“Sao bữa nào ba cũng ăn xương?".

30/03/2012 06:00
Theo Tuổi trẻ
Ba có đôi bàn tay “khổng lồ”. Tay ba là tấm lá chắn và chứa cả vòm trời mát dịu tình thương - chị Hai bảo vậy.
Chỉ nhớ chị em tôi được ba bế vào giường ngủ mỗi đêm, mắc mùng, vén chăn. Những đêm nóng bức, suốt đêm cành cạch chiếc quạt mo. Tôi và con út gối đầu lên tay ba, rúc vào nách tìm hơi ấm những đêm đông. Chị sáu giúi vào để được bỏ tay lên bụng ba mà ngủ. Chị bảo bỏ tay lên bụng ba, ba sẽ vuốt nhẹ tay mình, ngủ thật ngon!
Ngày nhỏ, tới bữa cơm ba lấy hết phần thịt của cá bỏ vào chén con, kể cả con cá rô, cá sặt nhỏ xíu ba cũng gỡ xương, phần ba sẽ là cái xương. Bé Út hỏi: “Sao bữa nào ba cũng ăn xương?". Ba cười nói: “Ông bà mình kêu ăn cá mút xương, ăn mắm mút dòi”.

Mấy chị em ngơ ngác không hiểu gì, cứ ngỡ ba bảo ăn xương cá với mút mắm trên con dòi là ngon. Sau này, lớn một chút mới vỡ oà, thì ra phải tiết kiệm tới mức phần mặn trên xương cá và con dòi cũng không để phí. Sau này khi đã hiểu, tới bữa cơm chị Hai giành phần xương, để thịt cho ba mẹ. Ba không cho, chị bảo: “Con thích như ba, ăn cá mút xương, ăn mắm mút dòi cơ!”. Ba cốc lên đầu chị rồi đưa tay quẹt giọt nước mắt đang chảy xuống bát cơm.

Năm Phú Yên vỡ đập Đồng Cam, nạn đói hoành hành. Mấy chị em tôi ăn cơm trắng, ba mẹ thì cơm độn bắp. Bé Út đòi ăn cơm với ba mẹ vì cơm ba mẹ "đẹp", ba mẹ không cho thì bé khóc. Ai ngờ ăn vào một miếng bé nhả ra không kịp, khóc còn to hơn, bảo cơm rất cợn, không nuốt được.

Ba kêu mẹ ăn với các con, mẹ không chịu. Ba xới một chén cơm, chan mấy muỗng canh, lấy đũa khuấy đều, ba vớt hết phần bắp nổi lên bỏ vào chén mình rồi đưa chén cơm trắng cho mẹ. Có hôm làm đồng về, thấy mẹ chổng người hít những gốc mía mới chặt sau nhà cho qua cơn đói. Ba đứng nhìn, thương mẹ, nước mắt chảy tràn…

Buổi tối, mấy chị em hay trải chiếu ra giữa sân nằm đếm sao. Đếm một chập thì vờ nhắm mắt ngủ, ba sẽ ra ẵm từng đứa vào nhà. Mấy chị em cười thầm, hạnh phúc khi được ba bế trên tay như thuở còn nhỏ.
Chưa một lần tôi thấy ba nặng lời với mẹ hay la mắng chị em tôi. Duy chỉ một lần ba đánh anh vì tội bẻ mía nhà người ta cho các em. Ba quất mạnh vào tay anh và bảo: “Của người cũng như của mình. Con có muốn người ta bẻ mía nhà mình hay không? Nếu không thì đừng bẻ của người khác. Việc mình không thích thì đừng làm cho người!”.

Đánh anh xong, ba lấy dầu xoa lên vết bầm ở tay anh, ba khóc, bảo: “Ba đánh con, ba đau gấp ngàn lần con!”. Anh xin lỗi, mếu máo khóc, ba mân mê vết bầm trên tay anh, cha con ôm nhau khóc. Anh tôi nghịch lắm, mỗi lần xóm có ăn mày đến xin gạo, anh cũng lật đật chạy vô nhà lấy cái túi, cây gậy và cũng lẽo đẽo đi sau người ăn mày khốn khổ. Có lần ba thấy được, ba kêu anh về, rất nhẹ nhàng ba bảo: "Ăn mày cũng là cái nghiệp đấy con ạ! Người ta đến xin, mình có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, đừng trêu chọc người bần cùng như vậy, không nên!".

Bây giờ ngồi lại với nhau, mấy chị em hay than ngày nhỏ khổ; khen ba mẹ giỏi, ăn uống không kén cá chọn canh, khổ thế nào cũng ăn được. Ba bảo thời đó khổ trầy trật, không ăn vậy lấy gì nuôi các con.

Chị Hai bảo thảm nhất là ngày tết, bé Út đòi bong bóng chơi. Ba đi làm đồng cả ngày, tối tranh thủ phụ người ta mổ heo để xin cái bong bóng. Ba ngồi chà sạch, lấy ống đu đủ thổi to, kết thành chùm bong bóng cho bé Út. Nhận quà, Út khóc to hơn, kêu phải mua bong bóng đủ màu có hình chú mèo trong phim hoạt hình như mấy bạn cơ. Ba xin lỗi con gái, con gái khóc, ba cũng khóc.

Năm kia, tôi bị tai nạn nặng lắm. Lúc tỉnh dậy, thấy ba gầy rạc. Mẹ bảo, ba khóc mãi lúc con hôn mê. Cả tháng trời, ba ăn uống thất thường nên gầy nhom. Tôi bị liệt. Ba xoa bóp mãi, giúp tôi kiên trì tập vật lý trị liệu. Khi đã đi lại bình thường, tôi phát hiện mình bị lé vì dây thần kinh số 6 đã liệt. Tôi khóc suốt, tủi thân khi nghe người ta bảo “nhất lé, nhì lùn”. Mỗi bận tôi khóc, ba cũng rơm rớm.

Mắt ba ngày một mờ vì mộng thịt ngày càng lớn. Mẹ bán bò, kêu ba đi mổ lấy mộng thịt, ba nhất định không đi. Ba bảo với ba, sáng tối có quan trọng gì. Ba chỉ muốn con gái đi tái khám ở viện mắt, chỉnh hình. Ba nói với mẹ, con gái lương bổng ít ỏi, đợt bệnh vừa rồi các con cùng đường, mình làm cha, không đưa tay kéo con gái ra ánh sáng, sao coi được hả bà?

Ba lên nhà, cầm tiền dúi vào tay tôi. Lần này, ba cười, còn tôi đưa tay lên, lau dòng nước mắt.
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN (nguồn: www.netbuttrian.vn)

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

Video Clip

Theo Tuổi trẻ