Tại sao chưa cán bộ nào có con được nâng điểm thi từ chức để nêu gương?

20/10/2019 07:57
Nhật Minh
(GDVN) - Chuyện trong nhà, chuyện của con đẻ họ, họ còn không biết thì các công to việc lớn trong xã hội liệu người dân có thể tin tưởng được không?.

Ngày 14/10, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận điểm thi xảy ra trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 xảy ra tại Hà Giang sẽ được mở lại.

Trước đó, tại phiên xét xử ngày 18/9, hơn 100 nhân chứng vắng mặt khiến phiên tòa phải hoãn lại.

Đến nay, tại Hà Giang, đã có 151 trường hợp Đảng viên bị xử lý kỷ luật vì có con được nâng điểm thi tại kỳ thi này. Rất nhiều trường hợp Đảng viên liên quan được yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Dù đến thời điểm hiện tại, các phụ huynh là cán bộ có con được nâng điểm thi một mực nói “không biết”, “không can thiệp” nâng điểm thi cho con nhưng dư luận, bản thân tôi thì đầy hoài nghi.

Các vị có tác động không, tác động cách nào chỉ có các vị ý biết mà thôi.

Và dù không trực tiếp can thiệp nâng điểm thi cho con nhưng người thân các vị có liên quan mà không vị nào xin từ chức vì uy tín giảm sút thì cũng cho thấy trình độ tự phê bình của Đảng viên rất kém.

Có vị phụ huynh là nguyên Bí thư Tỉnh, có vị là Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có con được nâng điểm thi. Thử hỏi những vị này khi chỉ đạo hay phát biểu về công bằng, minh bạch, chống tiêu cực, người dân nào phục?”.

Ông Sửu phân tích: “Thí sinh được nâng điểm thi là con các vị, sao các vị không biết.

Giả sử lúc nâng điểm các vị không biết nhưng khi có kết quả, con em các vị điểm cao chót vót, vậy mà các vị vẫn “không biết”?

Các vị không biết con mình học hành ra sao thì chờ đợi gì ở việc các vị sâu sát các việc khác trong xã hội!.

Chuyện trong nhà, chuyện của con đẻ họ, họ còn không biết thì các công to việc lớn trong xã hội liệu người dân có thể tin tưởng được không?.

Con cái các vị được nâng điểm, người thân trong gia đình các vị "tác động" nâng điểm cho con các vị mà các vị không biết đó là ngụy biện.

Tính tự giác của Đảng viên, cán bộ là phụ huynh có con được nâng điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình rất kém.

Đáng lẽ như vậy, cũng phải có vị tự xin từ chức để nêu gương, để giữ lấy uy tín cho bản thân, cho tổ chức Đảng".

Những tấm gương cao cả trong vụ nâng điểm ở Hà Giang
Những tấm gương cao cả trong vụ nâng điểm ở Hà Giang

Vị nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương dẫn lại quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐi/TW) ghi rất rõ: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”, soi vào vụ việc gian lận điểm thi ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thì các cán bộ, Đảng viên có con được nâng điểm có còn đủ uy tín không?.

Theo ông, tính chất và tác hại của vi phạm trong vụ gian lận điểm thi ở 3 tỉnh có lẽ quá rõ. Sự không trung thực trong thi cử được tiếp tay bởi những người liên quan.

Nó làm học sinh mất niềm tin vào sự công bằng trong thi cử, người dân mất niềm tin, ngành giáo dục chịu một sự hoài nghi rất lớn…Làm mất uy tín của tổ chức Đảng ở các địa phương này, mất uy tín của chính các vị có được nâng điểm thi.

Những vi phạm đó phải xử lý nghiêm chứ không thể chỉ khiển trách, rút kinh nghiệm.

“Nói cho cùng, xử lý các vị phụ huynh có con được nâng điểm thi nếu không quyết liệt sẽ làm cho công tác cán bộ rất khó đi vào nề nếp”, ông Sửu nhấn mạnh.

Nhật Minh