Phải tăng mức xử phạt với những quảng cáo chứa nội dung xấu, độc

08/12/2017 07:55
XUÂN QUANG (THỰC HIỆN)
(GDVN) - Ông Lê Quang Tự Do cho biết, Việt Nam không có chủ trương ngăn chặn mạng xã hội mà chỉ đấu tranh với những hành vi lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật.

LTS: Bộ Thông tin và Truyền thông đã áp dụng hàng loạt giải pháp để xử lý tình trạng quảng cáo gắn vào các nội dung xấu, thậm chí có tính "ấu dâm" trên Youtube, các mạng xã hội.

Các giải pháp này bước đầu đã phát huy hiệu quả trong thời gian gần đây.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Phóng viên: Thưa ông, gần đây tái diễn tình trạng quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam hiển thị trong video clip có nội dung phản cảm trên mạng xã hội, gây nguy hại cho cộng đồng... Bộ Thông tin và Truyền thông mà cụ thể là Cục Phát Thanh, Truyền Hình và Thông tin điện tử đã có những hành động gì để chấn chỉnh tình trạng này?

Ông Lê Quang Tự Do: Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp là Cục Phát Thanh, Truyền Hình và Thông tin điện tử đã triển khai hàng loạt biện pháp để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo gắn vào các video clip xấu, độc trên Youtube

Thứ nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo đưa video clip lên Youtube, để cảnh báo cho họ biết những nguy cơ cũng như rủi ro, vi phạm pháp luật nếu những quảng cáo đó không được kiểm duyệt.

Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Google để yêu cầu họ gỡ bỏ ngay những video clip xấu, độc và không gắn những nội dung quảng cáo lành mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam vào những video clip đó.

Thứ ba, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân nhận thức được nguy cơ trên môi trường mạng xã hội đặc biệt là trên mạng xã hội Youtube và Facebook.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông). Ảnh: Xuân Quang.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông). Ảnh: Xuân Quang.

Kết quả đạt được khá tích cực. Đến nay sau gần 1 năm, Google đã gỡ bỏ khoảng hơn 5.000 video clip có nội dung xấu, độc, vi phạm pháp luật trên nền tảng Youtube và chiếm tỷ lệ 90% so với những yêu cầu từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông.

Từ tháng 3/2017, các doanh nghiệp và nhiều đại lý quảng cáo cũng tạm dừng đăng quảng cáo trên Youtube, để yêu cầu Google giải quyết triệt để, không tái diễn tình trạng quảng cáo của họ bị gắn vào những video clip xấu, độc.

Tuy nhiên, sau 8 tháng, tình trạng trên lại tái diễn. Một số doanh nghiệp đã quảng cáo trở lại và quảng cáo đó gắn với những viedeo clip xấu, độc trên Facebook, Google.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp có nhu cầu thật sự để được quảng cáo trên trên mạng xã hội mà trực tiếp là Google, Youtube, Facebook.

Phải tăng mức xử phạt với những quảng cáo chứa nội dung xấu, độc ảnh 2

Cần chấm dứt các hành vi quảng cáo có nội dung "ấu dâm" trên Youtube

Phía Google cũng đã có động thái thay đổi thuật toán, tuyển dụng thêm nhiều nhân sự cho bộ phận kiểm duyệt trên mạng, thành lập các nhóm kiểm duyệt.

Tuy nhiên, thuật toán của Google không giải quyết triệt để việc hiện quảng cáo trên clip xấu, độc.

Khi Google thay đổi thuật toán, những kẻ có mục đích không lành mạnh vẫn tìm cách lách kiểm duyệt một cách tương đối dễ dàng.

Hiện nay Bộ đã nắm được tình trạng trên và sẽ triển khai một số biện pháp trong bối cảnh phương án của Google, Youtube chưa thật sự hiệu quả, trong khi nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp được quảng cáo lại rất lớn.

Những giải pháp trong thời gian tới mà Bộ Thông tin và Truyền thông mà cụ thể là Cục Phát Thanh, Truyền Hình và Thông tin điện tử sẽ thực hiện để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo gắn vào các video clip xấu, độc trên Youtube? 

Trước hết, Bộ phối hợp chặt chẽ với Google ngăn chặn dòng tiền quảng cáo ở các kênh video clip vi phạm pháp luật.

Một tin vui là Google sẽ triển khai giải pháp này theo đề xuất của chúng ta.

Bộ sẽ xây dựng danh sách những kênh "sạch" trên

Phải tăng mức xử phạt với những quảng cáo chứa nội dung xấu, độc ảnh 3

Nhiều doanh nghiệp lớn dừng quảng cáo trên YouTube vì sợ thương hiệu bị hủy hoại

Youtube, hoặc những kênh có đăng ký với Bộ.

Lập danh sách những trang Fanpage trên Facebook có nội dung vi phạm và gửi đồng thời 2 danh sách này tới các doanh nghiệp và các đại lý quảng cáo để họ chủ động trong việc quảng cáo, tránh quảng cáo vào các trang Facebook, Fanpage xấu, độc.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng mạng xã hội.

Xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho doanh nghiệp và người dân như một khế ước xã hội và có chế tài dân sự.

Những giải pháp mới này sẽ góp phần giảm số lượng những người có ý định kiếm tiền một cách bất chính trên mạng xã hội.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội như ông vừa tiết lộ sẽ được ban hành vào thời điểm nào? 

Quốc hội đã có nghị quyết giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để đưa vào thực tiễn đời sống, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nghiên cứu, thăm dò ý kiến các doanh nghiệp, người dân về việc ban hành bộ quy tắc ứng xử và thấy rằng đây là điều rất cần thiết.

Theo đó, đầu năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho đối tượng là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ.

Trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, yêu cầu họ triển khai các biện pháp tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Đồng thời với đó, Bộ Công an đang xây dựng và trình quốc hội ban hành Dự thảo Luật An ninh mạng. Dự kiến sẽ được xem xét lần hai vào giữa năm 2018.

Với những kênh đăng tải nội dung ấu dâm, tin giả… cơ quan chức năng đã thu thập thông tin và xử lý những kênh này như thế nào, thưa ông?

Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công an để tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý đối với những đối tượng có hành vi vi phạm trên môi trường mạng, đặc biệt là việc lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã áp dụng hàng loạt giải pháp để xử lý tình trạng quảng cáo gắn vào các video clip xấu, độc trên mạng xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã áp dụng hàng loạt giải pháp để xử lý tình trạng quảng cáo gắn vào các video clip xấu, độc trên mạng xã hội.

Trước mắt, chúng tôi đang đề nghị Chính phủ bổ sung và sửa đổi một loạt nghị định, thông tư có liên quan tới lĩnh vực internet để tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, bởi những quy định mà chúng ta đã ban hành vài năm trước đã bộc lộ bất cập.

Ví dụ như Nghị Định 72 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản...

Tăng mức chế tài xử phạt vi phạm. Trước đây khi ban hành các nghị định, thông tư, đặc biệt là các thông tư về xử phạt hành chính, thì mức xử phạt khá thấp, chưa đảm bảo tính răn đe.

Sắp tới phải tăng mức chế tài xử phạt để chấn chỉnh lại các hoạt động này.

Chúng tôi cũng đang tham mưu, sửa đổi những quy định về nội dung quảng cáo trên môi trường mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng, vì hiện nay quy định về quảng cáo trên mạng xã hội đặc biệt là mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn còn kẽ hở để những kẻ xấu, doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng để vi phạm.

Chủ trương chung của Chính phủ đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp vừa qua: Việt Nam không có chủ trương ngăn chặn mạng xã hội.

Chúng ta chỉ đấu tranh ngăn chặn những hành vi lợi dụng dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật. Điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế.

XUÂN QUANG (THỰC HIỆN)