Tân Hoa Xã bịa tin hay tàu TQ áp sát lãnh thổ, Malaysia vẫn không biết

30/01/2014 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - So với Philippines và Việt Nam, Malaysia đưa ra cách tiếp cận "ít quan trọng" với yêu sách (phi lý) của Trung Quốc ở Biển Đông
Tổng tham mưu trưởng quân đội Malaysia Tan Sri Zulkifeli Mohd Zin.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Malaysia Tan Sri Zulkifeli Mohd Zin.

Reuters ngày 29/1 đưa tin, Tư lệnh Hải quân Malaysia đã bác bỏ báo cáo của truyền thông cho rằng 3 tàu hải quân Trung Quốc đã tuần tra cả khu vực sát bờ biển Malaysia khi nói rằng hoạt động của 3 tàu này diễn ra cách hàng trăm dặm về phía bắc từ bờ biển nước này.

Trước đó Tân Hoa Xã cho biết 1 tàu đổ bộ và 2 tàu khu trục hạm đội Nam Hải đã tuần tra, thượng cờ tuyên bố "chủ quyền" của Bắc Kinh đối với bãi James ở cực nam quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và cách bờ biển Malaysia khoảng 80 km. 

Kuala Lumpur có yêu sách chủ quyền với khu vực này. Đây cũng là cực Nam của đường lưỡi bò phi pháp do Trung Quốc tự vẽ ra để đòi yêu sách (phi lý) với 85% diện tích Biển Đông.

Hoạt động được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin như là một dấu hiệu mới nhất về sự leo thang của Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông.

Tờ New Straits Times hôm 29/1 dẫn lời Tư lệnh Hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar cho biết, cuộc tập trận của "tàu sân bay, tàu ngầm" Trung Quốc đã diễn ra cách vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia 1000 hải lý. Ông khẳng định Malaysia và Mỹ đã được Trung Quốc báo trước về các cuộc tập trận.

Trung Quốc tổ chức thượng cờ tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp tại bãi cạn James cách bờ biển Malaysia 80 km hồi tháng Tư năm ngoái. Năm nay bản tin của Tân Hoa Xã và truyền thông Trung Quốc không cung cấp ảnh hay video của hoạt động tương tự.
Trung Quốc tổ chức thượng cờ tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp tại bãi cạn James cách bờ biển Malaysia 80 km hồi tháng Tư năm ngoái. Năm nay bản tin của Tân Hoa Xã và truyền thông Trung Quốc không cung cấp ảnh hay video của hoạt động tương tự.

"Hiện chưa có hành động nào khiêu khích hoặc đe dọa chủ quyền của chúng tôi từ phía hải quân Trung Quốc khi họ đang tập trận trong vùng biển quốc tế", ông Abdul Aziz Jaafar nói, trong khi tàu sân bay Liêu Ninh đã kết thúc hoạt động tập trận đầu tiên (bất hợp pháp) của nó ở Biển Đông và quay trở lại Thanh Đảo hôm 1/1, mâu thuẫn rõ ràng với bình luận của ông Tư lệnh Hải quân Malaysia.

Cũng trong ngày 29/1 New Straits Times dẫn lời Tổng tham mưu trưởng Malaysia tướng Tan Sri Mohd Zulkifeli Zin khẳng định rằng quân đội Malaysia không nhận được bất kỳ báo cáo nào về việc Trung Quốc kéo 3 tàu chiến ra bãi cạn James thượng cờ, tuyên bố chủ quyền như truyền thông nước ngoài đưa tin.

"Theo như chúng tôi biết, không có chuyện Trung Quốc tổ chức tuyên thệ, chào cờ và bắn chỉ thiên trên tàu theo báo cáo", Tổng tham mưu trưởng Malaysia khẳng định, nếu có tiếng súng, quân đội Malaysia đã lập tức đề nghị Bộ Ngoại giao phản đối.

Trung Quốc tập trận đổ bộ trái phép tại Biển Đông - Trường Sa năm ngoái.
Trung Quốc tập trận đổ bộ trái phép tại Biển Đông - Trường Sa năm ngoái.

Khalid cho biết những "tin đồn" (do chính Tân Hoa Xã đưa ra) như vậy có thể làm suy yếu mối quan hệ song phương Malaysia - Trung Quốc. 

So với Philippines và Việt Nam, Malaysia đưa ra cách tiếp cận "ít quan trọng" với yêu sách (phi lý) của Trung Quốc ở Biển Đông bởi Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn của họ, Reuters bình luận. 

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược toàn diện" vào năm ngoái.

Hồng Thủy