"Sẽ thật vô lý khi tất cả mọi thứ đều đổ lên đầu Bộ trưởng Thăng"?

11/04/2012 06:09
Độc giả Nguyễn Việt Tiến
(GDVN) - Để giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông ở các TP lớn như Hà Nội và TP HCM, mỗi người cần THAM GIA CÓ TRÁCH NHIỆM trên đường.
Xung quanh câu chuyện đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến về đề nghị thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ Giao thông vận tải mới đề nghị đổi tên. 
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải một bài viết của một bạn đọc Nguyễn Việt Tiến với nội dung hiến kế cho Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc thu phí giao thông. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Khi tắc đường trở thành một 'đặc sản' ở Hà Nội và TP HCM
Ở các thành phố lớn, tắc đường trở thành “đặc sản” để người ta kể với nhau, nhớ về nhau, là cái để 'khoe', thậm chí còn là “công cụ” hữu hiệu để ngụy biện cho việc đến muộn, hỏng việc hoặc không muốn làm việc gì đó khi được giao.
Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài gây nhiều thiệt hay về kinh tế và sức khỏe cho người dân ở các đô thị lớn. Ảnh: Hoàng Hà
Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài gây nhiều thiệt hay về kinh tế và sức khỏe cho người dân ở các đô thị lớn. Ảnh: Hoàng Hà

Ai cũng biết việc thường xuyên phải đối mặt với ùn tắc giao thông sẽ gây ra những tổn thất về sức khỏe, tinh thần, kinh tế của bản thân và gia đình. Ai cũng rất khó chịu, bực dọc, thậm chí những va chạm không đáng có do căng thẳng trong quá trình điều khiển phương tiện xảy ra khi ùn tắc giao thông.

Ai cũng biết vậy là ảnh hưởng, là lãng phí, là thất thoát nhưng không ai biết tự nhủ với bản thân mình phải suy nghĩ có trách nhiệm trước khi quyết định kéo tay ga, dậm chân ga điều khiển xe vượt đèn tín hiệu, chiếm vỉa hè thành đường, cố tình chen lấn từng cen-ti-mét vượt lên đầu xe người khác hòng nhanh hơn được năm mười giây, tất cả những quyết định không có trách nhiệm như vậy sẽ gây ra xung đột giao thông, hỗn loạn tại các điểm giao cắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng giao thông chung tức là ảnh hưởng đến chính bản thân mình. Tôi đã ở Hà Nội đã gần 10 năm, thời gian đó không quá ngắn nhưng cũng không quá dài, nó vừa đủ để tôi nhận thấy vấn đề về giao thông của Thủ đô ngày càng trầm trọng hơn. Đặc biệt, trong những năm gần đây tình trạng ùn ứ kéo dài thường xuyên xảy ra trong giờ cao điểm. Thậm chí gây ra tắc đường trên một số tuyến phố mới. Tuyến đường Cầu Giấy – Xuân Thủy là một ví dụ. Cứ giờ cao điểm là những đoạn từ Cầu Giấy đến khách sạn Cầu Giấy, đoạn rẽ vào chùa Hà, đoạn đèn tín hiệu giao với Nguyễn Phong Sắc, đoạn gần chợ Nhà xanh, gần cổng Đại học Sư phạm Hà Nội bị xung đột và ùn ứ kéo dài. Có những hôm gây tắc đường cục bộ.
Những năm qua, tôi đã thấy có rất nhiều nguyên nhân được tìm ra, nhiều giải pháp, phương án khác nhau đã được thực hiện để khắc phục (như phân làn xe, làm cầu vượt, bịt các điểm giao cắt hay có xung đột, phạt nặng khi vi phạm,…) nhưng hiệu quả mang lại chưa thực sự tương xứng.

Theo tôi, cái cốt lõi của vấn đề ở đây chính là người tham gia giao thông. Khi người tham gia giao thông không coi trọng giá trị, tài sản, tính mạng của bản thân mình thì lợi ích của cộng đồng làm sao họ có thể tôn trọng, nhường nhịn và thực hiện được. Do vậy, dù có biện pháp nào đi chăng nữa, dù có phạt nặng gấp nhiều lần đi chăng nữa thì người ta vẫn vi phạm, vẫn nộp phạt rồi lại vi phạm?

Cứ khi xảy ra ùn ứ giao thông và có dấu hiệu tắc đường thì người ta tìm đủ mọi cách để thoát ra, Kể cả đi lên vỉa hè và đi ngược đường. Ảnh: Giàng A Cối
Cứ khi xảy ra ùn ứ giao thông và có dấu hiệu tắc đường thì người ta tìm đủ mọi cách để thoát ra, Kể cả đi lên vỉa hè và đi ngược đường. Ảnh: Giàng A Cối

Bản thân tôi thấy, khi đã xác định được đối tượng, nguyên nhân căn bản gây tắc đường thì tại sao chúng ta không có những phương pháp truyền thông tích cực, phù hợp, thường xuyên, lâu dài đến từng con người cụ thể? Chỉ khi thay đổi được tư duy, thay đổi được suy nghĩ cá nhân hóa lợi ích của họ mới làm thay đổi được tình trạng ùn tắc giao thông bởi các phương án cải tạo hệ thống đường, dãn cơ quan, trường học, khu mua sắm,… ra ngoài khu trung tâm cần rất nhiều thời gian, tiền bạc, lộ trình rất rõ ràng và có tầm nhìn lâu dài.

"Sẽ thật vô lý khi tất cả mọi thứ đều đổ lên đầu Bộ trưởng Thăng"?

Sẽ thật vô lý khi tất cả mọi thứ đều đổ lên đầu Bộ trưởng Thăng. Có những kế hoạch của vị Bộ trưởng này còn gây nhiều tranh cãi vì người dân chưa được nhìn thấy hiệu quả ngay lập tức, nhưng cũng có những quyết định của Bộ trưởng rất thiết thực làm cho đời sống của nhân dân cũng như giao thông thay đổi tích cực. Như việc dừng hoạt động một số điểm trông giữ xe gây ùn tắc giao thông, xấu mỹ quan ở Hà Nội vì đã mang lại hiệu quả ban đầu tích cực trong thời gian qua. Đường đã thông hơn, hè thoáng, người đi bộ vừa đi vừa ngắm phố phường, trẻ em có thêm chỗ vui chơi gần nhà.

Thiết nghĩ, nếu như Bộ trưởng Thăng có đưa ra nhiều biện pháp hay đi chăng nữa thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ vẫn cứ tiếp tục gia tăng và phát triển đều đặn nếu người dân không tự ý thức được trách nhiệm của mình trong đó.

Quy định phân làn đường dành cho các phương tiện trên một số tuyến đường ở Hà Nội dường như chỉ để làm cảnh đối với người điều khiển. Trên đường Kim Mã, xe máy và ô tô đi lẫn lộn trên các làn đường. Ảnh: Giàng A Cối
Quy định phân làn đường dành cho các phương tiện trên một số tuyến đường ở Hà Nội dường như chỉ để làm cảnh đối với người điều khiển. Trên đường Kim Mã, xe máy và ô tô đi lẫn lộn trên các làn đường. Ảnh: Giàng A Cối


Người ta đều nhận ra mục đích chung tốt đẹp là giảm tắc đường để giảm thiệt hại về sức khỏe và kinh tế, nhưng nếu người dân không chung tay giúp sức mà chỉ mong chờ vào sự thay đổi của các bộ, ngành liên quan để giải quyết tình trạng tắc đường thì không khả thi. Không khả thi ở đây có nghĩa là chỉ có một chiều cố gắng. Tức là các bộ, ngành cố gắng mà người tham gia giao thông thờ ơ thì khó có thể thành công được.
Tôi có một ví dụ để so sánh như này: Chúng ta có thể hiểu đơn giản việc tham gia giao thông trên đường được như khi tham gia các giải thể thao. Mỗi giải đều có những luật, quy định riêng (ở đây là quy định về phân làn xe chạy, đường một chiều, đèn tín hiệu, biển báo,…) mà người tham gia thi đấu (ở đây là người tham gia giao thông) cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Trước tiên bằng ý thức của mình, sau là điều khiển của hội đồng trọng tài (ở đây là cảnh sát giao thông và trật tự đô thị). Hơn nữa, người tham gia thi đấu phải có tinh thần chơi đẹp (ở đây là biết nhường nhịn, tôn trọng cộng đồng,…) thì giải đấu mới thực sự thành công.

Đã có tín hiệu đèn đỏ dừng xe để cho người đi bộ qua đường nhưng các phương tiện vẫn tiếp tục đi và trèo lên đường dành cho người khuyết tật ể quay đầu xe. Ảnh: Giàng A Cối
Đã có tín hiệu đèn đỏ dừng xe để cho người đi bộ qua đường nhưng các phương tiện vẫn tiếp tục đi và trèo lên đường dành cho người khuyết tật ể quay đầu xe. Ảnh: Giàng A Cối

Hiện nay, thực tế khi chúng ta đi trên đường, không khó để chứng kiến cảnh người đi bộ vượt qua hàng rào ngăn giữa hai làn đường, đi vào nơi dành cho người khuyết tật để đỡ phải leo cầu vượt, thậm chí cả xe máy và xe đạp cũng đi vào để tiết kiệm quãng đường dài 20m.
Tại các điểm đã được bố trí đèn tín hiệu để điều khiển thì gần như chỉ để làm cảnh. Khi đèn tín hiệu đang báo xanh cho các phương tiện thì người đi bộ túm năm tụm ba chạy sang. Khi đèn đỏ báo dừng lại cho người đi bộ sang đường thì các phương tiện vẫn lao đi ầm ầm, gây nguy hiểm cho người đi bộ và xung đột dẫn đến ùn tắc ở những giờ cao điểm. Đặc biệt, tại các điểm giao cắt, người ta luôn tìm mọi cách để vượt đèn đỏ và chạy đèn xanh. Khi đèn đỏ vẫn còn báo 5 giây thì đã có hàng chục chiếc xe rồ ga lấn sang đường, trong khi đó bên kia người đi đường vẫn đang chạy xe để kịp đèn xanh nên dẫn đến tình trạng xung đột tại các điểm có đèn tín hiệu.

Người đi bộ không đi lên cầu vượt bộ hành mà lại đi vào đường dành cho người khuyết tật ở trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy. Ảnh: Giàng A Cối
Người đi bộ không đi lên cầu vượt bộ hành mà lại đi vào đường dành cho người khuyết tật ở trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy. Ảnh: Giàng A Cối

Không những thế, khi có dấu hiệu của sự ùn ứ giao thông, người ta không chịu chờ đợi mà tìm mọi cách để vượt lên. Họ lấn sang làn đường dành cho các phương tiện khác, đi xe máy lên vỉa hè dành cho người đi bộ, lách xe máy vào những khe hở giữa hai ô tô, đi ngược lại để tìm đường khác…
Theo tôi, việc viện cớ cho mật độ phương tiện giao thông phát triển quá nhanh, một số cầu, tuyến đường đã cũ, nhỏ nên chưa đáp ứng kịp; Việc viện cớ cho bố trí các điểm xe buýt, đèn tín hiệu, chỗ sang đường, điểm quay đầu xe, điểm giao cắt, chợ,… còn có những hạn chế dẫn đến xung đột giao thông- điều này đúng nhưng chỉ một phần. Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của người dân khi tham gia và sống trên các tuyến đường dễ gây ùn ứ, xung đột và thường xuyên bị tắc. Nếu chúng ta, người điều khiển các phương tiện giao thông cứ dựa vào những yếu tố đó để đẩy vai trò và trách nhiệm của mình thì tình trạng tắc đường sẽ còn gây ra nhiều tổn thất.
Chỉ khi nào người dân biết tôn trọng và quý giá sức khỏe, tiền bạc, thời gian bị mất của bản thân khi bị tắc đường; chỉ khi nào họ biết chờ đợi, biết nhường nhịn, biết tuân thủ quy định, thì khi đó, tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn mới được giảm đến mức tối đa.
Độc giả Nguyễn Việt Tiến