đến nguồn thức ăn ở đất nước ta đều dồi dào. Lâu nay, chúng ta chạy theo công nghiệp, chạy theo một cái bóng, bỏ sở trường để làm sở đoản, nhưng rất mừng là chúng ta đã kịp thời nhận ra.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Cao Kim Anh.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Cao Kim Anh.

Nhân dân, cử tri đánh giá rất cao công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Có thể nói rằng đây là một mặt trận lớn, dàn trận rất lâu và có những chiến lược chiến thuật rất rõ ràng. Từ thể chế cho đến những hoạt động thực tiễn thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra truy tố, xét xử... đã làm mạnh mẽ hơn, củng cố niềm tin của người dân.

Những năm vừa qua, chúng ta đã đầu tư rất lớn cho hạ tầng bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất cũng như hạ tầng sinh hoạt. Đường giao thông của chúng ta được cải thiện rất mạnh mẽ, từ chiến lược, quy hoạch đến quá trình thực hiện.

Nhiều dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hỗ trợ lẫn nhau tạo nên sự phát triển ổn định cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tích cực tham gia vào công việc chung của khu vực và toàn cầu, điều đó nâng cao vị thế uy tín của chúng ta.

- Bên cạnh những thành tựu đạt được, theo ông những việc gì cần tiếp tục được đẩy mạnh giải quyết triệt để trong thời gian tới?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Kinh tế của chúng ta có phát triển nhưng cơ cấu chuyển đổi chậm, chưa bền vững, đặc biệt kinh tế nông thôn chuyển dịch không mạnh mẽ, hàng nghìn hợp tác xã ra đời nhưng hiệu quả thấp.

Một vấn đề nữa phải xem lại, đó là đất đai ở các địa phương đã được sử dụng đúng mục đích, hợp lý chưa? Ở nhiều nơi, thanh niên phải ra các thành phố lớn kiếm sống, đa phần chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ.

Chênh lệch giàu nghèo tại nước ta lớn, nhóm giàu rất giàu, nhưng nhóm nghèo và cận nghèo luôn là nguy cơ. Công tác giảm nghèo của chúng ta làm tốt đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, nhưng phần lớn là thoát nghèo chuyển sang cận nghèo, nguy cơ tái nghèo rất lớn, tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc.

Hoạt động công nghiệp của chúng ta chưa nâng cao được chất lượng, chủ yếu vẫn gia công là chính, chưa có sản phẩm đặc biệt để có thể thi đấu với các đối thủ khác trên thị trường quốc tế.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng triển khai mạnh mẽ nhưng sự đồng đều trong cách xử lý vẫn còn đâu đó có sự dị nghị, có trường hợp đã xử lý nghiêm khắc, nhưng có trường hợp xử lý về mặt Đảng rồi còn chậm trễ xử lý về pháp luật.

Cho đến thời điểm này dù nghiêm túc trong xử lý nhưng tham nhũng vẫn tồn tại, vẫn phức tạp. Mặt trận này còn phải đấu tranh lâu dài bởi tham nhũng giờ tinh vi hơn, né tránh giỏi hơn.

Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát quyền lực có nhiều vấn đề chưa ổn, còn lúng túng. Tôi đã từng phát biểu tại Quốc hội, nếu không có một thanh gươm pháp luật thì rất khó đưa vào kỷ luật, khuôn khổ được. Có thanh gươm pháp luật rồi nhưng không có người trông coi đến nơi đến chốn thì tham nhũng còn “nhảy múa” trên lưỡi gươm pháp luật.

Công tác điều tra, truy tố xét xử của chúng ta mặc dù đã được tiến hành một cách mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra về tính công bằng.

Cán bộ trong lĩnh vực tư pháp từ thẩm phán, kiểm sát viên… đều có người dính tội. Rõ ràng những người cầm cân nảy mực mà còn như thế thì phải nghiêm túc xem xét lại. Tư pháp là hộ pháp cho nền kinh tế, xã hội. Nếu cán bộ thực thi công vụ không công tâm thì hộ pháp không còn khỏe mạnh, cán cân công lý bị sai lệch khiến xã hội trở nên náo loạn, suy giảm niềm tin của nhân dân.

Tôi đi rất nhiều địa phương và nhận thấy rằng nhiều dự án về đất đai có vấn đề khiến người dân không hài lòng. Đây cũng là vấn đề cần được tiếp tục quan tâm xử lý triệt để.

Lòng tin của nhân dân chính là báu vật chính trị được gìn giữ từ khi Bác Hồ thành lập ra Đảng ta. Bác luôn nêu quan điểm gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, sống phải vì dân thì người dân mới tin.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói chúng ta phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế.

Mình phải tự kiểm điểm mình, phải xử lý các khâu yếu đuối, xấu xa trong cán bộ thì người dân mới tin được.

- Ông gửi gắm những giải pháp cũng như kỳ vọng gì vào nhiệm kỳ mới của Đảng?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Câu chuyện lòng tin là câu chuyện khó khăn nhất nhiệm kỳ XIII phải làm được. Các vị trí lãnh đạo phải chọn được những người thực sự có đủ tài, đủ đức thì mới tạo nên những kết quả đột phá.

Nếu một số vị trí lãnh đạo nào đó không thật sự xứng đáng thì có thể tạo ra phản ứng ngược, vì ba lý do: Thứ nhất, không đủ tài, đức tức là không đủ khả năng lãnh đạo; Thứ hai, không tạo ra được cơ sở của lòng tin cho cấp dưới và người dân; Thứ ba, bối cảnh hiện nay tình hình kinh tế, xã hội cực kỳ phức tạp, lại chịu thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chỉ có những cán bộ thực tài mới gánh vác được trọng trách, xoay chuyển được tình thế.

Trước hết nói về mặt chính trị, chúng ta phải khẩn trương thực hiện thật tốt các chỉ đạo, chủ trương, chính sách được đề ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII. Đây là nhiệm vụ bất di bất dịch bởi vì nó là nền tảng, chính trị, tư tưởng để chúng ta thực hiện các công việc khác.

Chúng ta có thể dựa trên nền tảng chính trị này để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Vừa căn cứ vào Nghị quyết Đại hội, vừa căn cứ tình hình thực tiễn phải ra các quy định mang tính chất cấp thiết, kịp thời để xử lý tình hình.

Như vậy là phải có sự điều chỉnh về chiến lược, chiến thuật để ổn định, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của người dân.

Theo tôi, cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo cực kỳ sáng suốt, linh hoạt và rất cần sự hiệu triệu. Yếu tố tinh thần đối với người dân là vô cùng quan trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “cán bộ phải trọng dân, tin dân, không mị dân”.

Hãy đem đến những việc làm thực tế, thay đổi cuộc sống người dân chứ đừng hứa suông, lúc cần phiếu thì nói rất hay, xong rồi thì chẳng làm được bao nhiêu.

- Ông vừa nhắc tới lựa chọn cán bộ vào những vị trí quan trọng, vậy ông lý giải vì sao chúng ta có quy định, quy trình chặt chẽ mà vẫn để lọt những cán bộ có sai phạm leo lên những vị trí cao?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Có rất nhiều lý do nhưng theo tôi quy tụ lại bốn lý do lớn nhất:

Thứ nhất, chúng ta có quy trình nhưng quá trình thực hiện thì một số người có thẩm quyền làm không đúng. Mọi thứ có vẻ như rõ ràng nhưng tất cả các bước đó khi làm đều là hình thức.

Thứ hai, xã hội ta đã xảy ra không ít vụ việc cán bộ sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả và đáng buồn là chúng ta vẫn còn còn coi trọng bằng cấp hơn năng lực cống hiến thực tế.

Thứ ba là “5 C và 4 Ệ” vẫn còn tồn tại. Có những cán bộ được thần tốc bổ nhiệm thực chất là do “5C” chứ không phải do tài năng mà được đưa vào quy hoạch.

Thứ tư là quy trình lựa chọn cán bộ chưa thật sự gắn với sự đánh giá của người dân. Chúng ta chưa có được cơ chế huy động và tôn trọng sự tham gia của ý kiến người dân, của báo chí vào công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt, bầu cử cán bộ.

Quá trình đề ra và thực hiện đều có lỗ hổng, thậm chí người ta có thể tạo ra được các lỗ hổng ở trong phạm vi những cái hàng rào cơ chế ấy. Người ta có thể “xé rào” vì động cơ mục đích không trong sáng.

Chúng ta có thể chế chính trị, có cơ sở pháp lý, có quy trình, quy hoạch, có đầu vào, đầu ra nhưng phải có sự đánh giá, sự phản biện của người dân thì mới tạo ra được một khuôn khổ về tiêu chuẩn, mới xây dựng được đất nước của dân, do dân, vì dân, xây dựng được xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cao Kim Anh