Quân Mỹ sẽ quay trở lại Philippines để đối phó Trung Quốc

28/04/2014 10:14
Đông Bình
(GDVN) - Theo báo Đài Loan, Mỹ và Philippines cùng các nước trong khu vực đều có nhu cầu hợp tác bảo đảm hòa bình, an ninh trên Biển Đông, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện...

Mỹ-Philippines sẽ tăng cường hợp tác quân sự

Hãng tin Central News Agency (CNA) Đài Loan ngày 26 tháng 4 có bài viết cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng ngày đến Malaysia, quan chức Mỹ cho biết, ông Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý vấn đề Biển Đông bằng luật pháp quốc tế, ngoài ra, Mỹ sẽ ký kết nhiều hiệp định hợp tác quân sự với Philippines ở trạm dừng chân tiếp theo - Philippines.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Malaysia ngày 26 tháng 4 năm 2014. Đến ngày 28 tháng 4, ông sẽ đến Philippines.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Malaysia ngày 26 tháng 4 năm 2014. Đến ngày 28 tháng 4, ông sẽ đến Philippines.

Ông Obama là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên thăm Malaysia trong gần nửa thế kỷ qua, sau cựu Tổng thống Lyndon Johnson, cho thấy mối quan tâm của Mỹ đối với Đông Nam Á và tình hình Biển Đông.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Ben Rhodes cho rằng, Malaysia là một bên đòi hòi chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ tái khẳng định không có lập trường đối với tuyên bố của các bên, nhưng tin tưởng mạnh mẽ rằng vấn đề phải được giải quyết hòa bình, nước lớn không nên ăn hiếp nước nhỏ, Mỹ vui mừng nhìn thấy ASEAN và Trung Quốc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo Ben Rhodes, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận tình hình khu vực, an ninh hàng hải, tránh để leo thang tình hình, tầm quan trọng của lấy luật pháp quốc tế để xử lý công bằng vấn đề. Malaysia sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2015, hai bên sẽ còn thảo luận vấn đề của ASEAN.

Ngoài ra, trong chuyến thăm Philippines kế tiếp, ông Obama sẽ ký kết với phía Philippiines về hiệp định quân sự có liên quan như phòng thủ chung, sử dụng căn cứ và thăm cấp cao lẫn nhau, thu hút sự chú ý của Bắc Kinh đối với việc Washington can thiệp quân sự vào tình hình Biển Đông.

Rhodes nhấn mạnh, hai bên Mỹ-Philippines trước đó tích cực tương tác, tin tưởng đi sâu hợp tác quân sự có lợi cho hai nước, hai bên từng hợp tác cứu trợ, cứu nạn sau cơn bão Haiyan, hai bên sẽ nỗ lực hoàn thành hiệp định cuối cùng.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Olympia Mỹ tại vịnh Subic, Philippines vào ngày 8 tháng 10 năm 2012
Tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Olympia Mỹ tại vịnh Subic, Philippines vào ngày 8 tháng 10 năm 2012

Quân Mỹ sẽ quay trở lại Philippines để đối phó Trung Quốc

Tờ "Thời báo Trung Quốc" Đài Loan ngày 27 tháng 4 cũng có bài viết cho rằng, sau khi rời khỏi 22 năm, quân Mỹ có triển vọng quay trở lại vịnh Subic của Philippines; nhà cầm quyền Manila và Washington đầu tháng 4 tuyên bố, hai nước đã đạt được thỏa thuận về một dự thảo "Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng" mới; dự kiến khi Tổng thống Mỹ thăm Philippines vào ngày 28 tháng 4, hai bên sẽ chính thức ký kết hiệp định này, đặt nền tảng cho quân Mỹ quay trở lại Philippines.

Tháng 9 năm 1991, dưới sức ép dư luận phản đối quân đồn trú Mỹ, Quốc hội Philippines thông qua hủy bỏ hiệp ước hợp tác phòng thủ với Mỹ, năm sau Mỹ buộc phải từ bỏ căn cứ hải quân vịnh Subic nằm ở miền trung-tây đảo Luzon, đến nay nhà cầm quyền Manila lại hoan nghênh quân Mỹ quay trở lại, sự khác biệt lớn nhất với trước đây ở chỗ, Philippines hiện nay phải đối mặt với mối đe dọa Trung Quốc.

Trung Quốc tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Philippines ở rất nhiều khu vực trên Biển Đông, bắt đầu từ tháng 4 năm 2012, hai nước kéo dài đối đầu ở bãi cạn Scarborough, suýt nữa nổ ra xung đột; năm 2013, hai nước lại xảy ra va chạm liên quan đến bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Đối mặt với sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc, Philippines buộc phải lấy Mỹ làm chỗ dựa.

Mỹ-Philippines diễn tập đổ bộ đoạt đảo ở vùng biển Palawan, Philippines
Mỹ-Philippines diễn tập đổ bộ đoạt đảo ở vùng biển Palawan, Philippines

Nhưng, Hiến pháp Philippines cấm hiện diện căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ của mình, vì vậy quân Mỹ nếu quay trở lại, cũng chỉ có thể sử dụng căn cứ hiện có của Philippines, hơn nữa, nhà cầm quyền Philippines sẽ giữ lấy quyền kiểm soát cao nhất của căn cứ. Ngoài ra, quân Mỹ không thể đồn trú lâu dài, phải duy trì tính chất "luân phiên".

Được biết, nhà cầm quyền Manila hy vọng quân Mỹ không chỉ đóng ở vịnh Subic, mà còn đóng ở các địa điểm khác, gồm có căn cứ không quân Clark, khu vực lân cận vịnh Subic, nơi mà trước đây quân Mỹ từng sử dụng lâu dài, vịnh Oyster và điểm Brooke của đảo Palawan.

Vịnh Subic từng là căn cứ hải quân lớn nhất ở nước ngoài của Mỹ, trước đây cung cấp 25.000 công việc cho thành phố Olongapo - nơi đặt căn cứ này, sau khi quân Mỹ rút đi, toàn bộ những công việc này đã mất, người địa phương đến nay vẫn nhớ đến nó.

Hiện nay, vịnh Subic được quy hoạch thành khu mậu dịch tự do, nhưng phát triển chậm chạp. Ngoài ra, vịnh Oyster rất gần với ranh giới vùng biển "đường chín đoạn" do Trung Quốc vẽ bậy trên Biển Đông.

Tàu tuần duyên USS Freedom hiện triển khai ở căn cứ Changi, Singapore, đã tham gia diễn tập Carat 2013 với Philippines.
Tàu tuần duyên USS Freedom hiện triển khai ở căn cứ Changi, Singapore, đã tham gia diễn tập Carat 2013 với Philippines.
Đông Bình