Quyết định Crimea sắp nhập Nga đã được đưa ra "dưới nòng súng"?

08/03/2014 15:19
Việt Dũng
(GDVN) - Quốc hội và Chính phủ Crimea đã quyết định gia nhập Liên bang Nga, được Chủ tịch Thượng viện Nga ủng hộ, Tổng thống Nga không "bỏ mặc", báo Nga khuyến khích.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận với Hội đồng An ninh Quốc gia về quyết định gia nhập Liên bang Nga của Crimea
Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận với Hội đồng An ninh Quốc gia về quyết định gia nhập Liên bang Nga của Crimea

Ukraine không thừa nhận việc Quốc hội Crimea thông qua nghị quyết gia nhập Nga

Quốc hội nước Cộng hòa tự trị Crimea - Ukraine ngày 6 tháng 3 đã thông qua nghị quyết, quyết định Crimea lấy tư cách chủ thể liên bang để gia nhập Liên bang Nga. Nhà cầm quyền hiện nay của Ukraine không thừa nhận đối với vấn đề này, cho biết quyết định này đã được đưa ra "dưới nòng súng".

Theo hãng RIA Novosti, trong ngày, tổng cộng có 86 nghị sĩ đã tham gia hội nghị của Quốc hội Crimea. Cuối cùng, Quốc hội đã thông qua nghị quyết với 78 phiếu đa số áp đảo, quyết định lấy tư cách chủ thể liên bang để gia nhập Liên bang Nga.

Quốc hội Crimea cũng đã trình lên Tổng thống Nga Putin và Quốc hội Nga thỉnh cầu gia nhập Liên bang Nga và đề nghị Nga khởi động trình tự có liên quan.

Ngoài ra, Quốc hội Crimea trong ngày quyết định sẽ tổ chức sớm cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea về địa vị của nước cộng hòa này vào ngày 16 tháng 3 thay vì ngày 30 tháng 3 như dự định.

Trong quyết định của mình, Quốc hội Crimea cho biết, phiếu bầu sẽ dùng tiếng Nga, tiếng Ukraine và tiếng Tatar của Crimea để in, phát, vấn đề được đa số phiếu sẽ được cho là đã trực tiếp bày tỏ ý nguyện của người dân Crimea.

Ngày 6 tháng 3 năm 2014, người dân thân Nga tập trung ở thủ phủ Simferopol, Crimea giơ biểu ngữ "Crimea chống phát xít".
Ngày 6 tháng 3 năm 2014, người dân thân Nga tập trung ở thủ phủ Simferopol, Crimea giơ biểu ngữ "Crimea chống phát xít".

Trong ngày, ở bên ngoài Quốc hội Crimea, có khoảng hơn 100 người dân tổ chức tụ tập, ủng hộ quyết định của quốc hội và chính quyền hiện nay của Crimea, đồng thời bày tỏ phản đối đối với quyết định phê chuẩn bắt Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Crimea của Toàn án Ukraine.

Ngoài ra, theo hãng thông tấn Ukraine, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Turchinov - quyền Tổng thống tạm thời cùng ngày chỉ ra, chính quyền Crimea bất hợp pháp, quyết định của họ được đưa ra "dưới nòng súng".

Turchinov cho biết, căn cứ vào quy định pháp lý liên quan, ứng cử viên Thủ tướng nước cộng hòa tự trị Crimea phải do Tổng thống Ukraine đề xuất.

Bộ trưởng tư pháp Ukraine cho biết, việc trưng cầu dân ý của Crimea là "bất hợp pháp". "Vấn đề liên quan đến tính toàn vẹn của chủ quyền và lãnh thổ Ukraine" không nên do địa phương tiến hành trưng cầu dân ý, mà phải do người dân toàn Ukraine tiến hành trưng cầu dân ý".

Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk ngày 6 tháng 3 cho rằng, quyết định gia nhập Liên bang Nga của Quốc hội Crimea là bất hợp pháp và kêu gọi Nga không ủng hộ hành động ly khai khỏi Ukraine này.

Ngoài ra, ông Yatsenyuk đã phủ nhận quan điểm Ukraine đang tìm kiếm sự viện trợ quân sự từ Mỹ, đồng thời chỉ trích Tổng thống Nga đã tạo ra cuộc khủng hoảng quốc tế, đã bày tỏ lo ngại đối với việc Nga tiếp tục "xâm lược".

Ông nói: "Nếu tình hình tiếp tục leo thang, quân đội nước ngoài tiến hành can thiệp quân sự đối với lãnh thổ Ukraine, Chính phủ và Quân đội Ukraine sẽ hành động theo Hiến pháp. Chúng tôi đã làm tốt chuẩn bị bảo vệ Tổ quốc của mình".

Đại diện Nga tại Liên hợp quốc giải thích Nga sử dụng quân đội tại Ukraine
Đại diện Nga tại Liên hợp quốc giải thích Nga sử dụng quân đội tại Ukraine

Cùng với tình hình chính trị Ukraine rung chuyển, tình hình Crimea cũng trở nên vô cùng phức tạp. Ngày 27 tháng 2, các nhân viên vũ trang "lạ" chiếm lĩnh Quốc hội Crimea, trong ngày Quốc hội Crimea triệu tập hội nghị tạm thời, hội nghị quyết định chấp nhận mở rộng quyền lực của nước Cộng hòa tự trị Crimea, tổ chức trưng cầu dân ý Crimea, đồng thời tổ chức bầu nhà lãnh đạo đảng "Nước Nga thống nhất" Aksyonov làm Thủ tướng mới của chính quyền nước cộng hòa tự trị.

Sau đó, Tòa án khu vực Kiev tuyên bố, quyết định của Quốc hội Crimea là bất hợp pháp và cấm ông Aksyonov hoạt động với tư cách Thủ tướng nước cộng hòa Crimea.

Ngày 5 tháng 3, Tòa án Ukraine ra lệnh bắt Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Crimea lần lượt là Aksyonov và Konstantinov. Theo thông báo của Viện kiểm sát Ukraine, cơ quan an ninh Ukraine sẽ tiến hành bắt giữ ông Aksyonov và Konstantinov.

Quyền Viện trưởng Viện kiểm sát Ukraine Oleg Makhnitsky cho biết, Viện kiểm sát đã đưa ra tố tụng hình sự đối với một số nhân vật chính trị trong đó có Aksyonov và Konstantinov.

Ngày 1 tháng 3, ông Aksyonov ra tuyên bố thỉnh cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp đỡ bảo đảm hòa bình của Crimea. Cùng ngày, quyền Tổng thống tạm thời Ukraine Turchinov ký sắc lệnh không thừa nhận tư cách Thủ tướng Crimea của Aksyonov.

Mỹ: Crimea tổ chức trưng cầu dân ý là vi phạm Hiến pháp

Tân Hoa xã ngày 7 tháng 3 đưa tin, ngày 6 tháng 3, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, trưng cầu dân ý do Quốc hội nước cộng hòa tự trị Crimea Ukraine quyết định tổ chức là "vi phạm hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế".

Tổng thống Mỹ Barack Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama

Tại Nhà Trắng cùng ngày, ông Obama đã phát biểu về tình hình Ukraine, ông nói: "Trưng cầu dân ý về tương lai của Crimea sẽ vi phạm Hiến pháp Ukraine và vi phạm luật pháp quốc tế. Bất cứ thảo luận nào có liên quan đến tương lai của Ukraine phải bao gồm chính quyền hợp pháp Ukraine".

Obama cho biết, cùng ngày, ông đã hạ lệnh tiến hành trừng phạt đối với những cá nhân và tổ chức của Nga và Crimea "đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", bao gồm chấm dứt cấp visa cho họ và đóng băng tài sản ở Mỹ.

Obama thúc giục cho phép quan sát viên quốc tế đến Crimea để bảo đảm quyền lợi của tất cả người Ukraine trong đó có người dân tộc Nga, đồng thời kêu gọi Nga và Ukraine tổ chức tham vấn hóa giải cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ông cho biết, Nga có thể bảo vệ quyền lợi của căn cứ Crimea, nhưng tiền đề là tôn trọng thỏa thuận liên quan cùng với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Thượng viện Nga ủng hộ Crimea độc lập, Nga “tăng quân gấp đôi ở Crimea” và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine

Theo hãng tin Itar-Tass Nga, một người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Putin trong ngày triệu tập hội nghị Hội đồng an ninh Liên bang, thảo luận tình hình hiện nay của Ukraine và cân nhắc biện pháp ứng phó việc Quốc hội Crimea thông qua nghị quyết gia nhập Nga.

Nhưng chưa tiết lộ nội dung cụ thể của hội nghị. Bộ Ngoại giao Nga cũng chưa đưa ra tuyên bố đối với vấn đề trưng cầu dân ý của Crimea.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Người phát ngôn Quốc hội Nga cho biết, Quốc hội Nga chuẩn bị xem xét điều khoản pháp lý có liên quan vào tuần tới. Nhưng, Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) và Duma quốc gia Nga (Hạ viện) đều cho biết, trước khi kết thúc trưng cầu dân ý ở Crimea sẽ không làm rõ lập trường trong vấn đề Crimea.

Tuy nhiên, theo tờ "Nhật báo Phố Wall" Mỹ ngày 7 tháng 3, kế tiếp sau việc Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk ngày 6 tháng 3 tuyên bố quyết định gia nhập liên bang Nga của quốc hội Crimea không có hiệu lực, ngày 7 tháng 3, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko công khai cho biết, ủng hộ Crimea độc lập. Quan chức bảo vệ biên giới Ukraine dự đoán, Quân đội Nga đồn trú ở Crimea đã “tăng gần gấp đôi” so với đầu tuần này.

Theo bài báo, bà Matviyenko cho biết, Thượng viện Nga sẽ ủng hộ việc làm muốn gia nhập Liên bang Nga của Crimea. Ông nói: "Nếu như Crimea trưng cầu dân ý quyết định gia nhập Nga, Thượng viện chúng tôi sẽ ủng hộ quyết định này".

Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan biên phòng quốc gia Ukraina Sergey Astakhov nói với hãng Reuters rằng, trong đơn vị đến đóng từ tuần trước và binh sĩ Hạm đội Biển Đen thường trú của Nga, dự đoán hiện nay Quân đội Nga ở khu vực Crimea số lượng lên tới 30.000 quân. Đầu tuần này, con số dự đoán là 16.000 quân.

Ngày 6 tháng 3, Quốc hội Crimea đưa ra quyết định Crimea gia nhập Nga và tổ chức trưng cầu dân ý ở Crimea về vấn đề này vào ngày 16 tháng 3 tới.

Sau đó, Phó Thủ tướng nước Cộng hòa tự trị Crimea tuyên bố, pháp lệnh Crimea trở thành một phần của Nga đã có hiệu lực, Quân đội Nga là quân đồn trú hợp pháp duy nhất của khu vực này, Quân đội Ukraine sẽ bị Crimea coi là "kẻ xâm lược", họ phải đầu hàng hoặc rút khỏi Crimea.

Theo dự kiến của lãnh đạo đảng "Nước Nga công bằng" Sergey Mironov, Du ma quốc gia Nga sẽ triển khai tranh luận về việc Crimea gia nhập Nga vào tuần tới.

Chủ tịch Quốc hội Nga Valentina Matvienko (người đứng ngoài cùng bên trái)
Chủ tịch Quốc hội Nga Valentina Matvienko (người đứng ngoài cùng bên trái)

Cuối ngày 7 tháng 3 dẫn trang mạng đài truyền hình tin tức châu Âu ngày 7 tháng 3 cho biết, nguồn tin từ Liên hợp quốc đã dẫn tin từ Thông tấn xã Ukraine cho hay, Nga đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine.

Theo bài báo, đại diện Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin tuyên bố quyết định này. Ông Vitaly Churkin cho biết: “Moscow không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền Ukraine hiện nay, đây chính là nguyên nhân chúng tôi quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine”.

Nga đẩy mạnh tuyên truyền Crimea tách khỏi Ukraine?

Theo tuyên truyền của trang mạng Đài phát thanh RFI Pháp ngày 7 tháng 3, tình hình Nga “thu hồi” Crimea hầu như sắp thành công. Trong vài ngày qua, Nga đã ra sức tuyên truyền về việc Crimea gia nhập Nga.

Chủ tịch Duma quốc gia Nga cho biết: “Tôn trọng sự lựa chọn mang tính lịch sử của nhân dân Crimea khi trưng cầu dân ý”. Còn Tổng thống Nga Putin nói: “Chúng tôi không thể bỏ mặc yêu cầu của người Crimea”.

Theo hãng AFP Pháp thì đài truyền hình nhà nước Nga hiện đã bắt đầu đẩy mạnh tuyên truyền, đăng các hình ảnh một số người “thân EU” của Ukraine là “Nazi” (phát xít Hít-le) và đưa tin: người dân khu vực (Crimea) liên tiếp yêu cầu Nga bảo vệ họ.

Bài báo cho rằng, người dân khu vực Crimea chủ yếu là người dân tộc Nga, cho rằng rất nhiều việc làm của quốc hội Crimea là “âm mưu” của Nga và có sự “kiểm soát” của nhân viên an ninh Nga.

Theo bài báo, việc Quốc hội Crimea quyết định trưng cầu dân ý gia nhập Liên bang Nga vào ngày 16 tháng 3 tới đã tăng tốc tiến trình Crimea tách khỏi Ukraine.

Bán đảo Crimea - miền nam Ukraine, bên bờ Biển Đen (màu vàng)
Bán đảo Crimea - miền nam Ukraine, bên bờ Biển Đen (màu vàng)
Việt Dũng