Phòng chống mại dâm trong bối cảnh dịch HIV/AIDS có nguy cơ lan rộng

09/11/2013 08:34
Như Thảo
(GDVN) - Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB và XH đã triển khai tốt nhiệm vụ của mình như chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong Tháng hành động phòng, chống ma túy, làm tốt công tác phối hợp với các địa phương, tổ chức xã hội trong công tác phòng chống tệ nạn…
Theo Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 cũng như Chỉ thị 21 – CT/TW ngày 26/3/2008 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, hiện nay tình hình hoạt động mại dâm thường rất đa dạng với nhiều hình thức biến tướng và sử dụng các thủ đoạn mới, tinh vi. Trong đó, chủ yếu vẫn là lợi dụng các dịch vụ như ăn, nghỉ, vũ trường, karaoke, tẩm quất… Hoặc một người đứng ra tập hợp gái mại dâm cung cấp cho các cơ sở trên để ăn hoa hồng.

Thống kê từ các cơ quan chức năng cũng cho thấy, hiện toàn quốc có khoảng 53.000 nữ nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Trong đó, có 3.500 cơ sở và 6.983 nữ nhân viên nghi hoạt động mại dâm; lập hồ sơ quản lý 1.353 đối tượng có biểu hiện chứa mại dâm, 932 đối tượng có biểu hiện môi giới mại dâm và hơn 2.000 gái mại dâm. Ngoài ra, cả nước hiện có trên 83.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện liên quan mại dâm như khách sạn, nhà nghỉ, vũ trường, karaoke, các cơ sở mát xa…

Nhằm hạn chế sự gia tăng của tệ nạn này, ngày 15/4/2003, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm đã được công bố, quy định những biện pháp và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc loại trừ mại dâm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 10/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 679/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015. Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ, đồng thời thể hiện tầm quan trọng của công tác phòng chống mại dâm trong bối cảnh dịch HIV/AIDS đang có nguy cơ lan rộng, đe dọa đến sự phát triển bền vững của nước ta.

Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ, TB và XH đã triển khai tốt nhiệm vụ của mình như chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong Tháng hành động phòng, chống ma túy, làm tốt công tác phối hợp với các địa phương, tổ chức xã hội trong công tác phòng chống tệ nạn… Có thể nói, sự ra đời của Quyết định 679/QĐ - TTg là cơ sở quan trọng trong việc định hướng, tạo điều kiện để Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội triển khai tốt các hoạt động đem lại hiệu quả tích cực.

Về vấn đề ma túy, theo báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ, TB và XH) trong 10 năm trở lại đây, ở Việt Nam đã có khoảng 10 vạn người nghiện ma tuý, trong đó có tới 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, đặc biệt có tới 50% tổng số người nghiện là trẻ em (dưới 16 tuổi). Sa vào ma túy là con đường ngắn nhất dẫn tới sự hủy hoại chính mình ở cả hiện tại và tương lai. Đồng nghĩa với đó là ảnh hưởng đến tương lai của đất nước. Đây là một vấn đề gây bao lo lắng, bức xúc cho các nhà giáo dục và toàn xã hội nói chung.

Ngoài ra, số liệu của Bộ Y tế cũng cho biết, hiện cả nước có hơn 197.000 người nhiễm HIV, trong đó năm 2011 có hơn 14.000 người xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV và hầu hết ở lứa tuổi khá trẻ, từ 20 - 39 tuổi chiếm 82% và lây truyền qua đường máu (46,7%) và tình dục (41,4%) là chủ yếu.

Đặc biệt, trong những năm gần đây tệ nạn ma túy và tội phạm ma tuý ở nước ta diễn biến rất phức tạp. Ma túy đã vào trường học, rình rập từng nhà, từng ngõ ngách gây ra những cái chết dần chết mòn không những cho người nghiện mà cả gia đình họ. Nghiện ma túy cũng là nguyên nhân gây ra những tệ nạn xã hội khác. Đa số người nghiện ma túy, để có tiền mua ma túy đều phạm tội trộm cắp, cướp giật, lừa đảo. Theo một nguồn thông tin, khoảng 75% các tội phạm hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ những người nghiện ma túy. Đa số những người bị nhiễm HIV/AIDS là những người nghiện ma túy.

Do vậy, Bộ Chính trị (Khoá VIII) đã ban hành Chỉ thị số 21 – CT/TW, ngày 26.3.2008 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Qua một thời gian tổ chức thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị. Việc làm này đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành; phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân tham gia phòng, chống ma túy; đấu tranh xử lý nhiều vụ phạm tội về ma túy và tổ chức cai nghiện với nhiều phương thức khác nhau, góp phần ngăn chặn, hạn chế sự gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy.

Đồng thời, Chỉ thị tập trung chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt đối với công tác phòng, chống ma túy; đưa nội dung này vào chương trình hoạt động, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền bằng việc cụ thể hoá thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Trước mắt, cần rà soát, bổ sung nội dung, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Chính phủ đề ra. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy và kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở từng đơn vị, địa phương…

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống ma túy; coi kết quả thực hiện nhiệm vụ này ở các đơn vị, cơ quan, chi bộ đảng v.v... là một tiêu chí để bình xét thi đua, phân loại tổ chức đảng và khen thưởng hàng năm; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật phòng, chống ma túy.

Từ thực tế đó cho thấy phòng chống tệ nạn ma túy không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Nó cần trở thành một phong trào quần chúng, có tính xã hội cao. Nhà nhà, người người hợp sức chống tệ nạn ma túy kết hợp với biện pháp hành chính. Đây còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong đó, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng phải có tính quyết định và cần phải đánh giá đúng thực trạng, nhìn thẳng vào sự thật để có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.

Như Thảo