Số lượng tàu ngầm Trung Quốc gấp 4 lần Ấn Độ

07/08/2015 06:21
Việt Dũng (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Hải quân Ấn Độ có 141 tàu chiến, bao gồm 127 tàu chiến mặt nước và 14 tàu ngầm; trong khi đó, Trung Quốc có hơn 300 tàu chiến, tàu ngầm.

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 5 tháng 8 dẫn trang mạng "India Spend" Ấn Độ đưa tin, hiện nay, năng lực tác chiến dưới nước ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc đã gây quan ngại cho Chính phủ Ấn Độ, đồng thời cho hay, Ấn Độ sở hữu 14 tàu ngầm, còn Trung Quốc có 68 tàu ngầm, gấp hơn 4 lần Ấn Độ.

Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ

Hơn nữa, theo bài báo, số lượng tổng thể tàu chiến Ấn Độ cũng kém xa Trung Quốc: Hải quân Ấn Độ có 141 tàu chiến, trong đó có 127 tàu chiến mặt nước và 14 tàu ngầm.

Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc hiện có hơn 300 tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tên lửa, hơn nữa chỉ trong năm 2014 đã hạ thủy hoặc biên chế trên 60 tàu chiến, dự kiến cuối năm 2015 cũng hạ thủy hoặc biên chế với số lượng tương đương.

Gần đây, sau khi một chiếc tàu ngầm lớp Nguyên Trung Quốc chạy qua biển Ả rập, đã đến cảng Karachi, Pakistan. Sự kiện này khiến cho nhà cầm quyền Ấn Độ lo ngại.

Theo bài báo, tàu ngầm này biên chế 65 người, trước khi quay trở về Trung Quốc đã đến Pakistan 1 tuần để bổ sung nhiên liệu và tiếp tế. Tàu ngầm lớp Nguyên Trung Quốc sử dụng động cơ diesel-điện, thời gian lặn dài tới 1 tuần, điều này khác với tàu ngầm thông thường Ấn Độ, tàu ngầm Ấn Độ phải nổi lên mặt nước "hít thở" và sạc điện.

Ngày 6 tháng 4 năm 2015, tàu ngầm lớp Scorpene đầu tiên được đặt tên là INS Kalvari của Ấn Độ hạ thủy
Ngày 6 tháng 4 năm 2015, tàu ngầm lớp Scorpene đầu tiên được đặt tên là INS Kalvari của Ấn Độ hạ thủy

Hiện nay, Ấn Độ đang có kế hoạch thuê tàu ngầm tấn công hạt nhân cũ thứ hai của Nga, hơn nữa, Chính phủ Ấn Độ cũng đã thông qua một kế hoạch mua sắm trị giá khoảng 14 tỷ USD để chế tạo 6 tàu ngầm tấn công động cơ hạt nhân ở Visakhapatnam.

Theo tờ "Thời báo Kinh tế", gần đây, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Đô đốc P. Murugesan cho biết: "Mặc dù chúng tôi đã bắt tay làm việc, nhưng vẫn ở trong giai đoạn ký kết hợp đồng".

Dưới sự giúp đỡ của Đức, Pháp và Nga, Ấn Độ đang thông qua chế tạo tàu ngầm thông thường và hạt nhân để đối phó Trung Quốc. Nhưng, Trung Quốc vẫn dẫn trước xa so với Ấn Độ, hơn nữa còn có kế hoạch xuất khẩu công nghệ tàu ngầm.

Có bài báo cho biết, Trung Quốc sẽ bán 8 tàu ngầm lớp Nguyên cho Pakistan, tin này đã tác động rất lớn đến Ấn Độ. Lực lượng tàu ngầm Ấn Độ đang nằm trong trạng thái khủng hoảng, hơn nữa Chính phủ Ấn Độ cảm thấy lo sợ về thực lực tàu ngầm của Trung Quốc.

Năm 2014, một chiếc tàu ngầm thông thường Trung Quốc từng hai lần đậu ở cảng Colombo, Sri Lanka, sự kiện này đã gây hoang mang cho Ấn Độ, Sri Lanka không thể không đưa ra tuyên bố cam kết sẽ không làm bất cứ việc gì đe dọa lợi ích của Ấn Độ.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Chakra-2 Ấn Độ thuê của Nga trong thời gian 10 năm
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Chakra-2 Ấn Độ thuê của Nga trong thời gian 10 năm

Thực lực Hải quân Trung Quốc vượt xa Ấn Độ

Ấn Độ sở hữu 14 tàu ngầm (bao gồm 1 tàu ngầm hạt nhân tấn công được đặt tên là INS Chakra, tàu ngầm này thuê của Nga vào năm 2012, thời hạn thuê là 10 năm) dùng để đối phó với 68 tàu ngầm Trung Quốc và 5 tàu ngầm của Pakistan.

Báo cáo (2014 - 2015) của Ủy ban quốc phòng - Quốc hội Ấn Độ cho rằng, phần lớn tàu ngầm truyền thống của Ấn Độ đã có hơn 20 năm hoạt động và sắp hết hạn sử dụng, ủy ban bày tỏ "ngạc nhiên" đối với "tốc độ như ốc sên" trong biên chế tàu chiến mới của Hải quân Ấn Độ.

Trong một báo cáo, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết, trong 15 năm qua, Hải quân Ấn Độ đã trang bị 2 tàu ngầm, đã cho nghỉ hưu 5 tàu ngầm. Trong khi đó, chỉ trong năm 2014, Trung Quốc đã hạ thủy hoặc biên chế trên 60 tàu chiến, dự tính cuối năm 2015 cũng biên chế số lượng tương tự.

Hải quân Ấn Độ có 141 tàu chiến, bao gồm 127 tàu chiến mặt nước và 14 tàu ngầm. Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc đã trang bị hơn 300 tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, tàu chiến đổ bộ và tàu tuần tra tên lửa.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược INS Arihant Ấn Độ đang chạy thử
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược INS Arihant Ấn Độ đang chạy thử

Trung Quốc chiếm ưu thế trong tác chiến dưới nước

Hiện nay, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc có 59 tàu ngầm tấn công diesel-điện và 9 tàu ngầm hạt nhân. Trong 9 tàu ngầm hạt nhân có 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Tàu ngầm động cơ hạt nhân phân làm 2 loại: Tàu ngầm tấn công và tàu ngầm chiến lược (trang bị tên lửa đạn đạo). So với tàu ngầm chiến lược, tàu ngầm tấn công nhỏ hơn, tốc độ nhanh hơn.

Tàu ngầm tấn công sử dụng ngư lôi và trang bị tên lửa tuần tra lắp đầu đạn nổ mạnh thông thường, dùng để tấn công tàu chiến và tàu ngầm địch. Tàu ngầm chiến lược trang bị tên lửa đạn đạo lắp đầu đạn hạt nhân.

Chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ thuê của Hải quân Nga vào năm 1988 và trả lại vào năm 1991. Tàu ngầm hạt nhân Chakra hiện có của Ấn Độ được mệnh danh là một trong những tàu ngầm tấn công (không phải của Mỹ) sát thương nhất trên thế giới.

Ấn Độ có 9 tàu ngầm diesel-điện lớp Sindhurakshak hoặc lớp Kilo, những tàu ngầm này được chế tạo theo hợp đồng ký kết giữa Công ty Rosvooruzhenie Nga và Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Còn 4 chiếc khác là tàu ngầm diesel-điện lớp Shishumar (Type 1500) do Đức chế tạo.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ

Ấn Độ tìm cách mở rộng hạm đội tàu ngầm

Ấn Độ có kế hoạch tăng thêm 15 tàu ngầm: 6 tàu ngầm thông thường do Pháp chế tạo, 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Kế hoạch chế tạo 6 tàu ngầm lớp Scorpene được gọi là chương trình 75, chiếc tàu ngầm thông thường đầu tiên của lớp này là INS Kalvari đã hạ thủy vào ngày 6 tháng 4 năm 2015 ở nhà máy đóng tàu Mazagao, dự tính sẽ bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào năm 2016. 5 chiếc khác sẽ bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào năm 2020.

Tàu ngầm lớp Scorpene đúng một loại tàu ngầm thông thường hàng đầu, có tính năng tàng hình, không dễ bị dò tìm. Tàu ngầm này có thể trang bị tên lửa chống hạm và ngư lôi tiên tiến.

Công tác chế tạo 2 chiếc tàu ngầm sẽ do Tập đoàn DCNS Pháp chế tạo, công tác chế tạo 4 chiếc khác được triển khai ở Ấn Độ (trong đó 3 chiếc ở nhà máy đóng tàu Mazagao, Mumbai, còn 1 chiếc ở nhà máy đóng tàu Hindustan, Visakhapatnam).

Chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên do Ấn Độ tự nghiên cứu phát triển được đặt tên là INS Arihant, hạ thủy vào năm 2009, hiện đang thử nghiệm. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp này giúp cho Ấn Độ có thể thực hiện "tam vị nhất thể hạt nhân" - trên không, trên mặt đất và trên biển.

Ấn Độ muốn mua máy bay trực thăng săn ngầm S-70B Sea Hawk của Mỹ
Ấn Độ muốn mua máy bay trực thăng săn ngầm S-70B Sea Hawk của Mỹ

Có bài báo cho biết, chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược thứ hai do Ấn Độ tự nghiên cứu phát triển đặt tên là INS Aridhaman đang được chế tạo, việc chế tạo chiếc thứ ba cũng sắp bắt đầu. Trong khi đó, hiện nay, Trung Quốc đã có 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn, đến năm 2020, số lượng tàu ngầm lớp này có khả năng lên tới 8 chiếc.

Sự lựa chọn rẻ tiền, nhanh chóng: Tăng cường năng lực săn ngầm

Để ứng phó hạm đội tàu ngầm ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã đặt mua máy bay trinh sát trên biển và chống tàu ngầm tầm xa P-8I Poseidon của Mỹ. Hiện nay Ấn Độ đã sở hữu 5 máy bay tuần tra săn ngầm như vậy.

Tháng 5 năm 2015, tàu hộ vệ INS Kavaratti Type P-28 lớp Kamorta của Hải quân Ấn Độ hạ thủy ở nhà máy đóng tàu GRSE, tàu này trang bị vũ khí và hệ thống cảm biến tiên tiến, bao gồm một khẩu pháo tầm trung, ống phóng ngư lôi, thiết bị bắn tên lửa và một máy bay trực thăng.

Ấn Độ sắp hoàn tất hợp đồng mua sắm 16 máy bay trực thăng săn ngầm S-70B Sea Hawk với Công ty máy bay Sikorsky Mỹ, giao dịch này đã bị gác lại trong 15 năm qua. Khi ưu thế dưới nước của Trung Quốc ngày càng gia tăng, phần lớp tàu chiến Ấn Độ lại thiếu máy bay trực thăng săn ngầm.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ săn ngầm INS Kamorta Hải quân Ấn Độ
Tàu hộ vệ hạng nhẹ săn ngầm INS Kamorta Hải quân Ấn Độ
Việt Dũng (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)