Sẽ không quy định độ tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự?

14/08/2014 13:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Thêm vào đó, đối tượng ưu tiên cũng bị thu hẹp theo hướng công dân nào cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; thời gian tại ngũ ít nhất 2 năm...

Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội sáng nay bàn về Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội dẫn Hiến pháp “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân” và nhấn mạnh: “Không có khái niệm miễn nghĩa vụ quân sự, đồng ý là miễn cho những anh sức khỏe quá yếu, mắc các bệnh nặng… chứ lấy vợ lấy chồng không được miễn, đi học không được miễn. Sinh viên học đại học thì trong thời gian này chưa gọi, chứ không phải miễn. Học xong rồi vẫn có thể gọi đi làm nghĩa vụ quân sự, nhưng phải tính lại việc này, làm nghĩa vụ quân sự không phải là tập trung hết về quốc phòng, đấy là tư duy mới phải tính toán. Dân tộc luôn phải sẵn sàng bảo vệ tổ quốc. Ở đây không phải là chuyện đủ sức cầm súng ngay, mà đây là rèn luyện và sẵn sàng tự vệ”.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng từ các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, đôi khi thương vong nhiều là do huy động rồi đưa về các trung đoàn, sư đoàn, chưa được huấn luyện bài bản.

“Bò chưa biết bò, súng chưa biết bắn, về đấy rồi anh đi trước bảo anh đi sau thôi, xông lên là chết hàng loạt. Vì vậy, tôi nói là thực hiện nghĩa vụ quân sự tức là rèn luyện phẩm chất chính trị và ý thức sẵn sàng. Nghĩa vụ quân sự này là mang tính phổ thông, cho nên phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi công dân, chứ còn nói là bảo vệ tổ quốc thì làm gì mà chẳng bảo vệ tổ quốc, công chức cũng bảo vệ tổ quốc, dân quân cũng bảo vệ tổ quốc…”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Nghĩa vụ quân sự này là mang tính phổ thông, cho nên phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi công dân".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Nghĩa vụ quân sự này là mang tính phổ thông, cho nên phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi công dân".

Thực hiện nghĩa vụ quân sự không quy định tuổi?

Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội và đề nghị cần định nghĩa về nghĩa vụ quân sự để người dân hiểu rõ, rèn luyện không chỉ là sẵn sàng chiến đấu mà còn nhiều ý nghĩa khác.

“Tôi cho là bất cứ ai cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, không trừ bất cứ ai cả. Thí dụ như Hàn Quốc một ông muốn lên Giáo sư mà chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự thì mời quay về thực hiện nghĩa vụ trước. Tôi đến Hàn Quốc thấy người ta nói có cả những người bị cận thị độ 7, độ 8 vẫn thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng được phân công vào những nhiệm vụ phù hợp.

Qua đấy, chúng ta thấy một đất nước Hàn Quốc rất kỷ cương, ai ai cũng làm việc hết mình, đó là một bài học. Vì vậy, tôi mong muốn tất cả mọi người thực hiện nghĩa vụ quân sự, có thể thực hiện trước hoặc sau thời gian học tập”, ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị trong luật này nên xây dựng một nguyên tắc để thực hiện Hiến pháp đó là cứ đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Bà Mai nói: “Thực hiện nghĩa vụ quân sự không chỉ là nhiệm vụ thiêng liêng với tổ quốc mà đồng thời còn giáo dục cho thế hệ trẻ rất nhiều điều bổ ích, đó là điều rất quan trọng. Qua thời kỳ rèn luyện, thanh niên trưởng thành hơn, chín chắn hơn, nâng cao phẩm chất đạo đức, nâng cao nhận thức và yên tâm hơn cho gia đình, xã hội và cho chính người thanh niên đó. Tôi thấy ở Hàn Quốc tất cả mọi người phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, kể cả ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng gì đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nếu không đi là người ta bắt, bỏ tù”.

Bên cạnh đó, bà Mai dẫn ra một loạt các quy định miễn nghĩa vụ quân sự, đề nghị Ủy ban thẩm tra và cơ quan soạn thảo phải làm rõ.

“Vấn đề công bằng bình đẳng xử lý thế nào? Tôi đề nghị thu hẹp đối tượng miễn, đề nghị cân nhắc lại hết đối tượng tạm hoãn để đảm bảo tính công bằng. Bên cạnh đó, các trường hợp tham gia lực lượng khác thì cần phải quy định rõ là nghĩa vụ đó được thay thế cho nghĩa vụ quân sự, như vậy những người đó cũng cảm thấy danh dự của họ được bảo toàn.

Tôi đọc luật Hàn Quốc người ta chỉ miễn khi người đó có bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm, những bệnh nặng… đồng thời người ta có cơ chế cho chọn thời điểm đi nghĩa vụ quân sự”.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Đối tượng nào được miễn, hoãn nghĩa vụ quân sự?

Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận định, quy định về miễn, hoãn nhập ngũ theo dự thảo là quá rộng so với luật hiện hành.

 “Quy định miễn hay tạm hoãn cần phải gắn với một điều kiện là áp dụng trong thời bình, thế còn thời chiến thì thế nào còn chưa nói rõ. Quy định về số lần gọi nhập ngũ cũng nói rằng trong trường hợp cần thiết có thể gọi công dân nhập ngũ 2 lần trong một năm, vì quá mở rộng nên đề nghị làm rõ như thế nào là cần thiết?”, ông Lý nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – ông Phùng Quang Thanh lý giải việc chọn thời hạn huấn luyện 24 tháng: “Ngoài huấn luyện anh em còn làm công tác dân vận, phòng chống cứu nạn, chống thiên tai. Thứ hai là cũng đảm bảo công bằng, cùng đi nhập ngũ, cùng địa phương nhưng có đồng chí phục vụ 24 tháng, có đồng chí 18 tháng, mà tâm lý chung là anh em muốn phục vụ thời gian ngắn, nhưng do yêu cầu xây dựng trong quân đội thì phải đảm bảo công bằng. Quan  nghiên cứu tham khảo nhiều quốc gia thì đại đa số các nước đều chọn thời gian đào tạo trong quân đội là 2 năm trở lên.

Với 24 tháng nếu huấn luyện tốt, rèn luyện tốt trong thời bình mà đưa vào phục vụ trong lực lượng dự bị động viên thì khi có tình huống cần thiết đưa vào quân đội chiến đấu được ngay mà không cần phải huấn luyện thêm nhiều”.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề cập tới quy định chỉ tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự với sinh viên học tập chính quy là chưa công bằng

“Các loại hình giáo dục không có sự phân biệt, chúng ta đưa thế này là lại phân biệt chính quy và không chính quy”, ông Lý nói.

Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đặt vấn đề nhập ngũ cũng là trường học rèn luyện thanh niên.

Tuy nhiên, ông Thi cho rằng để đảm bảo đúng ý nghĩa của việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng đồng thời không làm xáo trộn lớn tới quá trình học tập của sinh viên thì chỉ cần quy định một thời hạn ngắn trong rèn luyện.

“Tại các trường đại học, cao đẳng thì trong 2 năm đầu đều có dạy cho sinh viên kiến thức quốc phòng và rèn luyện lối sống, tác phong quân sự. Chúng ta có thể kết hợp được các nhiệm vụ vừa học tập tại trường vừa rèn luyện nghĩa vụ quân sự trong khoảng thời gian 1 năm hoặc ít hơn, như vậy quân đội không phải tập trung toàn bộ những sinh viên đó để thực hiện nghĩa vụ quân sự bởi số lượng quá lớn, đồng thời sinh viên cũng không phải bỏ lỡ học tập để thực hiện nghĩa vụ quân sự”, ông Thi nêu quan điểm.

Về đối tượng tạm hoãn nhập ngũ, ông Đào Trọng Thi có quan điểm trái ngược với ông Phan Trung Lý.

Ông Thi nói: “Sự khác nhau tạm hoãn đối với sinh viên của các cơ sở giáo dục, bây giờ phải nói rõ tập trung và dài hạn, chứ bây giờ học tại chức hay học từ xa mà cứ đăng ký là miễn nghĩa vụ quân sự thì không được. Nếu mở rộng như vậy thì ai cần xin miễn là làm được hết, cho nên là phải phân biệt rõ đào tạo chính quy với không chính quy là vì thế”.

Ông KSor Phước – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho rằng, công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

“Như Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói rất chính xác, không thể đưa một lúc vào 7 triệu người vào quân đội thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng cần có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp… để khi nào đất nước có sự cố xảy ra, cần huy động là có thể vào mặt trận được ngay. Vì vậy đề nghị xem lại thế nào là thực hiện nghĩa vụ quân sự? Đối với các trường đại học, tôi cho rằng mỗi năm phải dành ra 1 tháng để huấn luyện sinh viên thực hiện nghĩa vụ quân sự chứ không phải 4-5 năm chỉ có 1 lần”, ông Phước nói.

Ngọc Quang