Quan chức ngoại giao Mỹ đề nghị ngưng hoạt động xây dựng ở Biển Đông

15/07/2014 15:00
Bình Nguyên
(GDVN) - Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ ông Michael Fusch cho rằng việc ngưng các hoạt động xây dựng sẽ giúp giảm căng thẳng, tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đề nghị các nước Châu Á ngừng xây mới hoặc mở rộng các công trình hiện tại ở Biển Đông để giảm bớt nguy cơ xung đột giữa lúc căng thẳng đang leo thang trong khu vực.

Theo truyền thông Mỹ, khi phát biểu hôm 11/7/2014, ông Michael Fuchs, Phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách chiến lược và quan hệ đa phương khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và chỉ trích kiểu hành xử khiêu khích của Trung Quốc.

Trung Quốc đang xây dựng đảo nhận tạo ở bãi Gạc Ma (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam)
Trung Quốc đang xây dựng đảo nhận tạo ở bãi Gạc Ma (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam)

Ông Michael Fuchs vạch rõ chi tiết đề xuất về việc tự nguyện ngưng các hoạt động làm gia tăng căng thẳng theo đúng tinh thần Tuyên bố giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á năm 2002 kêu gọi các bên kiềm chế hành động thực ở Biển Đông.

Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy đề xuất này tại cuộc họp của các ngoại trưởng Châu Á ở Myanmar vào tháng sau.Ông Michael Fusch cũng đề nghị các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông không cản trở nhau trong việc tiếp tục các hoạt động kinh tế lâu nay tại các khu vực tranh chấp.

Tháng 6 vừa qua, chính quyền Philippines tuyên bố sẽ kêu gọi các nước ASEAN thúc đẩy một lệnh ngừng các hoạt động xây dựng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc xây một trường học trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc (chủ quyền của Việt Nam).

Tàu thuyền của TQ được huy động để xây đảo phi pháp ở Gạc Ma, Trường Sa (ảnh báo Thanh Niên)
Tàu thuyền của TQ được huy động để xây đảo phi pháp ở Gạc Ma, Trường Sa (ảnh báo Thanh Niên)

Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ ông Michael Fusch cho rằng việc ngưng các hoạt động xây dựng sẽ giúp giảm căng thẳng và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) vốn đã bị trì hoãn lâu nay.
 
Tuy nhiên, từ trước cho đến nay, chính quyền Trung Quốc nhất mực phản đối điều mà họ gọi là sự can dự của Mỹ vào tranh chấp Biển Đông. Nhiều khả năng đề xuất mới của Mỹ sẽ bị Bắc Kinh bỏ ngoài tai vì không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ đồng ký ý, tuân thủ yêu cầu giữ nguyên trạng bởi nước này đang ngày càng ngang ngược trong lời nói, mạnh bạo trong hành động để thực hiện âm mưu thôn tính toàn bộ Biển Đông.

Ý định của Trung Quốc khi xây đảo nhân tạo trên Biển Đông đang gây nhiều quan ngại
Ý định của Trung Quốc khi xây đảo nhân tạo trên Biển Đông đang gây nhiều quan ngại

Chính quyền Mỹ dự định sẽ chi khoảng 156 triệu USD hỗ trợ các nước Đông Nam Á gây dựng khả năng hàng hải trong vòng 2 năm tới. Mỹ  khẳng định dù không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông nhưng ủng hộ giải pháp hòa bình và quyền tự do hàng hải quan trọng này.

Nhật Bản cũng là một trong những nước phản đối các hành động và tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và Tokyo cũng đã có những bước đi riêng của mình để hợp tác với các quốc gia láng giềng của TQ nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh.

Bình Nguyên