Quan chức Quốc hội bàn về vụ nổ mìn cướp vàng trên phố Nguyễn Thái Học

24/06/2012 06:28
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến giới trẻ trong độ tuổi đến trường mà không đi học, đang lao động ngoài xã hội. Phải ngăn ngừa từ xa và đồng bộ mới có thể giảm thiểu tình trạng phạm tội trong giới trẻ".
Vụ nổ mìn tại tiệm vàng Hoàng Tín (ở số 124 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, HN) khiến ít nhất 11 người bị thương phải nhập viện. Ngay sau đó, 2 đối tượng liên quan đến vụ nổ mìn được đánh giá là manh động và nguy hiểm đã bị bắt giữ.

Sự liều lĩnh và manh động của hai đối tượng này khiến nhiều người nhớ đến Lê Văn Luyện bởi sự độc ác và dã man. Một điểm giống nhau đến bất ngờ giữa hai vụ án này là các đối tượng đều bỏ học sớm, không được gia đình quan tâm, chăm sóc, đi làm sớm, không có việc làm ổn định và khi túng quẫn thì làm liều đi cướp vàng.

Ông Trịnh Ngọc Thành - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Ông Trịnh Ngọc Thành - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Ông Thạch cho biết: “Trong các vụ việc xảy ra như vậy, lỗi trước tiên thuộc về các bậc làm cha, làm mẹ. Có một thực trạng khá đau lòng là ở các gia đình này, phần lớn các em không được quan tâm đầy đủ do cha mẹ mải làm ăn, không chăm lo đến việc học hành của con cái. Thậm chí có gia đình còn không biết các em học đến đâu, có đi học nữa hay không…”. Theo ông Thạch, bài học từ vụ án Lê Văn Luyện ở Bắc Giang là rất đắt giá đối với cả xã hội nói chung và các nhà giáo dục nói riêng.

Ông Thạch phân tích: “Giáo dục hiện nay của chúng ta thực hiện cơ bản trong nhà trường nên nó chỉ tạo cơ hội đối với những em đến trường học, chưa có điều kiện giáo dục ngoài xã hội một cách mạnh mẽ. Những kỳ thi gắt gao có thể đẩy những học sinh không đủ khả năng ra ngoài xã hội mà không được học tiếp. Theo tôi điều này là không nên mà phải thu hút các em vào trường học để dạy dỗ. Nếu để các em ra ngoài lêu lổng rồi gặp những cám dỗ, tệ nạn xã hội thì hậu quả rất khó lường trước”.

Đối tượng Tạ Văn Thanh bị bắt ngay sau vụ nổ mìn ở tiệm vàng Hoàng Tín (124 Nguyễn Thái Học, HN)
Đối tượng Tạ Văn Thanh bị bắt ngay sau vụ nổ mìn ở tiệm vàng Hoàng Tín (124 Nguyễn Thái Học, HN)

Về ý kiến cho rằng đối với những học sinh yếu kém so với những học sinh khác thì nhà trường vẫn nên chấp nhận giáo dục dù có mất nhiều thời gian hơn để tránh đẩy những học sinh đó ra ngoài xã hội để rồi xã hội phải xử lý hậu quả lớn hơn, ông Thạch cho rằng, ý kiến đó “hoàn toàn đúng nhưng hiện nay chúng ta đang gặp phải một vấn đề về “cung” và “cầu” trong giáo dục.

Vấn đề “cầu” tức là vấn đề cần học rất cao nhưng sự đáp ứng “cầu” ấy lại có hạn về mặt cơ sở vật chất, lượng giáo viên… Nhưng theo tôi không thể vì những lý do “khách quan” đó mà không đưa các em vào trường. Phải có giải pháp nào đó như mở thêm các trường, các loại hình đào tạo để các em vào học. Nếu các em không vào trường thì lại ra xã hội và với những cám dỗ của xã hội thì việc giáo dục những con người đó còn khó hơn”.

Video: Nghi phạm thứ 2 vụ nổ mìn cướp tiệm vàng khai nhận tội ác
Chùm ảnh: Nổ mìn ở cửa hàng vàng trên phố Nguyễn Thái Học
Video: Lời khai của hung thủ nổ mìn cướp tiệm vàng phố Nguyễn Thái Học
Video: Nổ mìn ở tiệm vàng tại phố Nguyễn Thái Học
Kinh hoàng những vụ dùng mìn cướp tiệm vàng

Nói về độ tuổi của tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa, ông Thạch cho biết: “Trở lại với thực trạng những học sinh không được học tiếp cho đến hết bậc THPT thì các tổ chức xã hội phải có biện pháp khác để giáo dục. Các địa phương cần phải quan tâm để cùng với gia đình và nhà trường tham gia vào giáo dục ngoài xã hội. Đó là một việc khó và các cơ quan chức năng phải dành thời gian cho việc này.

Tôi nghĩ là cần có một quỹ phúc lợi dành cho giáo dục. Nếu ngân sách nhà nước khó khăn thì nên có một quỹ xã hội hóa để hỗ trợ giáo dục ngoài xã hội. Và các trung tâm dạy nghề tại các địa phương cũng nên miễn phí cho những người đến học vì mục tiêu học nghề, tìm việc làm để có thể ngăn bớt thanh niên vướng vào tệ nạn xã hội.

Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến giới trẻ trong độ tuổi đến trường mà không đi học, đang lao động ngoài xã hội. Phải ngăn ngừa từ xa và đồng bộ cả 3 yếu tố: gia đình – nhà trường – xã hội thì mới mong giảm thiểu tình trạng phạm tội trong giới trẻ. Nếu thiếu 1 trong ba yếu tố trên thì đều không được”.


Điểm nóng

“Gái gọi sinh viên” Hà Thành ế ẩm mùa Euro

Chuyện cảm động ghi trên đường của vị sư đi một bước, lạy một cái

Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá cước vận tải

Hồng Chính Quang